Chất lượng hoạt động thể thao không cao là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu mặn mà của các nhà tài trợ, khiến công tác xã hội hóa thể thao ở Khánh Hòa chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Chất lượng hoạt động thể thao không cao là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu mặn mà của các nhà tài trợ, khiến công tác xã hội hóa thể thao ở Khánh Hòa chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Năm qua, ngành Thể thao tỉnh ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động thể thao phong trào quần chúng, thể thao thành tích cao. Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao, toàn tỉnh hiện có hơn 395.000 người tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, chiếm tỷ lệ 32,77% trên tổng số dân; số gia đình đạt danh hiệu gia đình thể thao hơn 83,5 nghìn hộ, chiếm 30,76% tổng số hộ. Năm qua, thể thao Khánh Hòa tham gia 15 giải thể thao cấp quốc gia, tổ chức 22 giải cấp tỉnh… Toàn tỉnh hiện có 4 liên đoàn, 12 tổ chức hội, câu lạc bộ thể thao với số lượng hội viên hoạt động lên đến hàng chục nghìn người. Các tổ chức này góp phần không nhỏ thúc đẩy sự phát triển phong trào thể thao quần chúng ở tỉnh.
Một giải đấu cầu lông được tổ chức từ nguồn kinh phí xã hội hóa |
Ở mảng thể thao thành tích cao, Khánh Hòa vẫn tiếp tục duy trì sự đầu tư ở một số môn thế mạnh như: bóng chuyền (trong nhà, bãi biển), bóng đá (futsal, chuyên nghiệp), bóng bàn, điền kinh, khiêu vũ thể thao, thể hình và các môn võ thuật… với hơn 400 vận động viên chuyên nghiệp, nghiệp dư đang tập luyện. Thể thao thành tích cao tỉnh năm qua là đạt được 216 huy chương các loại, vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao 13,6% (chỉ tiêu 190 huy chương), có 29 huấn luyện viên, vận động viên được tập trung vào đội tuyển quốc gia.
Để có kết quả ấy, bên cạnh vấn đề chuyên môn, sự đầu tư từ nguồn kinh phí Nhà nước cấp hàng năm cho các hoạt động thể thao tỉnh, còn có sự đóng góp không nhỏ từ công tác xã hội hóa thể thao. Cụ thể, năm 2016, hoạt động xã hội hóa thể thao cấp tỉnh đã huy động được hơn 1,3 tỷ đồng; cấp huyện gần 600 triệu đồng và cấp xã gần 500 triệu đồng. Đội tuyển các môn bóng chuyền, bóng đá… hàng năm tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa, Nhà máy Nước giải khát Sanna - Công ty Truyền thông Biển Việt Nam, với mức đầu tư từ 45 đến 60 tỷ đồng. Song, nếu nhìn nhận một cách khách quan, hiện nay, công tác xã hội hóa thể thao tỉnh vẫn còn yếu và chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Cách đây 4 - 5 năm, hoạt động xã hội hóa thể thao tỉnh huy động được hơn 3 tỷ đồng/năm, tạo được sức hút với việc tổ chức các giải thể thao lớn trong nước, quốc tế như: giải điền kinh Việt - Nhật, giải bóng chày quốc tế, giải điền kinh tỉnh mở rộng, giải đua xe đạp tỉnh mở rộng, giải bóng chuyền bãi biển nữ quốc tế…, thì nay tần suất tổ chức các giải này rất ít, thậm chí không còn.
Theo lý giải của lãnh đạo ngành Thể thao tỉnh, sự thiếu hiệu quả trong hoạt động xã hội hóa thể thao có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Một phần do các mạnh thường quân, doanh nghiệp trước đó hiện không còn đủ sức duy trì các hoạt động này; phần khác là do chất lượng các hoạt động thể thao trong tỉnh không cao, nên hầu hết doanh nghiệp không mấy mặn mà trong việc hỗ trợ. Hàng năm, tỉnh tổ chức từ 15 đến 20 giải thể thao cấp tỉnh, đăng cai tổ chức từ 8 đến 10 giải quốc gia, song đa phần các giải đấu đó chỉ mang tính duy trì hoạt động của ngành, hoặc ít được phổ biến trong địa bàn tỉnh.
Thời gian gần đây, trong hầu hết các buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh với ngành Thể thao, đồng chí Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh luôn chỉ đạo ngành cần chủ động trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch, nâng cao chất lượng hoạt động. Bên cạnh thể thao thành tích cao, ngành Thể thao cũng cần đẩy mạnh hoạt động thể thao phong trào nhằm thu hút sự quan tâm, đầu tư của các đơn vị, doanh nghiệp, mạnh thường quân. Từ đó, tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa trong công tác xã hội hóa thể thao.
AN NHIÊN