10:02, 24/02/2017

Khi niềm tin đã cạn

Sự việc Câu lạc bộ (CLB) Long An không chịu thi đấu, để mặc cho CLB TP. Hồ Chí Minh ghi 3 bàn liên tiếp và thắng chung cuộc 5-2 nhằm phản đối quyết định của trọng tài Nguyễn Trọng Thư đã có quyết định xử phạt từ VFF. Nhưng xét cho cùng, xử phạt vẫn chưa phải là cách giải quyết tận gốc vấn đề, một khi niềm tin đã cạn.

Sự việc Câu lạc bộ (CLB) Long An không chịu thi đấu, để mặc cho CLB TP. Hồ Chí Minh ghi 3 bàn liên tiếp và thắng chung cuộc 5-2 nhằm phản đối quyết định của trọng tài Nguyễn Trọng Thư đã có quyết định xử phạt từ VFF. Nhưng xét cho cùng, xử phạt vẫn chưa phải là cách giải quyết tận gốc vấn đề, một khi niềm tin đã cạn.


Hành động quay lưng lại khi bắt quả phạt 11m của thủ môn Nguyễn Minh Nhựt, rồi các cầu thủ CLB Long An “đình công” không chịu đá, để mặc cho các cầu thủ CLB TP. Hồ Chí Minh ghi bàn là không thể bào chữa. Đó hoàn toàn là những hành vi phi thể thao, và chắc chắn phải nhận những án phạt nặng từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Thủ thành Nguyễn Minh Nhựt và đội trưởng Huỳnh Quang Thanh bị cấm thi đấu 2 năm, Huấn luyện viên Ngô Quang Sang và Chủ tịch CLB Võ Thành Nhiệm không được tham gia các hoạt động của VFF trong 3 năm, có thể nói là một án phạt nặng, mang tính chất răn đe đối với những hành vi tương tự. Nhưng nếu nhìn một cách sâu xa hơn, vấn đề lại không chỉ đơn giản như vậy.


Pha bóng dẫn đến quả phạt 11m mà trọng tài Nguyễn Trọng Thư cho CLB TP. Hồ Chí Minh được hưởng, dẫn đến phản ứng của các cầu thủ Long An, là mang tính chất 50/50. Có nghĩa là ở những tình huống như vậy, trọng tài thổi phạt hay không đều được, tùy vào nhận định của bản thân trọng tài, và các đội bóng phải chấp nhận. Dĩ nhiên ban huấn luyện và các cầu thủ CLB Long An hiểu rõ điều này, nhưng tại sao họ lại phản ứng một cách thái quá như vậy. Có thể nói, những phản ứng đó là “tức nước vỡ bờ”, hệ quả từ rất nhiều uất ức tích tụ từ trước, hệ quả của lòng tin đã thực sự cạn kiệt.


Như đội trưởng Huỳnh Quang Thanh từng phát biểu, các cầu thủ Long An bức xúc vì vòng đấu nào họ cũng bị trọng tài thổi phạt đền. Nhìn rộng ra, V-League 2017 mới diễn ra 6 vòng đấu, nhưng không có vòng đấu nào là không có vấn đề về trọng tài. Chẳng hạn như hành động cộng bù giờ 2 lần của trọng tài Nguyễn Hiền Triết, dẫn đến bàn thắng từ chấm phạt đền của CLB Bình Dương được ghi ở phút bù giờ… của bù giờ. Hoặc pha “bẻ còi” của trọng tài Đức Vũ trong trận Than Quảng Ninh - Hà Nội, rồi CLB Sông Lam Nghệ An đâm đơn kiện trọng tài Nguyễn Trung Kiên trong trận với Quảng Nam. Và đình đám nhất là kết luận “chỉ liều lĩnh chứ không bạo lực” của Ban trọng tài và Ban tổ chức giải V-League trong vụ Hoàng Vũ Samson, gây rất nhiều phẫn nộ trong dư luận.


Sai lầm diễn ra liên tục từ trọng tài, Ban trọng tài lại ra những quyết định khó hiểu thực ra không chỉ diễn ra tại V-League mùa giải 2017, mà nó đã là tình trạng chung ở các mùa giải trước. Hiếm có mùa giải nào mà chất lượng trọng tài tại V-League không bị phàn nàn, bức xúc. Thậm chí năm 2005 còn có sự kiện trọng tài Lương Trung Việt bị bắt vì nhận hối lộ, hoặc năm 2013 vụ lùm xùm 4 trọng tài bị tố cáo với hành động tương tự.


Chỉ xử phạt nặng tay đối với CLB Long An chắc chắn là chưa đủ. Nếu không trả lại được lòng tin, sự minh bạch cho V-League, thì đến một lúc nào đó, lại sẽ có những hành động “tức nước vỡ bờ” tương tự diễn ra. Và như thế, V-League nói riêng và nền bóng đá nước nhà nói chung rất khó có thể phát triển như mong đợi.


Trần Khánh