08:04, 02/04/2015

Hiệu quả hay đẹp mắt?

Thế là đội tuyển U23 Việt Nam đã giành được một suất dự vòng chung kết U23 châu Á tổ chức tại Qatar vào năm 2016. Vượt qua rất nhiều lo lắng, nhiều ý kiến trái chiều, thầy trò huấn luyện viên Toshiya Miura đã đạt được mục tiêu đề ra trước khi tham gia giải đấu.

Thế là đội tuyển U23 Việt Nam đã giành được một suất dự vòng chung kết U23 châu Á tổ chức tại Qatar vào năm 2016. Vượt qua rất nhiều lo lắng, nhiều ý kiến trái chiều, thầy trò huấn luyện viên Toshiya Miura đã đạt được mục tiêu đề ra trước khi tham gia giải đấu. Thành công bước đầu của U23 Việt Nam trên đấu trường châu lục cũng là câu trả lời cho câu hỏi mà rất nhiều người đặt ra, hiệu quả và đẹp mắt, nên chọn cái nào?

 

 Huấn luyện viên Toshiya Miura đã mang lại một lối đá có tính hiệu quả cao cho U23 Việt Nam.
Huấn luyện viên Toshiya Miura đã mang lại một lối đá có tính hiệu quả cao cho U23 Việt Nam.


Nếu đặt hiệu quả lên hàng đầu, vậy kết quả cuối cùng sẽ là điều cần chú trọng. Mọi tính toán sẽ đều được tập trung cho kết quả cuối cùng này, việc chơi đẹp hay chơi “thủ đoạn”, chơi tấn công hay phòng thủ kiểu “xe buýt 2 tầng”… đều sẽ không còn quá quan trọng. Suy nghĩ quan trọng nhất của huấn luyện viên lúc này là làm thế nào để chiến thắng, hoặc làm thế nào để có được kết quả tốt nhất có thể, những cái khác không thể đặt lên bàn cân để tính toán. Còn nếu đặt tính đẹp mắt lên hàng đầu, đá tấn công một cách mãn nhãn, đẹp mắt khiến cho người xem cảm thấy thích thú, thì kết quả sẽ được đưa xuống hàng thứ yếu. Ở vế này, cảm xúc của khán giả, người hâm mộ sự được đặt lên hàng đầu, cái đẹp của bóng đá được đặt lên hàng đầu, chuyện có được giải thắng thua như thế nào đã không còn quan trọng nữa.


Tranh luận giữa hiệu quả hay đẹp mắt, có thể dẫn chứng câu trả lời của bầu Đức “đội thắng, đội vô địch mà không có khán giả là một nỗi đau lớn” đối với câu nói “một đội bóng đá đẹp, đá cống hiến mà không thắng thì vứt” của huấn luyện viên Lê Thụy Hải. Và đội bóng Hoàng Anh Gia Lai đã trung thành với lối chơi cống hiến, đẹp mắt cho dù đang “ngụp lặn” ở vị trí thứ 10 trên bảng xếp hạng V-league, chỉ cách nhóm “cầm đèn đỏ” vỏn vẹn 1 trận thắng, nhưng lại được người hâm mộ yêu mến.


Lẽ dĩ nhiên, nếu có thể lựa chọn, ai mà chẳng chọn cả hiệu quả lẫn đẹp mắt. Một số ý kiến viện dẫn ra một số ví dụ của việc kiêm cả hiệu quả lẫn đẹp mắt như đội tuyển Brazil hay câu lạc bộ Barcelona chẳng hạn. Nhưng phải chăng những so sánh đó có phần khập khiễng, khi mà đội tuyển Brazil chỉ đạt tới hiệu quả lẫn đẹp mắt khi trong đội hình có những siêu sao hàng đầu thế giới, còn không thì vẫn có thể thua mất mặt 1-7 trước người Đức thực dụng. Hoặc chúng ta thử nhìn vào đội hình của Barcelona, để xem thử trong đội hình của họ có bao nhiêu ngôi sao đắt giá hàng đầu thế giới, và thậm chí họ vẫn thua những đội bóng có lối chơi thực dụng như Inter Milan, Real Madrid dưới thời của Mourinho. Và xem lại đội hình U23 Việt Nam chúng ta, thậm chí còn chưa phải là những cầu thủ tốt nhất ở cùng lứa tuổi, có khá nhiều cầu thủ chỉ mới đá chuyên nghiệp và chỉ mới được huấn luyện tập trung hơn 1 tháng. Vậy chúng ta có thể đòi hỏi bao nhiêu ở họ?


Một bằng chứng của việc thất bại trong hiệu quả nhưng lại thành công trong lòng người hâm mộ, đó chính là câu lạc bộ Arsenal. Họ có số lượng người ham mộ và doanh thu hàng đầu thế giới, nhưng về thành tích thì cả 10 năm nay họ chưa từng có một chiếc cúp vô địch nào gọi là “cho ra hồn”, bởi đối với họ thu vào mới là điều quan trọng nhất. Vậy đội tuyển U23 Việt Nam có thể nào đi theo con đường đó hay không? Rất rõ ràng là không. Việc kiếm tiền, thu hút người hâm mộ là việc của câu lạc bộ, còn đội tuyển quốc gia là bộ mặt của đất nước, là đại diện cả một quốc gia đi “chinh chiến” ở nước ngoài. Vậy thành quả của đội tuyển sẽ được đánh giá qua điều gì? Số lượng người hâm mộ chăng? Không, thành quả của đội tuyển sẽ được đánh giá qua thành tích của họ.


Rất rõ ràng, huấn luyện viên Toshiya Miura đang cho thấy ông là một người rất phù hợp với mục tiêu của đội tuyển Việt Nam. Đó là xây dựng cho đội tuyển một lối chơi hiện đại, cải thiện điểm yếu, lên kế hoạch và tính toán một cách chi tiết để đạt được những thành tích cụ thể. Có 2 điểm để ta thấy được việc giỏi trong việc tính toán, lên kế hoạch của ông Miura. Điểm thứ nhất là cách mà ông tính toán để U23 Việt Nam đạt được mục tiêu đề ra là lọt vào vòng chung kết U23 châu Á 2016. Quyết thắng Malaysia, tử thủ trước Nhật Bản hạ chế bàn thua tới mức thấp nhất, bung toàn lực thắng đậm Macau, tất cả đều là những tính toán hợp lý để đạt được mục tiêu. Điểm thứ hai là cái cách mà ông lên kế hoạch khắc phục nhược điểm về thể lực và cách đá rườm rà, cá nhân của một số cầu thủ U23 Việt Nam bằng cách nhồi thể lực, và cho đội tuyển thực hiện lối đá nhanh ít chạm cự ly trung bình. Kết quả là U23 đã có được một hàng tiền vệ mạnh, giàu thể lực và khả năng tranh chấp khiến cho U23 Malaysia phải bế tắc, U23 Nhật Bản phải ức chế. Thậm chí trong trận thắng U23 Macau, nếu không có nền tảng thể lực dồi dào, lối chơi phù hợp với điều kiện sân bãi thì việc thắng đậm được U23 Macau cũng là một nhiệm vụ khó khăn.


Đối với cấp độ đội tuyển quốc gia, tìm được một lối đá phù hợp với những cầu thủ hiện có, đạt được những mục tiêu đề ra mới là điều quan trọng. Còn việc thỏa mãn mong muốn được xem đá đẹp có lẽ ở hàng thứ yếu. Sau những thành quả mới gặt hái được trên đấu trường quốc tế, chúng ta có quyền hy vọng cho một kỳ SEA Game 28 có vàng của đội tuyển bóng đá Việt Nam.


Duy Duy