09:03, 03/03/2015

Thể lực, không phải chuyện đùa

Chuyện cầu thủ Việt yếu về thể hình, thể lực cũng không phải là chuyện gì mới, đó cứ như là "căn bênh trầm kha" của bóng đá Việt Nam mà vẫn chưa thể trị dứt điểm. Đã có lúc cứ tưởng như lớp cầu trẻ của Hoàng Anh Gia Lai được đào tạo, chăm sóc bài bản từ nhỏ sẽ cải thiện được vấn đề này, nhưng rồi đâu vẫn hoàn đó.

Chuyện cầu thủ Việt yếu về thể hình, thể lực cũng không phải là chuyện gì mới, đó cứ như là “căn bênh trầm kha” của bóng đá Việt Nam mà vẫn chưa thể trị dứt điểm. Đã có lúc cứ tưởng như lớp cầu trẻ của Hoàng Anh Gia Lai được đào tạo, chăm sóc bài bản từ nhỏ sẽ cải thiện được vấn đề này, nhưng rồi đâu vẫn hoàn đó.

 

Hãy để các cầu thủ trẻ đổ mồ hôi trên sân tập nhiều hơn nữa.
Hãy để các cầu thủ trẻ đổ mồ hôi trên sân tập nhiều hơn nữa.


Vấn đề dần lộ ra khi mà lứa cầu thủ này bắt đầu đá chuyên nghiệp tại V-League, chuyện họ không thể bảo đảm được thể lực tại một sân chơi chuyên nghiệp như V-League đã dần không phải là chuyện gì đáng ngạc nhiên, khi mà hiện tượng hụt hơi trong những cuộc đua thể lực đã là vấn đề chung. Đặc biệt vấn đề càng rõ ràng hơn khi họ được triệu tập vào đội tuyển U23 Việt Nam chuẩn bị cho Seagame 28, dưới giáo án thể lực của huấn luyện viên Toshiya Miura, sự yếu kém về thể lực ngày càng lộ rõ.


Đối với bóng đá hiện đại, thể lực chính là điều kiện tiên quyết, tất cả mọi kỹ thuật, chiến thuật đều dựa trên nền tảng thể lực. Hiện nay, cho dù là chiến thuật thiên về tấn công, hay là phòng thủ, đặc biệt là lối đá pressing mà rất nhiều đội bóng sử dụng đều là những cuộc tra tấn thể lực, bởi nó buộc cầu thủ phải di chuyển rất nhiều, phải tích cực tranh chấp bóng ngay từ sân đối phương, và đã không ít danh thủ không được ra sân bởi một lý do: không đủ thể lực. Sự thiếu hụt về thể hình hoàn toàn có thể bù đắp lại bởi thể lực, trên thế giới không thiếu những cầu thủ không có ưu thế về thể hình nhưng vẫn trở thành danh thủ như hiện đại có Lionel Messi, Eden Hazard, David Silva… xa hơn có Gennaro Gattuso, Gianfranco Zola, Diego Maradona… Với kỹ thuật cá nhân siêu đẳng, lấy bóng khỏi chân họ là điều vô cùng khó khăn, và để duy trì kỹ thuật cá nhân đó, thể lực là yếu tố quan trọng.


Rất rõ ràng, vấn đề thể lực phải được xem xét một cách vô cùng nghiêm túc. Một câu hỏi được đặt ra, vậy tại sao các cầu thủ trẻ của Hoàng Anh Gia Lai lại có nền tảng thể lực yếu như vậy, thậm chí là so với các cầu thủ trẻ đồng lứa khác, cho dù có điều kiện huấn luyện tốt hơn nhiều. Với một hệ thống huấn luyện chuyên nghiệp, điều kiện máy móc tập luyện đầy đủ, có huấn luyện viên thể lực riêng thì kết quá đáng lý ra phải tốt hơn nhiều so với hiện tại mới đúng. Theo lý giải của ban huấn luyện Hoàng Anh Gia Lai thì các cầu trẻ trên mới được bước vào giai đoạn rèn luyện thể lực, nên thể lực vẫn chưa được tốt, nhưng điều đó có hợp lý hay không? Lứa cầu thủ trẻ này của Hoàng Anh Gia Lai tính tuổi đời đã xấp xỉ 19, 20, ở tuổi này mới bắt đầu giai đoạn rèn luyện thể lực thì đã có phần muộn, đó phải là giai đoạn phát triển thể lực từ nền tảng đã được tích lũy trước đó mới đúng. Hãy xem các cầu thủ trên thế giới, đa số họ đã lên đá chuyên nghiệp từ năm 17, 18 tuổi như Cristiano Ronaldo, Adnan Januzaj, Lionel Messi, Wayne Rooney…. Mà khi đã ra sân đá chuyên nghiệp, điều kiện tối thiếu là phải đạt đủ thể lực đá trong 2 hiệp, chứ không phải là đưa ra cái cớ mới 17 tuổi, cơ thể chưa phát triển hoàn thiện để làm lý do cho việc thể lực không đủ, bởi không đủ thì ai cho anh đó chuyên nghiệp? Những cầu thủ này khi ra sân lúc 17 tuổi, ai cũng có hình thể còn “mỏng” – có nghĩa là họ vẫn chưa phát triển  hết về thể chất, nhưng hoàn toàn đã tích lũy đủ thể lực cần thiết để ra sân thi đấu, và đều đủ sức thi đấu tốt trong cả trận. Cũng không cần nói đâu xa, ngay ở trong nước, những cầu thủ trẻ xấp xỉ 18-20 tuổi của Sông Lam Nghệ An, Sanna Khánh Hòa, Hà Nội T&T… vẫn đạt đủ điều kiện thể lực cần thiết, vậy tại sao các cầu thủ trẻ Hoàng Anh Gia Lai vẫn còn phải tiếp tục tích lũy thể lực?


Cho dù có rất nhiều lý do cho vấn đề thể lực của các cầu thủ trẻ Hoàng Anh Gia Lai, thậm chí là quy trình huấn luyện chưa hợp lý, nhưng không thể chối bỏ một sự thật, đó là vấn đề thể lực có thể sẽ là nguyên nhân chính loại họ ra khỏi đội tuyển U23. Chẳng hạn như trường hợp Hồng Duy, Thanh Tùng bị căng cơ không thể tập luyện cũng đồng đội chỉ sau vài ngày tham gia huấn luyện.


Huấn luyện viên Toshiya Miura đã thấy được điểm yếu của các cầu thủ U23 Việt Nam, đó chính là thể lực. Nhưng với 1 tháng “nhồi thể lực” cũng chỉ là giải pháp chữa cháy mà thôi. Đây là vấn đề phải được giải quyết từ cấp câu lạc bộ, phải được tích lũy dần từ trước, chứ không phải đợi tới 19, 20 tuổi mới bắt đầu tích lũy thể lực. Những cầu thủ trẻ hãy lấy tinh thần luyện tập của Cristiano Ronaldo, miệt mài tập luyện bất kể mưa nắng, bất kể thời gian để có được thành quả như hiện tại.


Duy Duy