09:01, 13/01/2015

Yêu thường mù quáng?

Hoàng Anh Gia Lai đã thua trận, thua trước một Đồng Tâm Long An được đánh giá có một lực lượng trung bình, nhưng lại khá già dặn về lối chơi với một dàn cầu thủ có kinh nghiệm trận mạc như Tài Em, Chí Công, Quang Thanh…

Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã thua trận, thua trước một Đồng Tâm Long An (ĐTLA) được đánh giá có một lực lượng trung bình, nhưng lại khá già dặn về lối chơi với một dàn cầu thủ có kinh nghiệm trận mạc như Tài Em, Chí Công, Quang Thanh… Nhưng HAGL thua trận có gì lạ, khi mà dàn cầu thủ mùa này của HAGL đại đa số là từ lớp U19 học viện HAGL-JMG đôn lên, kinh nghiệm trận mạc còn quá non nớt, ngay cả chính bầu Đức của HAGL cũng chỉ đưa ra mục tiêu mùa này chỉ là trụ hạng. Cái nên lạ ở đây, chính là phản ứng của người hâm mộ.

 

Việc người hâm mộ yêu mến các cầu thủ U19 học viện HAGL-JMG là có thể lí giải, khi mà lớp cầu thủ này chơi một lối chơi tấn công phối hợp đẹp mắt, cống hiến, mang đậm phong cách của câu lạc bộ Arsenal ở tại Premier League. Phải nói là lối chơi của các cầu thủ U19 học viện HAGL-JMG chính là một điểm sáng ở trong nền bóng đá Việt Nam hiện nay, nó cũng giống như là những gì mà câu lạc bộ Arsenal mang lại cho bóng đá Anh ở những năm 1998 đến 2005, khiến cho Arsenal trở thành một trong những câu lạc bộ có lối chơi quyến rũ và được nhiều người hâm mộ hành đầu trên thế giới. Nhưng tình yêu luôn có tính hai mặt của nó, nó sẽ bền vững khi vừa đủ, và sẽ trở nên có hại khi mang tính chất mù quáng. Và có vẻ như tình yêu của người hâm mộ đối với các cầu thủ HAGL đang dần ngã về vế sau.

 

Công Phượng hoàn toàn “tắt điện” trước kinh nghiệm của Tài Em.
Công Phượng hoàn toàn “tắt điện” trước kinh nghiệm của Tài Em.

 

Sau trận đầu thắng dễ trước một Sanest Khánh Hòa còn quá non trẻ, thì tất cả những điểm yếu của HAGL đã được bộc lộ trước một ĐTLA không phải là có nhiều cầu thủ ngôi sao, nhưng đầy kinh nghiệm và bản lĩnh trận mạc. Đó là sự thiếu kinh nghiệm thi đấu, đó là sự non kinh nghiệm khi đối đầu với những đối thủ có lối đá phòng thủ phản công chắc chắn, và có cả sự non kinh nghiệm đến từ băng ghế chỉ đạo… Suy cho cùng, thua trận, đó là điều bình thường, không có gì đáng để ngạc nhiên đối với những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… khi mà các em lần đầu tiên bước ra một sân đấu khốc liệt chính thức, lần đầu tiên bước ra khỏi những cái “lồng vô trùng" bao bọc các em, bước vào thế giới bóng đá thực tế. Ngược lại, đáng ngạc nhiên chính là phản ứng của người hâm mộ đối với thất bại của các em.

 

Có vẻ như, đối với những người hâm mộ, lớp cầu thủ U19 của HAGL có nhiệm vụ là phải chiến thắng, là phải thắng tất cả những đối thủ bằng lối chơi đẹp của mình, tất cả những đội bóng không “đón tiếp” các em bằng lối chơi tấn công cống hiến tương tự, thì đều sẽ quy vào cái tội phá hủy nền bóng đá Việt Nam, phá hủy tương lai của bóng đá. Tiêu biểu là sau trận thua trước ĐTLA, rất nhiều ý kiến cho rằng, các cầu thủ ĐTLA chơi như vậy là không được, chơi như vậy là mất mặt… khi mà họ đã sử dụng lối chơi phòng thủ tấn công để khắc chế lại lối chơi tấn công ồ ạt của HAGL. Trước hết, về mặt chiến thuật, đôi công với một đội bóng sở trường về tấn công, trong khi chính mình không giỏi về tấn công thì đó là tự sát. Có rất nhiều ví dụ cho điều này, từ U19 Việt Nam cho tới câu lạc bộ Arsenal đều đã từng gục ngã trước những đối thủ sử dụng lối chơi phòng ngự chặt phản công nhanh để khắc chế, để rồi phải tự công nhận chính mình quá non nớt trước đối thủ. Ta tấn công, không có nghĩa là chúng ta cũng phải yêu cầu đối phương cũng phải tấn công như chúng ta, đó là điều vô nghĩa. Nếu như vậy thì huấn luyện viên, chiến lược chiến thuật ở trong bóng đá chỉ là để bài trí hay sao?

 

Một ý kiến khác, đó là vấn đề va chạm trong thi đấu. Đại đa số các ý kiến đều phản ứng việc những Công Phượng, Tuấn Anh… bị phạm lỗi, nhưng hình như họ đã quên rằng, đó mới là bóng đá, chứ không phải là một môn nghệ thuật, nếu cầu thủ sợ va chạm, sợ tranh chấp thì tốt nhất cầu thủ đó đừng đá bóng nữa. Vì ngay cả những giải đấu lớn nhất hành tinh, thì va chạm trong quá trình tranh chấp khi thi đấu là điều không tránh khỏi, và trọng tài sinh ra là để hạn chế những điều này. Nhìn xa hơn một chút, cho dù chúng ta cố gắng bảo bọc những cầu thủ trẻ như Công Phượng, Tuấn Anh, đem họ bọc trong những cái lồng bảo vệ, thì họ sẽ thi đấu như thế nào ở trên đấu trường quốc tế, khi mà tính tranh chấp sẽ cao hơn rất nhiều? Khi mà họ hoàn toàn không biết được cách tự bảo vệ mình?

 

Điểm cuối cùng, đó là sự thiên vị mang tính tập thể đối với các cầu thủ HAGL. Đến ngay cả khán giả đối phương, thậm chí có ý kiến cho rằng đến bình luận viên bóng đá, trọng tài đều có vẻ ưu ái cho họ. Tuy những ý kiến này còn chưa được xác thực, nhưng nếu là sự thật, thì đó cũng không phải là điều gì tốt. Nó chỉ dẫn đến một điều, những cầu thủ đối thủ của HAGL sẽ lấy việc hạ HAGL làm mục tiêu, thậm chí là bất chấp thủ đoạn, đơn giản là vì ghen ghét là bản tính của con người, không ai cấm việc yêu thích cầu thủ, thì cũng không ai có thể cấm được việc có người sẽ ghen ghét đối với họ. Mà để đến mức như vậy, điều gì cũng có thể xảy ra ở trên sân cỏ.

 

Như mọi người thường hay nói, khi yêu, người ta thường mù quáng, mà sự mù quáng vốn thường không mang lại điều tốt. Rất mong người hâm mộ có thể đem tình yêu của mình điều chỉnh một cách cân bằng, vì như vậy mới là điều tốt nhất cho những cầu thủ mà mình yêu mến. Hãy để cho họ trưởng thành từ những thất bại, còn hơn là đi xuống ở trong nhung lụa.

 

Duy Duy