07:01, 24/01/2015

Trưởng thành

Trưởng thành là một sự công nhận đối với một con người, khi ta công nhận một người đã trưởng thành thì có nghĩa là người đó đã có thể tự chịu trách nhiệm tất cả về bản thân, tối thiểu có thể xem như trưởng thành đó là đủ 18 tuổi và có khả năng tự nuôi sống bản thân.

Trưởng thành là một sự công nhận đối với một con người, khi ta công nhận một người đã trưởng thành thì có nghĩa là người đó đã có thể tự chịu trách nhiệm tất cả về bản thân, tối thiểu có thể xem như trưởng thành đó là đủ 18 tuổi và có khả năng tự nuôi sống bản thân.

 

Công Phượng – một trong “những đứa trẻ” của bầu Đức.
Công Phượng – một trong “những đứa trẻ” của bầu Đức.


Nếu xét về tiêu chí trưởng thành ở trên, các cầu thủ mới chuyển từ Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG lên đội 1 Hoàng Anh Gia Lai đá V-League như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… đều đã thừa điều kiện trưởng thành. Họ đã vượt quá 18 tuổi và đang đá bóng chuyên nghiệp, tức là đã xem đá bóng là một cái nghề kiếm cơm, và đã nuôi sống được bản thân và gia đình từ đó. Như vậy, họ chắc chắn đã là những người trưởng thành tiêu chuẩn nhất.


Nhưng nếu xem họ thi đấu, nghe những thông tin về họ, ta sẽ dễ dàng lầm tưởng, họ mới chỉ là những đứa trẻ mới chập chững bước vào đời, cần những bàn tay người lớn nâng đỡ, nuôi nấng. Từ bình luận viên cho tới người hâm mộ, vẫn gọi họ là “các em”, vẫn dùng những lý do muôn thuở như: các em nó còn nhỏ, đá sao lại các đàn anh; hoặc các em nó còn nhỏ, sao lại đá rắn với các em nó như vậy… Không nói tới chuyện nhỏ hay là không nhỏ, thì đã ra đá chuyên nghiệp, thì đó là đá vì miếng cơm manh áo, thắng thua liên quan trực tiếp tới chén cơm của bản thân và gia đình; ra sân, bên kia sân chính là đối thủ, đã không còn là chuyện lớn nhỏ, chuyện đàn anh hay đàn em.


Nếu nói còn non kinh nghiệm ở đấu trường chuyên nghiệp, thì ít nhất còn có thể nói qua được. Nhưng đây vốn không phải là vấn đề của họ, mà là vấn đề của huấn luyện viên, vấn đề của ông bầu. Đã là huấn luyện viên, đã dám đưa cầu thủ ra sân, tức phải đảm bảo được họ có khả năng ra sân, không thể viện cớ về tuổi tác, về kinh nghiệm. Thử hỏi, những ngôi sao bóng đá trước đây và hiện nay, ví dụ như Maradona, Pele, hoặc Messi, Ronaldo… họ ra sân đá chuyên nghiệp từ năm bao nhiêu tuổi? Và đã có huấn luyện viên hay ông bầu nào “dám” tuyên bố đưa họ vào sân để lấy kinh nghiệm, thắng thua không thành vấn đề?


Lại nói tới bầu Đức, việc xem lớp cầu thủ này vẫn là những đứa trẻ càng thể hiện rõ qua việc ông “bảo bọc” họ. Chính ông là người thanh lý hầu hết những người cũ của Hoàng Anh Gia Lai, chỉ giữ lại một vài người để dành chỗ cho lứa cầu thủ này thi đấu tại V-League, có nghĩa là ông phải xem họ “bằng vai phải lứa” với những cầu thủ dày dạn kinh nghiệm mà ông đã sa thải kia. Nhưng không, thay vì để lại những người cũ này thi đấu chung nhằm giúp đỡ về mặt kinh nghiệm cho lớp cầu thủ mới, hay có những ngoại binh có thể dựa vào ở hàng công hoặc thủ thì ông lại sợ “tiêm nhiễm thói xấu” cho lớp cầu thủ con cưng của ông, thậm chí là sẵn sàng xuống hạng vì họ. Tạo điều kiện hết mức có thể, nhưng buồn thay, đó không phải là phương pháp tốt để thúc đẩy một đội bóng, mà đó chỉ là sự bảo bọc của người lớn đối với những đứa trẻ của mình. Các gọi “những đứa trẻ của bầu Đức” dành cho lớp cầu thủ này, quả nhiên không sai.


Không có một huấn luyện viên thực sự dày dạn trận mạc dẫn lối, không có được những cầu thủ đàn anh hướng dẫn những kinh nghiệm cần thiết trong nghề, thậm chí là không có được sự coi trọng đúng mức từ những người ở trên, bởi ai có thể coi trọng những đứa trẻ? Người ta chỉ dám trao trọng trách, nhiệm vụ cho những người trưởng thành, còn những đứa trẻ thì tuyệt đối là không. Vậy chúng ta, những người hâm mộ có thể hy vọng gì về “những đứa trẻ” đã bước qua tuổi 20, những người có điều kiện sống và thu nhập vượt xa rất nhiều người trưởng thành nhưng vẫn được xem là “những đứa trẻ”? Sao có thể xem họ là tương lai của bóng đá Việt Nam khi mà chúng ta vẫn cứ tiếp tục xem họ như những đứa trẻ mới chập chững bước vào đời. Muốn trưởng thành, phải đối mặt với cuộc sống thực tế, đó là quy luật tất yếu của cuộc sống, còn không có lẽ chúng ta lại vẫn cứ tiếp tục câu nói, phải hy vọng ở lứa kế tiếp…


Duy Duy