Có thể dễ dàng nhận thấy sự thay đổi của thể thao Khánh Hòa khoảng 10 năm trở lại đây. Trong lúc các môn thể thao tập thể đã chiếm ưu thế về quy mô, chất lượng đào tạo cũng như thành tích thì những bộ môn chỉ trông chờ vào một vài cá nhân đã không để lại dấu ấn đáng kể nào trong năm qua.
Có thể dễ dàng nhận thấy sự thay đổi của thể thao Khánh Hòa khoảng 10 năm trở lại đây. Trong lúc các môn thể thao tập thể đã chiếm ưu thế về quy mô, chất lượng đào tạo cũng như thành tích thì những bộ môn chỉ trông chờ vào một vài cá nhân đã không để lại dấu ấn đáng kể nào trong năm qua.
Những môn thể thao “một người” đang nhường chỗ cho các tập thể. |
Thời vàng son của những cá nhân
Ngày trước, thể thao Khánh Hòa luôn là một trong những điển hình về nguồn cung cấp vận động viên (VĐV) cho các đội tuyển quốc gia, tham gia tập luyện và thi đấu quốc tế. Có thể dễ dàng kể ra những cái tên nổi bật như: Phạm Đình Khánh Đoan, Đoàn Nữ Trúc Vân, Phạm Thu Lan (điền kinh), Đoàn Kiến Quốc (bóng bàn), Diệp Bảo Minh (wushu), Ngô Văn Kiều (bóng chuyền), Nguyễn Hữu Đang (bóng đá)... Tuy nhiên, qua thời gian, trung tâm đào tạo, huấn luyện VĐV hàng đầu của khu vực miền Trung - Tây Nguyên đang có dấu hiệu đuối hơi, cụ thể là đã quá lâu rồi, không có cái tên nào được các phương tiện thông tin đại chúng nhắc đến như một sự tôn vinh, một nhân tố nổi bật của thể thao quốc gia.
Điểm sáng nhất của thể thao Khánh Hòa nằm trọn vẹn trong 2 kỳ Sea Games liên tiếp 21 và 22 khi các VĐV xứ Trầm Hương góp phần không nhỏ mang về thành tích chung cho đoàn Việt Nam tại đấu trường khu vực. Người ta gọi Khánh Đoan là “nữ hoàng” vì thành tích đáng kinh ngạc của cô ở SEA Games 21, khi lần đầu tiên giành trọn 2 Huy chương Vàng tại 2 nội dung 1.500m và 800m, qua đó phế truất sự thống trị của VĐV người Indonesia Suprianti Sutono. Tương tự, tính đến trước khi SEA Games 21 năm 2001 diễn ra, cái tên Thu Lan gần như không ai biết đến. Nhưng cú nhảy khó tin 6m46 đã đưa cô lên đỉnh cao về nhảy xa không chỉ ở Việt Nam mà cả khu vực Đông Nam Á.
Bảng vàng thành tích tiếp tục gọi tên các gương mặt VĐV Khánh Hòa ở SEA Games 22. Khi Khánh Đoan không có được tình trạng thể lực tốt nhất, Đoàn Nữ Trúc Vân vẫn ổn định trong từng bước chạy ở nội dung 10.000m. Cô gái nhỏ nhắn này đã không làm người hâm mộ Việt Nam nói chung, người dân Khánh Hòa nói riêng thất vọng khi về đích tại đường chạy Mỹ Đình những ngày cuối tháng 12-2003. Hay cái tên Diệp Bảo Minh, thành công tại 2 kỳ SEA Games là điều được dự đoán trước nhưng cũng không khỏi làm người ta tự hào. Tay vợt bóng bàn Đoàn Kiến Quốc cũng thế, đã qua hơn 10 năm nhưng anh vẫn là chủ lực của Khánh Hòa tại các kỳ đại hội thể thao...
Thời của thể thao đồng đội
Trường hợp của Kiến Quốc là 1 trong số ít niềm hy vọng của thể thao Khánh Hòa cho đến ngày nay. Điều đó cho thấy sự xuống dốc ở các nội dung thi đấu cá nhân của địa phương vốn có thế mạnh ở điểm này. Hơn 1 thập kỷ, bóng bàn vẫn mãi kỳ vọng vào Đoàn Kiến Quốc, điền kinh đã lùi về làm cái bóng cho Khánh Đoan, Thu Vân hay sự mất hút của wushu khi không có người kế thừa Diệp Bảo Minh. Thời vàng son của thể thao thành tích cao của Khánh Hòa cũng đã nhạt nhòa đi ít nhiều.
Và rồi, khi đội bóng Khatoco Khánh Hòa chuyển giao cho Hải Phòng, những người yêu quý, tâm huyết với thể thao tỉnh nhà như chạm vào một nỗi niềm khó tả. Nhưng vẫn còn đó niềm tin, niềm hy vọng khi Công ty Yến sào Khánh Hòa đã đem tới những cái mới trong thể thao ở những môn đồng đội như bóng chuyền trong nhà, bóng chuyền bãi biển, bóng đá trẻ và bóng đá futsal. Chắc hẳn chẳng ai quên được Nhà thi đấu tỉnh ngập tràn khán giả tại lượt về Giải bóng chuyền Vô địch quốc gia 2008, năm Sanest Khánh Hòa lên ngôi vô địch thuyết phục với tài năng cũng như phong độ xuất sắc của chủ công Ngô Văn Kiều. Cho đến lúc này, sau nhiều thăng trầm, bóng chuyền nam Khánh Hòa vẫn nằm trong top 3 đội mạnh nhất quốc gia. Chưa dừng lại ở đó, bóng chuyền bãi biển gần như không có đối thủ ở các giải đấu lớn nhỏ.
Mùa giải 2014 - 2015, bỏ lại sau lưng thời kỳ lận đận, bóng đá Khánh Hòa ghi nhận sự tiến bộ của Câu lạc bộ Sanna Khánh Hòa khi giành quyền thăng hạng V-League 2015, qua đó giúp bóng đá tỉnh nhà có đại diện tại sân chơi chuyên nghiệp này. Bên cạnh đó, bóng đá futsal cũng chứng kiến sự tiến bộ của Sanatech Khánh Hòa khi liên tục gặt hái những thành tích đáng tự hào trong thời gian qua.
Có thể nói, thể thao Khánh Hòa đã qua rồi thời kỳ làm mưa làm gió tại các đấu trường nhờ vào các môn cá nhân. Ở thời điểm hiện tại, sự chiếm ưu thế thuộc về những môn có tính chất đồng đội, tập thể. Qua đó cho thấy, sự quan tâm, đầu tư của lãnh đạo ban ngành, địa phương, các tổ chức doanh nghiệp dành cho thể thao vô cùng quan trọng. Nếu được quan tâm đầu tư đúng mức sẽ vực dậy nền thể thao được đánh giá đầy tiềm năng của khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Trân Trần