07:10, 11/10/2014

Việc thành lập Trung tâm bóng đá Khánh Hòa: Chưa mang tính khả thi

Tại cuộc họp mới đây giữa UBND tỉnh Khánh Hòa và ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch, nhiều vấn đề quan trọng được đưa ra bàn thảo, trong đó có việc thành lập Trung tâm bóng đá Khánh Hòa (KH). Tuy nhiên, với nhiều lý do, việc thành lập trung tâm trong thời điểm này là chưa khả thi.

Tại cuộc họp mới đây giữa UBND tỉnh Khánh Hòa và ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch, nhiều vấn đề quan trọng được đưa ra bàn thảo, trong đó có việc thành lập Trung tâm bóng đá Khánh Hòa (KH). Tuy nhiên, với nhiều lý do, việc thành lập trung tâm trong thời điểm này là chưa khả thi.


Tại nhiều địa phương, bóng đá được tách khỏi các môn thể thao khác. Tuy nhiên, ở KH, việc hình thành nên trung tâm đào tạo bóng đá sau một thời gian dài vẫn chưa thực hiện được.


Còn nhớ trước đây, khi Khatoco KH còn chung tay với bóng đá tỉnh nhà, các tuyến trẻ được phân chia theo cách: Khatoco chịu trách nhiệm quản lý, đào tạo và sử dụng các tuyến U.19, U.21 và đội tuyển. Phía Trung tâm Huấn luyện (TTHL) thể thao chịu trách nhiệm với các tuyến U.11, U.13, U.15 và U.17. Tuy nhiên, cách chia như vậy đã tồn tại không ít bất cập. Trước hết, việc phân định rạch ròi giữa đội ngũ huấn luyện viên và cầu thủ trong cùng một tỉnh, thành vô hình trung đã tác động không nhỏ đến tính kế thừa của các thế hệ cầu thủ. Việc tuyển lựa vận động viên (VĐV) sau khi kết thúc độ tuổi U.17 từ TTHL chuyển sang lứa U.19 do Khatoco quản lý cũng nảy sinh không ít vấn đề.

 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.


Ở KH cũng từng xảy ra cảnh khi các em hết tuổi U.17, các tuyển trạch viên của Khatoco sát hạch và tuyển lựa những VĐV đạt yêu cầu. Để rồi sau một thời gian, khi nguồn VĐV đạt yêu cầu ngày càng ít đi, phía doanh nghiệp cho rằng các huấn luyện viên TTHL đã giấu bớt một số cầu thủ tốt nhất của mình để chuyển nhượng cho các trung tâm đào tạo khác. TTHL lại cho rằng sau khi doanh nghiệp tuyển lựa, những em không đạt yêu cầu, các huấn luyện viên TTHL mới tạo điều kiện cho các em được tiếp tục nghiệp quần đùi áo số ở trung tâm khác, địa phương khác. Thậm chí, có thời gian, Khatoco còn tự tuyển lựa các tuyến từ U.15 trở lên để đào tạo song hành với quá trình đào tạo của TTHL. Thế nên, đã có giai đoạn tồn tại 2 lớp cầu thủ U.15 và U.17 trong cùng một tỉnh.


Việc quy tất cả các tuyến cầu thủ bóng đá về một mối là điều cần thiết và phù hợp với đặc trưng của môn thể thao này. Tuy nhiên, khi Khatoco rút lui, tất cả các tuyến cầu thủ khi về dưới mái nhà chung mang tên TTHL lại phát sinh những vấn đề cấp thiết khác. Trước hết, các chế độ lương thưởng cho VĐV bóng đá sẽ khác so với các VĐV môn thể thao khác (nhờ bóng đá có sự chung tay của doanh nghiệp). Ngay cả chế độ ăn uống, quá trình tập luyện, thi đấu khác nhau cũng sẽ nảy sinh nhiều vấn đề tế nhị giữa các VĐV. Đó là chưa kể với ngót nghét 200 cầu thủ ở 7 tuyến, gần 20 huấn luyện viên và đội ngũ phục vụ hoạt động gần như quanh năm, yêu cầu về một bộ máy chuyên trách mảng bóng đá là điều cần thiết.


Trong cuộc họp mới đây, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đề nghị UBND tỉnh cho phép thành lập Trung tâm bóng đá KH. Nói là thành lập nhưng hiện tại KH cũng đã hoạt động dưới hình thức của một trung tâm đào tạo bóng đá: có VĐV, huấn luyện viên ở tất cả các tuyến trẻ, có cơ sở hạ tầng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cần thiết, có đội ngũ tuyển trạch viên, người phát hiện ra các nhân tố có tiềm năng phủ khắp trong toàn tỉnh và một số tỉnh lân cận. Điều còn thiếu để trở thành một Trung tâm đào tạo bóng đá đúng nghĩa đó là cần thêm cơ sở pháp lý, con dấu và chức danh giám đốc trung tâm, cùng với 1 phó giám đốc và 1 kế toán.


Tiếp nhận ý kiến này, UBND tỉnh đồng ý cho phép thành lập Trung tâm đào tạo bóng đá KH nhưng sẽ không tăng kinh phí và biên chế cho hoạt động bóng đá nói chung. Nói cách khác là trong điều kiện hiện tại, phía TTHL có thể sắp xếp lại bộ máy hoạt động của môn bóng đá sao cho phù hợp và gọi đó là Trung tâm đào tạo bóng đá KH. Việc phát sinh thêm biên chế hay kinh phí sau khi sắp xếp (nếu có), TTHL phải tự cân đối.


Điều này đặt ra một bài toán khó cho bóng đá KH nói chung bởi không biết kiếm đâu ra thêm kinh phí cho các chức danh kể trên; chưa kể các chức danh đó do ai bổ nhiệm cũng là việc không hề dễ dàng. Bởi thế, việc UBND tỉnh cho phép thành lập Trung tâm đào tạo bóng đá KH được xem như là một nút thắt đã được cởi bỏ, nhưng quá trình thực hiện trong thời điểm này là chưa khả thi.


H.Đ