Chiều 10-10, giải bóng đá cựu tuyển thủ Khánh Hòa lần đầu tiên được tổ chức đã khai mạc tại Sân vận động 19-8 Nha Trang. Khi không còn đủ đầy sức mạnh thể chất, tinh thần thi đấu máu lửa và cái hồn của những tài năng một thời của bóng đá Khánh Hòa vẫn phảng phất trong từng bước chạy của các cựu tuyển thủ.
Chiều 10-10, giải bóng đá cựu tuyển thủ Khánh Hòa lần đầu tiên được tổ chức đã khai mạc tại Sân vận động 19-8 Nha Trang. Khi không còn đủ đầy sức mạnh thể chất, tinh thần thi đấu máu lửa và cái hồn của những tài năng một thời của bóng đá Khánh Hòa vẫn phảng phất trong từng bước chạy của các cựu tuyển thủ.
Tiếng còi khai cuộc cất lên, từng miếng đánh nhanh chóng được 2 bên thi triển với một quyết tâm cao độ và tinh thần thi đấu máu lửa. Nhưng rồi chỉ sau độ 20 phút bóng lăn, khá nhiều cầu thủ đã tỏ ra… đuối sức. Bằng chứng là nhiều đường chuyền không còn độ chuẩn xác, nhiều cú bứt tốc đã hụt hơi, kỹ chiến thuật cũng bằng thừa khi thể lực đã không còn cho phép.
Đó cũng là lúc không chỉ trên khán đài mà ngay cả với các cầu thủ trên sân đều… bật cười với những tình huống hài hước theo kiểu đá hụt bóng, 2 cầu thủ sau khi lao vào nhau lồm cồm bò dậy và dường như mất phương hướng, không biết trái bóng đang ở đâu. Rồi kiểu như một hậu vệ trong nỗ lực phá bóng lại đưa ra cú dứt điểm khiến ai cũng phải giật mình. Khán đài lại rộn rã tiếng cười với những lời hô to: “bán độ, bán độ”. Hoặc như: “già rồi lẩm cẩm, khung thành nhà mà ngỡ là của đối phương”… Tất nhiên đó đều là những lời đùa vui của những khán giả theo dõi các trận đấu này. Họ cũng chủ yếu là các cầu thủ chờ đến lượt mình thi đấu và đều là bạn bè hoặc người thân của các cầu thủ trên sân nên không khí cả trong và ngoài sân cỏ hết sức thoải mái, cởi mở.
6 đội bóng sẽ thi đấu từng vòng theo thể thức dạng V-League. |
Có 6 đội bóng, thi đấu vòng tròn một lượt theo dạng thể thức vòng đấu như kiểu V-League, buổi chiều đầu tiên là 3 cặp đấu, mỗi đội một vẻ, mỗi miếng đánh riêng, nhưng dù thể lực có nhanh chóng bị bào mòn, mặc cho không ít cái tên nằm vật xuống sân vì… chuột rút, căng cơ, tinh thần thi đấu là thứ mà thế hệ cầu thủ sau này phải học hỏi. Ngoài sân cỏ họ là bạn, có khi là chí cốt, nhưng trong màu áo khác nhau trên sân, họ cũng lao vào nhau chan chát, thi đấu với một tình yêu còn vẹn nguyên với trái bóng tròn, người ta dễ dàng nhận ra mức độ nhiệt tâm trong từng động tác, từng pha vào bóng hoặc từng lời hô hào động đội tiến lên.
Trước hết phải nói ngay rằng, giải đấu mang tên là giải bóng đá cựu tuyển thủ Khánh Hòa e chừng còn có gì đó gượng ép. Bởi trong số 6 đội bóng tham gia giải đấu cấp tỉnh lần đầu tiên được tổ chức này, có không nhiều gương mặt cựu tuyển thủ. Cũng chính vì vậy, nhiều người đến sân coi đây là giải bóng đá lão tướng và dành cho tất cả những ai yêu mến môn bóng đá, bất kể đó là bóng đá phong trào hay đã từng tham gia bóng đá đỉnh cao, miễn sao họ trên 38 tuổi.
Các cầu thủ thi đấu nhiệt thành với quyết tâm cao nhất |
Tuy nhiên, nơi ấy người ta vẫn tìm thấy một Đào Nguyên Bảo dẻo dai trong vai trò hậu vệ biên kiêm trung vệ ngày nào. Không có chiều cao tốt, nhưng cựu tuyển thủ của bóng đá Phú Khánh năm xưa lại sở hữu lối đá thông minh, từng pha ngoặt bóng vặn sườn hoàn hảo đã gắn liền với biệt danh “Bảo lòi” của một thời vang bóng. Giờ đây, dù đã bước sang tuổi 60, “cụ ông” Nguyên Bảo vẫn xỏ giày ra sân chơi tay đôi với các cầu thủ thường ngày vẫn xưng hô là chú cháu. Rỉ tai với chúng tôi, cựu tuyển thủ Đào Nguyên Bảo cho biết: “Mình ra sân chủ yếu là cổ súy tinh thần, chứ với độ tuổi bóng đá sân lớn, 38-40 là đã quá sức rồi huống hồ gì 60. Chỉ đủ “pin” chạy trong vòng mươi phút là nhất quyết… xin ra”.
Cũng là một trong những người được xếp vào tuổi cao, nhưng Nguyễn Tý lại không hề kém cạnh so với các cầu thủ trẻ hơn mình. Có lẽ vì cựu cầu thủ người Ninh Hòa này đang gắn bó mật thiết với bóng đá trong vai trò huấn luyện viên, vẫn ngày ngày lăn lộn với trái bóng. Và rồi cái tên Nguyễn Tý xuất hiện trên sân gợi nhớ lại bóng đá Khánh Hòa của gần 20 năm về trước. Là một hậu vệ, nhưng Nguyễn Tý - vốn xuất thân từ điền kinh – không chỉ sở hữu khả năng đeo bám “dai như đỉa” đối với các cầu thủ tấn công của đối phương mà mỗi lúc có cơ hội, đương kim huấn luyện viên U.15 Khánh Hòa này còn có những pha bứt tốc nhanh như chớp, xuyên qua tiền vệ, hậu vệ đội bạn để tạo nên khác biệt cho trận đấu. Cùng thời với Nguyễn Tý, người hâm mộ còn có dịp nhìn lại những bước chạy thanh thoát của Mộng Huỳnh, cũng là một tài năng của bóng đá Khánh Hòa.
Còn cặp đôi tiền vệ Thiện Hảo và phía trên là Đặng Đạo hẳn sẽ giúp người xem nhớ về cái thời của một thế hệ vàng mà bóng đá Khánh Hòa có được. Thiện Hảo trong vai trò tiền vệ trung tâm chuyên phân phối bóng cho Đặng đạo tuyến trên dứt điểm đã là một thứ đặc sản của bóng đá Khánh Hòa. Cùng thời với Thiện Hảo còn có Hữu Tùng, Bá Thành… dù đã “tuổi cao sức yếu” vẫn kham nổi 40 phút mỗi hiệp đấu trên sân.
Hẳn nhiên, mọi người sẽ không đến sân để theo dõi những pha bóng đỉnh cao, những trận tranh tài chất lượng chuyên môn tốt. Có lẽ đa số đều háo hức đến xem giải đấu này với mong muốn được tìm lại hiện thân của quá khứ bóng đá tỉnh nhà. Mỗi cầu thủ giờ đây có người đã quá độ tuổi lao động, những ai đang làm việc cũng mỗi người một nghề, một hoàn cảnh, tính cách khác nhau, nhưng ở họ đều có một điểm chung, đó là cùng một tình yêu với trái bóng và là đại diện cho một thời đã qua của bóng đá Khánh Hòa.
Đó cũng chính là một trong những ý nghĩa của giải đấu lần đầu tiên diễn ra và nếu thành công sẽ được đưa được tổ chức hàng năm như một dịp hạnh ngộ của các cựu tuyển thủ cũng như tất cả những ai yêu mến trái bóng tròn ở Khánh Hòa.
H.Đ