Việc U19 Việt Nam thảm bại trước U19 Hàn Quốc và U19 Nhật Bản, hòa U19 Trung Quốc, có chăng chỉ là bất ngờ đối với cổ động viên, những người yêu U19 Việt Nam đến mức "phát cuồng", chứ đối với đại đa số các chuyên gia, đó cũng không phải là điều gì quá lạ.
Việc U19 Việt Nam thảm bại trước U19 Hàn Quốc và U19 Nhật Bản, hòa U19 Trung Quốc, có chăng chỉ là bất ngờ đối với cổ động viên, những người yêu U19 Việt Nam đến mức “phát cuồng”, chứ đối với đại đa số các chuyên gia, đó cũng không phải là điều gì quá lạ. Bởi vì, U19 Việt Nam so với đội bạn, vẫn thiếu một điểm tiên quyết để làm nên chiến thắng, đó là thiếu bản lĩnh.
Thiếu một huấn luyện viên đủ tầm
Không thể chối bỏ những thành công của huấn luyện viên Guillaume Graechen, nhưng đúng như huấn luyện viên Lê Thụy Hải nói, khi đã đổi cấp độ, cần phải có thầy giáo tương ứng với cấp độ đó, nếu không thì trên thế giới cần gì phải phân ra nhiều loại huấn luyện viên như vậy. Guillaume Graechen có công đào tạo nên một thế hệ U19 của học viên Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG vượt trội so với mặt bằng chung như hiện tại, nhưng mà một huấn luyện viên bồi dưỡng, đào tạo cầu thủ trẻ tốt, không có nghĩa là huấn luyện viên đó sẽ giỏi trong việc dẫn đội bóng đi “chinh chiến” ở các đấu trường, đi đấu cúp, đi đấu giải.
Thông qua những trận mà U19 Việt Nam đã đá, khuyết điểm của huấn luyện viên Guillaume Graechen có thể hiện lên khá rõ ràng, đó là thiếu sự nhạy bén trong việc thay đổi chiến thuật, thay đổi nhân sự, chỉ đạo cầu thủ trong khi trận đấu diễn ra. Trong trận U19 Việt Nam khi đối đầu với U19 Hàn Quốc, hai đội đá cùng một lối đá, đội nào vượt trội hơn thì đội còn lại sẽ vỡ trận, nhưng huấn luyện viên Guillaume Graechen lại không kịp thời thay đổi chiến thuật, hậu quả là đội bạn sau khi dò xét đủ đã tăng tốc xé nát đội hình U19 Việt Nam, dẫn tới một trận thảm bại. Hoặc khi U19 Việt Nam ghi bàn gỡ hòa ở cuối trận với U19 Nhật Bản, nếu là một huấn luyện viên đủ bản lĩnh, việc đầu tiên cần làm chính là phải ổn định lại đội hình kềm chế hưng phấn để tránh đội bạn phản công, chứ không phải để mặc cho các cầu thủ U19 “say máu” dồn lên tấn công để rồi nhận “hồi mã thương” gục ngã. Hoặc để U19 đá không chắc chắn để nhận bàn gỡ hòa vào phút cuối của trận đấu trước U19 Trung Quốc.
Cầu thủ chưa đủ bản lĩnh
Có thể nói, các cầu thủ U19 Việt Nam nói chung và các cầu thủ U19 học viên Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG nói riêng hiện nay, gây cho người ta một cảm tưởng giống như là một đứa trẻ vẫn còn nằm trong vòng tay bảo bọc của cha mẹ, hạn chế tiếp xúc với tiền bạc, giao tiếp và môi trường bóng đá chuyên nghiệp, như là đang nằm trong một cái lồng kính vô trùng.
Những “đứa trẻ” như vậy, đi so đấu với những “đấu thủ” thực thụ, với những cầu thủ tuy cùng lứa tuổi, những mà đã sống trong môi trường chuyên nghiệp, được tôi tuyện có bản lĩnh hơn rất nhiều, việc thảm bại là điều có thể dự đoán trước. Muốn chiến thắng, cần phải dựa vào thực lực, bản lĩnh chứ không phải dựa vào sự hy vọng, kỳ vọng, sự ca ngợi của người hâm mộ. Nhìn sang đội bạn mà xem, hầu hết các cầu thủ U19 đều đang chơi cho đội trẻ của một câu lạc bộ chuyên nghiệp, họ phải cạnh tranh hết sức để có thể khẳng định tên tuổi trong môi trường chuyên nghiệp được đặt ra ngay ở trước mắt họ tối đa chỉ là 1, 2 năm nữa. Vì sinh tồn, vì cuộc sống, họ phải phấn đấu, phải nỗ lực, chính điều đó đã mang lại cho họ bản lĩnh. Còn nếu chỉ sống trong lồng kính vô trùng như các cầu thủ U19 Việt Nam, chưa một cầu thủ nào được chơi ở môi trường chuyên nghiệp, ở những giờ phút quyết định thắng bại, phải chịu sức ép của thắng và bại, phải thật sự cạnh tranh, sự suy sụp vì thiếu chuẩn bị, thiếu bản lĩnh là điều chắc chắn xảy ra.
Hầu hết các cầu thủ U19 Việt Nam hiện nay, chỉ biết một điều, đó là đá đẹp, tất cả vì đá đẹp, vào trận chỉ biết xông lên tấn công, ngoài ra không hề biết điều gì khác. Không biết lúc nào nên đá chậm, không biết lúc nào nên đá nhanh, lúc nào nên đá chặt chẽ hãm trận đấu lại, lúc nào nên đá tổng lực dồn ép đối thủ, toàn bộ đều chỉ dựa vào bản năng mà chiến đấu. Một câu hỏi được đặt ra, một đội bóng như vậy sẽ làm thế nào khi đã bị đối thủ bắt bài, một cầu thủ như vậy sẽ sinh tồn như thế nào khi được thả vào một trường chuyên nghiệp, khi nào họ phải tự đối mặt với vô số sự chèn ép, cạnh tranh. Không lẽ người hâm mộ chỉ suy nghĩ một cách ngây thơ là, họ sẽ được nuôi sống như vậy mãi mãi, sẽ chỉ đá cho đội tuyển mà không phải lo lắng cho chén cơm manh áo mai sau.
Muốn cho một đứa trẻ trưởng thành, phải thả nó vào với thực tế, cuộc đời sẽ dạy cho nó cách bước đi, muốn cho U19 Việt Nam trưởng thành, phải thả các em vào với sự khắc nghiệt của bóng đá chuyên nghiệp, thay vì chỉ sống trong môi trường vô trùng, chỉ có ăn, tập luyện và đá bóng. Vì một tương lai bóng đá Việt Nam tươi sáng hơn, người hâm mộ đừng làm thay công việc của một người mẹ nữa, chỉ biết bo bo ôm ấp, xù lông đáp trả bất cứ sự góp ý phê bình nào mang tính xây dựng. Đừng mơ những giấc mơ viễn vông về những Messi, Ronaldo nữa, mà hãy sống với những thực tế…
Duy Duy