Trong năm 2014, cử tạ Việt Nam có 2 sân chơi quốc tế quan trọng cần chinh phục là ASIAD 2014 và Giải vô địch cử tạ thế giới. ASIAD 2014 đã kết thúc và giờ là lúc các đô cử Việt Nam tập trung cho Giải vô địch cử tạ thế giới 2014, nơi mà thành tích của họ sẽ quyết định tấm vé tham dự Olympic 2016.
Trong năm 2014, cử tạ Việt Nam có 2 sân chơi quốc tế quan trọng cần chinh phục là ASIAD 2014 và Giải vô địch cử tạ thế giới. ASIAD 2014 đã kết thúc và giờ là lúc các đô cử Việt Nam tập trung cho Giải vô địch cử tạ thế giới 2014, nơi mà thành tích của họ sẽ quyết định tấm vé tham dự Olympic 2016.
Đáng chú ý, danh sách đội tuyển tham dự Giải vô địch cử tạ thế giới 2014 diễn ra vào đầu tháng 11 tại Kazakhstan gồm toàn đô cử nam thay vì có cả nữ như ở một số kỳ giải trước. Dù vậy, chuyện các đô cử nữ không xuất hiện tại giải thế giới không làm nhiều người ngạc nhiên. Tại ASIAD 2014 vừa qua, thành tích của cả hai đô cử nữ Việt Nam là Đỗ Thị Thu Hoài (hạng 48kg) và Nguyễn Thị Tuyết Vân (hạng trên 75kg) - những người được đánh giá là tốt nhất của cử tạ nữ Việt Nam hiện tại - đều cách quá xa so với nhóm đoạt huy chương. Bởi vậy, khi ra sân chơi thế giới, hy vọng đạt thành tích cao của họ còn thấp hơn nhiều. Hơn nữa, kể cả khi định cử nhiều vận động viên (VĐV) nữ tham dự nhằm giành thành tích đồng đội thì cũng khó đạt mục tiêu bởi thành tích của cả đội khó đạt được thứ hạng đủ để giành được ít nhất một vé cá nhân dự Olympic 2016. Không kể, kinh phí tham dự các giải đấu quốc tế của thể thao Việt Nam có những khó khăn nhất định, cử ai tham dự là việc cần tính toán kỹ lưỡng.
Đó là điều khác so với nhiều đội tuyển thể thao hiện nay, khi mà các VĐV nam hoàn toàn lép vế về thành tích quốc tế so với các VĐV nữ. Cử tạ nam Việt Nam đang sở hữu Thạch Kim Tuấn, người được đánh giá là VĐV Việt Nam duy nhất có khả năng tranh chấp huy chương tại Olympic. Tại ASIAD 2014 vừa qua, Thạch Kim Tuấn đã không phụ sự kỳ vọng khi đạt mức tổng cử 294kg ở hạng cân 56kg nam - mức tạ cao nhất mà một VĐV Việt Nam từng đạt được. Trong đó, thành tích 134kg cử giật của Thạch Kim Tuấn đã phá kỷ lục châu Á. Tại ASIAD 2014, Thạch Kim Tuấn chỉ thua Om Yun Chol (CHDCND Triều Tiên) - đủ để ngành Thể thao Việt Nam tập trung đầu tư cho đô cử này.
Ngoài Thạch Kim Tuấn, cử tạ Việt Nam còn có Trần Lê Quốc Toàn tham dự hạng 56kg nam. Bên cạnh đó, có 3 lực sĩ khác là Trần Văn Hóa, Hoàng Tấn Tài, Nguyễn Hồng Ngọc, những người không có khả năng đoạt huy chương nhưng cũng có thể đóng góp vào thành tích chung cuộc cho đội tuyển cử tạ Việt Nam, qua đó mang lại ít nhất một tấm vé dự Olympic 2016. Tất nhiên, tấm vé dự Olympic 2016 thông qua xếp hạng đồng đội chỉ được xác định sau 2 giải vô địch thế giới 2014 và 2015, nhưng từ lúc này, cử tạ Việt Nam có thể yên tâm ưu tiên đầu tư cho các lực sĩ nam. Với các lực sĩ nữ, việc họ có được quyền dự Olympic 2016 hay không có lẽ chỉ trông chờ vào suất đặc cách hoặc thông qua các cuộc đua tranh vé cá nhân, vốn ít tốn kém hơn.
Trong các đô cử nam, đương nhiên Thạch Kim Tuấn sẽ được ưu tiên đặc biệt. Nếu việc xếp hạng đồng đội mang lại một vé dự Olympic 2016 cho cử tạ Việt Nam thì người được chọn chắc chắn là Thạch Kim Tuấn, trừ khi xảy ra bất ngờ không mong muốn. Trong lần trao đổi với báo chí gần đây, Trưởng bộ môn Cử tạ (Tổng cục Thể dục thể thao) Đỗ Đình Kháng nói rằng: “Còn quá sớm để nói tới khả năng giành huy chương Olympic 2016 của Thạch Kim Tuấn, bởi ở sân chơi này, Trung Quốc luôn mang đến những bất ngờ về nhân sự, chưa kể vẫn còn đó một Om Yun Chol đang ở thời kỳ sung sức nhất. Vấn đề trước mắt vẫn sẽ là đầu tư thật tốt để Thạch Kim Tuấn phát huy hết khả năng”.
Minh Quang (HNM)