Vừa qua, tại giải bóng bàn các đội mạnh toàn quốc diễn ra ở Nha Trang, bóng bàn Khánh Hòa không đạt được thành tích gì. Điều này cho thấy, bóng bàn Khánh Hòa còn nhiều điều phải làm trong chặng đường phát triển sắp tới.
Vừa qua, tại giải bóng bàn các đội mạnh toàn quốc diễn ra ở Nha Trang, bóng bàn Khánh Hòa (BBKH) không đạt được thành tích gì. Điều này cho thấy, BBKH còn nhiều điều phải làm trong chặng đường phát triển sắp tới.
Xác định là một trong số những môn thể thao trọng điểm của tỉnh, những năm qua, BBKH đã nhận được nhiều sự quan tâm, đầu tư của các cấp, ngành Thể thao tỉnh. Kết quả là năm 2013, sau nhiều năm vắng bóng trên đấu trường quốc gia, BBKH đã trở lại tốp các đội mạnh với thành tích đứng thứ 5 trong bảng tổng sắp tại giải vô địch quốc gia. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, sự trở lại ấy không thật sự bền vững bởi nó phụ thuộc phần lớn vào việc quay về đội tuyển của tay vợt “vang bóng một thời” Đoàn Kiến Quốc.
Vận động viên trẻ của đội tuyển bóng bàn Khánh Hòa tại giải các đội mạnh toàn quốc 2014 diễn ra tại Nha Trang. |
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Minh Đạt, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật thể thao tỉnh cho biết, Kiến Quốc trở lại đội tuyển với cả 2 vai trò, vừa là vận động viên (VĐV) vừa là huấn luyện viên phụ trách công tác đào tạo lực lượng đội tuyển tỉnh, đặc biệt là tuyến trẻ. Tuy nhiên, hiện công tác tuyển chọn lực lượng VĐV, đầu tư phát triển lứa VĐV đủ tầm cạnh tranh ở các giải trẻ, giải vô địch quốc gia của bộ môn này gặp nhiều khó khăn. Hiện BBKH đang triển khai kế hoạch xây dựng lực lượng đội tuyển trẻ, trong đó chú trọng lứa tuổi 6-15, nhưng khó khăn về nguồn nhân lực đang cản trở việc thực hiện kế hoạch. Được biết, hiện đội tuyển bóng bàn tỉnh có khoảng 15 VĐV, nhưng con số này đang có chiều hướng giảm bởi hầu hết các em đều trong lứa tuổi học văn hóa và các bậc phụ huynh không muốn con em mình theo nghiệp thể thao. Về khía cạnh chuyên môn, nguồn lực ở tuyến trẻ của BBKH hiện vẫn còn mỏng và yếu so với mặt bằng chung, trong khi trình độ giữa các tuyến VĐV lại có sự chênh lệch khá xa, việc tuyển chọn VĐV ở các tuyến vệ tinh hầu như không có... Trong khi theo các chuyên gia, để có được lứa VĐV đủ sức cạnh tranh ở các giải đấu quốc gia phải mất ít nhất 10 năm.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại giải bóng bàn các đội mạnh quốc gia vừa qua, BBKH khó đủ sức cạnh tranh với các đơn vị mạnh như: Hà Nội, Quân đội, Hải Dương... Bởi hầu hết VĐV ở các đơn vị này ngoài việc được hưởng các chế độ, chính sách của ngành, địa phương, doanh nghiệp, còn thường xuyên được đi tập huấn, thi đấu cọ xát ở nước ngoài. Trong khi đó, các VĐV đội tuyển bóng bàn tỉnh, chế độ tập huấn trong nước dường như không có do không đủ kinh phí, ngân sách. Đây được coi là thiệt thòi lớn cho các VĐV trong việc cọ xát, nâng cao trình độ chuyên môn.
Trong một cuộc tiếp xúc tại giải bóng bàn các đội mạnh toàn quốc, ông Ngô Viết Long, Trưởng bộ môn bóng bàn Tổng cục Thể dục thể thao - Huấn luyện viên đội tuyển quốc gia đánh giá, trong công tác đào tạo, huấn luyện đối với môn bóng bàn, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới, việc tạo ra lứa VĐV hoặc thay đổi một động tác kỹ thuật phải mất ít nhất từ 7 - 10 năm VĐV mới nắm bắt được. Chính vì vậy, để phát triển, BBKH cần có một lộ trình và sự đầu tư theo hướng chuyên nghiệp hóa. Cụ thể như trong công tác đào tạo, huấn luyện đội tuyển, các VĐV ngoài việc tập luyện tập trung thường xuyên ở trung tâm huấn luyện, ngành Thể thao tỉnh cần tạo điều kiện để các VĐV tập huấn trong và ngoài nước nhằm nâng cao trình độ chuyên môn. Bên cạnh đó, các chế độ chính sách đãi ngộ cho VĐV thể thao như chế độ tiền ăn, tập luyện, tiền thưởng; hỗ trợ mua nhà; chính sách đầu ra cho VĐV hết tuổi thi đấu... cần được xem xét một cách thấu đáo, phù hợp với tình hình thực tế nhằm thu hút nguồn nhân tài (ít nhất là bằng với mức quy định của Trung ương). Trong tình hình hiện nay, để gầy dựng lại lực lượng đội tuyển BBKH đủ sức tham dự các giải đấu lớn toàn quốc, ngành Thể thao tỉnh nói chung, BBKH nói riêng cần có chiến lược, lộ trình rõ ràng.
AN NHIÊN