10:05, 30/05/2013

VFF làm chiến lược

Nếu chúng tôi không nhầm, lần đầu tiên VFF dùng từ “kế hoạch chiến lược” khi nói về quá trình chuẩn bị cho đội tuyển bóng đá nữ để đạt mục tiêu lịch sử lọt vào Vòng chung kết World Cup 2015. Đấy quả là điều bất ngờ bởi từ trước đến nay,.....

Nếu chúng tôi không nhầm, lần đầu tiên VFF dùng từ “kế hoạch chiến lược” khi nói về quá trình chuẩn bị cho đội tuyển bóng đá nữ để đạt mục tiêu lịch sử lọt vào Vòng chung kết (VCK) World Cup 2015. Đấy quả là điều bất ngờ bởi từ trước đến nay, tuy là nơi thực hiện chiến lược cho bóng đá Việt Nam nhưng chưa bao giờ thấy VFF nhắc đến một “kế hoạch chiến lược” cụ thể…


Cũng trong việc thực hiện “kế hoạch chiến lược” cho bóng đá nữ ấy, lần đầu tiên thấy VFF nhắc đến chuyện sẵn sàng tính toán lại chỉ tiêu tại các giải vô địch Đông Nam Á và SEA Games 27 để tập trung vào việc tập huấn có chất lượng hơn cho đội tuyển nữ. Nói chính xác là VFF sẵn sàng “bỏ con săn sắt, bắt con cá rô”, tức là “bỏ gần, nhìn xa”…


Đấy là những chi tiết khiến những ai biết về VFF hết sức bất ngờ. Bất ngờ hơn ở chỗ, phải đến khi đội tuyển lọt vào VCK Asian Cup, tức là tiến gần sát đến giấc mơ World Cup thì VFF mới dám tính đến những kế hoạch mang tính dài hạn hơn. Trong khi, đối với trình độ cũng như những gì đạt được của các cô gái Việt Nam từ năm 2001 đến nay thì những “kế hoạch chiến lược ấy” cần thực hiện sớm hơn chứ không phải đợi đến khi có cơ hội vào World Cup thì mới xây dựng. Xin nhớ là từ năm 2001 đến nay, ít nhất đã gần hết 2 thế hệ vàng của bóng đá nữ đã qua.

 Khoảnh khắc vui sướng của các nữ tuyển thủ Việt Nam khi lọt vào Vòng chung kết Asian Cup 2014.
Khoảnh khắc vui sướng của các nữ tuyển thủ Việt Nam khi lọt vào Vòng chung kết Asian Cup 2014.


Thôi thì muộn vẫn còn hơn không nhưng cho đến bây giờ, chúng tôi chẳng hiểu vì lý do gì mà VFF cứ “tiết kiệm” việc dùng từ “chiến lược” đến thế. Một tổ chức quản lý bóng đá tầm vĩ mô như VFF không làm chiến lược thì làm gì nữa. Làm chiến lược đâu phải phục vụ cho mục tiêu nào, đó là cái nền tảng cần thiết của bất kỳ nền bóng đá có tham vọng và tiềm lực. Chúng ta cần nhiều những chiến lược, càng dài hạn càng tốt bởi chẳng phải ở đâu mà bóng đá gần như độc tôn như ở Việt Nam.


Đơn cử như bóng đá nữ của chúng ta, hơn 10 năm trước, ai cũng biết là Việt Nam xếp trong Top 10 châu lục và tiệm cận Top 5. Nếu có một chiến lược sớm thì các cô gái Việt sẽ không mãi loanh quanh ở khu vực Đông Nam Á vốn đã ở dưới tầm (ngoài Thái Lan và Myanmar). Nếu có chiến lược sớm hơn, chúng ta có thể vẫn không vào được VCK World Cup nhưng chắc chắn, chuyện tiếp cận vào vào Top 5 châu lục là có thể.


Như chúng tôi từng có lần đề cập, cái yếu nhất và thiếu nhất của VFF chính là khả năng làm chiến lược. Càng về sâu lại càng kém trong khi lẽ ra, sau khi đã có nhiều phần xã hội gánh vác cho họ (như: tổ chức các giải trẻ, giải chuyên nghiệp…) thì VFF càng phải rảnh rỗi để tập hợp nhiều bộ óc lớn mà bàn chuyện phát triển bóng đá Việt Nam. Đằng này, đợi đến khi đã vào VCK Asian Cup mới bàn chiến lược 2 năm cho đội tuyển trong khi với bóng đá nam lại chưa hề có bất kỳ chiến lược nào mà phải đợi Chính phủ phê duyệt đề án phát triển 2020 - 2030.


Nhắc như vậy để thấy rằng, VFF của khóa 7 sắp đến đã đến lúc chọn người lãnh đạo và xây dựng một bộ máy nói nhiều hơn về vấn đề chiến lược chứ không phải là kiếm tiền và duy trì các giải chuyên nghiệp…


Đ.V (Theo SGGP)