Không tổ chức tuyển sinh rộng rãi, số lượng môn sinh ít trong điều kiện nguồn lực cùng cơ sở tập luyện còn thiếu thốn; tuy nhiên, những đóng góp về thành tích mà đội tuyển Judo Khánh Hòa đạt được tại các giải đấu quốc gia, quốc tế là điều đáng khích lệ.
Không tổ chức tuyển sinh rộng rãi, số lượng môn sinh ít trong điều kiện nguồn lực cùng cơ sở tập luyện còn thiếu thốn; tuy nhiên, những đóng góp về thành tích mà đội tuyển Judo Khánh Hòa đạt được tại các giải đấu quốc gia, quốc tế là điều đáng khích lệ.
Hoạt động nghiệp dư
“Judo Khánh Hòa - môn thể thao thành tích cao nhưng vẫn đang hoạt động hoàn toàn nghiệp dư”, đó là lời mở đầu của ông Nguyễn Long Phú - Trưởng bộ môn Judo khi nói về môn thể thao này trong sự phát triển chung của võ thuật Khánh Hòa. Theo tìm hiểu, từ những năm 90 của thế kỷ trước, Khánh Hòa được coi là một trong những trung tâm của võ thuật cả nước bởi sự phát triển khá mạnh cả về phong trào lẫn thành tích cao của các môn võ như: Karatedo, Taekwondo, Wushu và Judo. Tuy nhiên, càng về sau, thành tích các môn võ này càng xuống dốc, thậm chí có một số môn bị mất hẳn do sự ra đi của những nhân tố nổi trội. Và Judo - một trong số ít môn võ thuật có nhiều sự đóng góp cho thể thao thành tích cao của tỉnh cũng đang nằm trong tình cảnh ấy.
Vận động viên Võ Minh Trí (trái) giành chiến thắng trước vận động viên người Singapore tại giải King Cup, Thái Lan năm 2012. |
Theo ông Phú, từ nhiều năm nay, bộ môn Judo Khánh Hòa vẫn duy trì hoạt động tập luyện và thi đấu như một sân chơi dành riêng cho những người đam mê. Bởi lẽ, về phương diện phát triển phong trào, cách thức hoạt động của môn võ thuật này diễn ra khá trầm lắng và rất ít người biết đến. Hiện nay, toàn tỉnh chỉ có 3 điểm duy trì hoạt động (2 điểm tại Nha Trang, 1 điểm tại Cam Lâm) với khoảng 200 môn sinh. Nếu tập trung phát triển theo hướng thể thao chuyên nghiệp thì rất khó, bởi tiêu chuẩn quá cao của bộ môn này về nguồn nhân lực và các điều kiện cơ sở vật chất tập luyện. Hầu hết các điểm tập đều không đạt tiêu chuẩn do thiếu đồng phục, thảm tập (chi phí đầu tư quá lớn); việc đào tạo vận động viên (VĐV), huấn luyện viên (HLV) cũng rất khó. Chẳng hạn, để được công nhận đẳng cấp, thi lên đai, các VĐV phải có sự cạnh tranh quyết liệt với nhau (bắt buộc thi đấu đối kháng mà không có sự phân biệt hạng cân); tỉ lệ VĐV đậu, lên đai chỉ đạt khoảng 10%.
Vẫn khẳng định vị thế
Khó khăn là vậy, song được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, sự hỗ trợ nhiệt tình cả về vật chất, tinh thần, chuyên môn của cộng đồng người Hàn Quốc tại Việt Nam, bộ môn Judo Khánh Hòa nói chung và các thành viên đội tuyển Judo nói riêng đã khẳng định được vị thế của mình. Cụ thể, ngay từ những ngày đầu thành lập (năm 1991), đội tuyển Judo Khánh Hòa đã giành được Huy chương (HC) Đồng hạng 54kg nam ngay trong lần đầu tiên tham dự giải quốc gia. Năm 1994, đội tuyển đã tạo được dấu ấn tại Giải vô địch Judo trẻ khi là môn võ quốc tế đầu tiên của tỉnh giành được HC Vàng ở giải đấu toàn quốc. Đặc biệt, năm 2012, tại các giải toàn quốc, Judo Khánh Hòa đã có một mùa giải khá thành công khi mang về 1 HC Vàng, 1 HC Bạc, 7 HC Đồng. Trong đó, nổi bật là gương mặt trẻ Võ Minh Trí đã được triệu tập vào đội tuyển quốc gia, đại diện cho Judo Việt Nam tham dự các giải quốc tế tại Thái Lan, Nhật Bản, mang về cho thể thao Việt Nam 4 HC Đồng và đạt đẳng cấp kiện tướng quốc gia khi chỉ vừa bước sang tuổi 17. “Liên tiếp vô địch ở các hạng cân khác nhau từ 90kg, 100kg, hơn 100kg đến hạng không kể cân, VĐV trẻ Võ Minh Trí thực sự là một tài năng không chỉ của Judo Khánh Hòa mà còn của Judo nước nhà”, ông Nguyễn Long Phú nói.
Ông Nguyễn Hải Sơn, Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: “Hiện nay, môn Judo Khánh Hòa đang hoạt động theo hướng nghiệp dư. Tuy nhiên, những đóng góp về thành tích của đội tuyển tại các giải đấu quốc gia, quốc tế cho sự phát triển chung của thể thao tỉnh đã được công nhận”. Theo ông Sơn, nếu được đầu tư tốt hơn, bộ môn Judo Khánh Hòa hoàn toàn có khả năng đạt thành tích cao ở các giải đấu lớn trong và ngoài nước.
AN NHIÊN