Đến thời điểm này, chỉ có cử tạ, cụ thể là hạng 56kg nam thực sự có khả năng đua tranh tại Olympic. Vì thế, việc lựa chọn thành phần đội tuyển cử tạ quốc gia được quan tâm đặc biệt.
Đến thời điểm này, chỉ có cử tạ, cụ thể là hạng 56kg nam thực sự có khả năng đua tranh tại Olympic. Vì thế, việc lựa chọn thành phần đội tuyển cử tạ quốc gia được quan tâm đặc biệt.
Tại giải vô địch cử tạ toàn quốc năm 2012, với việc giành Huy chương Vàng cử giật ngay khi mới trở lại thi đấu, vận động viên (VĐV) Hoàng Anh Tuấn được giới chuyên môn đánh giá cao. Những huấn luyện viên (HLV) “có nghề” ở Việt Nam đều khẳng định lực sĩ này có thể nâng cao thành tích hiện có nếu được tập trung đầu tư. Á quân Olympic 2008 Hoàng Anh Tuấn cũng rất hào hứng với viễn cảnh được góp mặt ở đội tuyển quốc gia để hoàn tất giấc mơ chinh phục chiếc Huy chương Vàng SEA Games.
Thế nhưng, quyết định tập trung đội tuyển cử tạ năm 2013 mới đây không có tên Hoàng Anh Tuấn. Ở hạng 56kg nam vẫn là hai gương mặt quen thuộc: Trần Lê Quốc Toàn và Thạch Kim Tuấn. Nếu sự có mặt của Trần Lê Quốc Toàn là đương nhiên thì trường hợp của Thạch Kim Tuấn bị đặt dấu hỏi. VĐV trẻ này từng bị giới chuyên môn và cả những người có trách nhiệm ở Tổng cục Thể dục thể thao cho rằng không còn phù hợp với hạng 56kg do thể hình phát triển quá nhanh, tốt nhất là nên thi đấu ở hạng 62kg, chuẩn bị cho ASIAD 2019. Nếu đã định đầu tư cho Thạch Kim Tuấn đến tận năm 2019, có lẽ đưa đô cử này thi đấu luôn ở hạng 62kg từ năm nay là hợp lý. Trong khi đó, Hoàng Anh Tuấn, nếu được tập trung ở đội tuyển quốc gia sẽ tạo động lực phấn đấu cho Trần Lê Quốc Toàn. Sự ganh đua lành mạnh giữa hai đô cử hàng đầu chắc chắn có lợi cho đội tuyển Việt Nam tại SEA Games 2013. Bởi thế, nhiều người cho rằng việc Hoàng Anh Tuấn vắng mặt chưa chắc có nguyên nhân từ chuyên môn (?).
Lực sĩ Hoàng Anh Tuấn không có tên rong danh sách tập trung đội tuyển cử tạ năm 2013 |
Danh sách đội tuyển cử tạ quốc gia còn gây tranh cãi ở việc HLV phụ trách chung của đội vẫn là ông Nguyễn Văn Ngọc. Năm 2008, ông Ngọc là phiên dịch cho HLV người Bulgary huấn luyện Hoàng Anh Tuấn. Đến nay, sau 4 năm theo đội tuyển làm nhiệm vụ phiên dịch, “bỗng nhiên” ông Ngọc được giao quyết định làm HLV trưởng của đội, đến nỗi một HLV kỳ cựu trong làng cử tạ Việt Nam phải thốt lên “cử tạ Việt Nam đã hết HLV rồi hay sao?”. Người ta cũng buộc phải đặt câu hỏi về khả năng và trách nhiệm của những người làm công tác tham mưu dẫn đến quyết định gây nhiều bức xúc này. Tại Olympic 2012, nếu Trần Lê Quốc Toàn có một HLV giỏi nghề thay vì những HLV ít kinh nghiệm trận mạc như ông Nguyễn Văn Ngọc thì đoàn Việt Nam chưa chắc đã trắng tay.
Vấn đề đặt ra là dưới sự phụ trách của một người không được giới chuyên môn đánh giá cao, những HLV khác sẽ phản ứng thế nào, liệu có dẫn tới những bất đồng về chuyên môn? Thành phần Ban huấn luyện đội tuyển cử tạ Việt Nam lần này có người đã từng thi đấu đỉnh cao và đã làm công tác huấn luyện trong vài năm nay. Câu hỏi này sẽ được thực tế trả lời trong thời gian tới nhưng ngay lúc này, một chuyên gia hàng đầu khi được hỏi đã khẳng định: “Khó làm việc lắm!”.
G.C (Theo HNM)