Vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chấp thuận để Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật thể thao tỉnh mở 3 lớp dạy văn hóa cho các vận động viên thể thao thành tích cao. Đây là hướng giải quyết một phần bài toán thu hút nhân tài cho thể thao của tỉnh.
Vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chấp thuận để Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật thể thao tỉnh mở 3 lớp dạy văn hóa cho các vận động viên (VĐV) thể thao thành tích cao. Đây là hướng giải quyết một phần bài toán thu hút nhân tài cho thể thao của tỉnh.
Những năm qua, thể thao nói chung, thể thao thành tích cao của Khánh Hòa nói riêng luôn gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển chọn, đào tạo và thu hút nhân tài. Công tác tuyển chọn VĐV ở các môn thể thao mũi nhọn của tỉnh như: điền kinh, bóng bàn, bóng chuyền... đều không dễ dàng. Ngoài những nguyên nhân cơ bản như: hiếm hoi về con người, thiếu chế độ đãi ngộ đặc biệt, cơ sở hạ tầng..., vấn đề VĐV được học tập kiến thức phổ thông luôn khiến cho các nhà quản lý ngành Thể thao tỉnh phải đau đầu. Chẳng hạn, ở môn bóng bàn, theo Huấn luyện viên (HLV) Nguyễn Minh Đạt, hàng năm, các HLV phải đến tận cơ sở để chọn quân cho đội tuyển tỉnh. Thế nhưng, công việc này gặp không ít khó khăn, bởi vấn đề là làm sao thuyết phục phụ huynh cho con em tập trung luyện tập. Bóng bàn là môn thể thao khó. Việc đào tạo, huấn luyện các em từ đầu cho đến lúc có thể thi đấu được cũng mất vài năm. Trong khi đó, hầu hết gia đình có con em trong đối tượng được chọn đều từ chối đưa các cháu vào đội tuyển với lý do: tập trung vào việc học văn hóa. Nếu đi theo nghề thi đấu thể thao, chắc chắn việc học của các em sẽ bị gián đoạn, trong khi việc đảm bảo một tương lai vững chắc (nghề nghiệp, việc làm) cho VĐV thể thao lại rất mơ hồ. Thực tế đã chứng minh, không ít các VĐV thành danh một thời của thể thao tỉnh nhà như: Diệp Bảo Minh, Đoàn Kiến Quốc..., sau khi kết thúc sự nghiệp đỉnh cao đã phải mưu sinh khá chật vật vì không có trình độ, nghề nghiệp; chỉ có số ít trường hợp VĐV như nữ hoàng điền kinh Phạm Đình Khánh Đoan do vừa thi đấu vừa bám trụ theo con đường học vấn nên có trình độ, bằng cấp để theo nghề HLV...
Để thu hút các vận động viên tập trung huấn luyện và thi đấu, việc mở các lớp văn hóa tại Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật thể thao tỉnh là cần thiết. |
Thật ra, nhiều năm nay, việc khuyến khích, tạo điều kiện để các VĐV thể thao theo học văn hóa đã được HLV ở một số môn thể thao quan tâm. Chẳng hạn, ở môn điền kinh, để tuyển được quân tốt, HLV Hoàng Thị Huyền Nga phải đảm bảo với gia đình các VĐV về nơi ăn, chốn ở, cam đoan tạo điều kiện cho các em ít nhất cũng tốt nghiệp trung học phổ thông để đi học nghề và xin việc làm... Cũng nhờ có được mối quan hệ tốt với các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh mà hiện nay, hầu hết các VĐV điền kinh đều được đến trường. “Tuy nhiên, do điều kiện tập luyện khổ cực, thời gian đi thi đấu dài ngày nên nhiều em không theo kịp bạn bè trong lớp, phải bỏ học giữa chừng. Đó chính là nguyên nhân khiến việc tuyển chọn, đào tạo VĐV thể thao thành tích cao tỉnh gặp nhiều khó khăn”, ông Trần Quang Thường - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật thể thao tỉnh cho biết.
Để giải quyết vướng mắc trên, vừa qua, Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật thể thao tỉnh đã kiến nghị, đề xuất với UBND tỉnh cho phép được mở 3 lớp dạy văn hóa (từ lớp 10 đến 12) ngay tại Trung tâm. Việc này đã được lãnh đạo tỉnh chấp thuận. Đây được coi là giải pháp mở, tạo điều kiện thuận lợi cho các VĐV thể thao an tâm tập luyện, cống hiến cho ngành Thể thao tỉnh nhà. Được biết, theo kế hoạch xây dựng, Trung tâm sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo mở 3 lớp học văn hóa (theo hướng học tập trung), mỗi lớp có từ 10 đến 30 học sinh. Trung tâm sẽ chịu hoàn toàn kinh phí hoạt động.
Có thể nói, việc tiến tới mở các lớp học văn hóa cho VĐV tại Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật thể thao tỉnh được coi là giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc tuyển chọn, đào tạo VĐV thể thao thành tích cao, và chí ít cũng đáp ứng được yêu cầu về trình độ văn hóa (tốt nghiệp trung học phổ thông) để các em có thể tiếp tục học tập, làm việc sau khi giải nghệ.
AN NHIÊN