10:01, 04/01/2013

Bóng đá Khánh Hòa: Xây dựng lại từ đầu

Tập trung xây dựng tuyến trẻ, tiếp tục duy trì, đẩy mạnh các hoạt động bóng đá phong trào từ cơ sở đến tỉnh là hướng đi của bóng đá Khánh Hòa trong thời gian tới từ sau sự kiện đội bóng chuyên nghiệp Khánh Hòa bị chuyển giao vào cuối năm 2012.

Tập trung xây dựng tuyến trẻ, tiếp tục duy trì, đẩy mạnh các hoạt động bóng đá phong trào từ cơ sở đến tỉnh là hướng đi của bóng đá Khánh Hòa trong thời gian tới từ sau sự kiện đội bóng chuyên nghiệp Khánh Hòa bị chuyển giao vào cuối năm 2012.

Bước dừng đúng lúc

Đối với thể thao Khánh Hòa, năm 2012 được coi là năm sôi động và ly kỳ nhất của các hoạt động ở môn bóng đá từ phong trào đến chuyên nghiệp. Từ sau ngày đội bóng Khatoco Khánh Hòa được chuyển giao cho Hải Phòng (10-12-2012), nhìn vào viễn cảnh, không ít người cho rằng thể thao Khánh Hòa nói chung, bóng đá Khánh Hòa nói riêng đã đến kỳ đại hạn và môn thể thao vua sẽ khó lòng được cứu vãn. Bởi trong quá khứ, thể thao Khánh Hòa từng chứng kiến sự ra đi của các môn thể thao mũi nhọn như wushu, bóng bàn, quần vợt, điền kinh... gắn liền với sự ra đi của những vận động viên đỉnh cao của tỉnh như Diệp Bảo Minh, Đoàn Kiến Quốc... Do vậy, khi bóng đá chuyên nghiệp chính thức bị xóa sổ, nhiều cổ động viên phố biển đã tỏ ra bi quan và mất niềm tin với chặng đường phát triển của môn thể thao này trong thời gian tới.


Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Hướng đi thời gian tới của bóng đá Khánh Hòa là tập trung xây dựng tuyến trẻ, đẩy mạnh các hoạt động bóng đá phong trào để làm lại từ đầu. Và, việc bóng đá chuyên nghiệp Khánh Hòa mất hẳn trong giai đoạn này được coi là xu thế tất yếu, là bước dừng đúng lúc để môn thể thao vua ở tỉnh được đánh giá theo đúng giá trị, bản chất của nó”. Theo ông Hòa, trong bối cảnh nền bóng đá nước nhà đang bị chi phối bởi những dòng tiền trên mây của các ông bầu không đúng với giá trị thực của nó thì chuyện một doanh nghiệp Nhà nước như Tổng Công ty Khánh Việt không kham nổi đội bóng là chuyện sớm muộn. “Bóng đá Khánh Hòa tất yếu phải làm lại từ đầu, đi lên từ phong trào”, ông Hòa nói.

 Tập trung phát triển tuyến cầu thủ trẻ, bóng đá phong trào tạo tiền đề để bóng đá Khánh Hòa làm lại từ đầu.
Tập trung phát triển tuyến cầu thủ trẻ, bóng đá phong trào tạo tiền đề để bóng đá Khánh Hòa làm lại từ đầu.

Phát triển bóng đá phong trào và tuyến trẻ

Có thể nói, nhìn lại chặng đường phát triển của mình, bóng đá Khánh Hòa nói chung và bóng đá phong trào nói riêng có một bề dày lịch sử đáng tự hào. Từ ngày mới giải phóng, điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn nhưng bóng đá phong trào Khánh Hòa đã phát triển khá mạnh với các đội bóng: Thanh niên Nha Trang, đội bóng huyện Diên Khánh, Cam Ranh, CCS (đội bóng cựu chiến sĩ)... gắn liền tên tuổi các cầu thủ như Nguyễn Văn Uông, Nguyễn Văn Chiến, Dương Quang Hổ, Dương Quang Vinh, Hoàng Văn Tần... Thậm chí, ở mùa bóng 2003, khi đội bóng Khatoco Khánh Hòa chính thức thăng hạng chuyên nghiệp thì hầu hết lứa cầu thủ của đội hồi ấy như Tấn Tài, Quang Hải, Văn Phong... đều là những cầu thủ đi lên từ phong trào.

Theo ghi nhận của chúng tôi, 5 năm trở lại đây, bóng đá phong trào Khánh Hòa được đánh giá là phát triển khá mạnh. Nổi bật là hoạt động của các câu lạc bộ, đội bóng ở môn bóng đá Futsal (của doanh nghiệp) và các tổ chức hội tự phát ở môn bóng đá mini sân cỏ nhân tạo. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 50 sân bóng đá mini sân cỏ nhân tạo như: Nha Trang (30 sân), Cam Ranh (4 sân), Ninh Hòa (6 sân), Diên Khánh (6 sân)... với hàng trăm đội bóng, tổ chức hội tự phát đang hoạt động. Hàng năm, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể phối hợp với ngành Thể thao tỉnh tổ chức nhiều giải bóng đá phong trào (bóng đá Futsal) như: Giải bóng đá vô địch Futsal tỉnh tranh cúp Sanna, tranh cúp Mê Trang; giải bóng đá sân cỏ nhân tạo tranh cúp Bia Larue... Các giải đều có sự đầu tư cho chất lượng chuyên môn và tạo được sức hút đối với phong trào bóng đá của tỉnh. Gần đây nhất, tại giải bóng đá Futsal doanh nhân trẻ Khánh Hòa mở rộng (cuối năm 2012), tuy chỉ là sân chơi của các doanh nghiệp trong tỉnh và tỉnh bạn, nhưng giải đấu đã tạo được hiệu ứng xã hội cao. Không chỉ quy tụ các đội bóng mạnh của làng bóng đá Futsal cả nước như Thái Sơn Bắc, Thái Sơn Nam, Sanna Khánh Hòa với chất lượng chuyên môn cao, giải đấu còn thu hút được lượng lớn khán giả đến sân cổ vũ cho các đội bóng. Điều đó cho thấy, bóng đá Khánh Hòa hoàn toàn có cơ sở để làm lại từ đầu nếu chúng ta xây dựng được hướng đi đúng.

Được biết, trong định hướng phát triển thời gian tới, bóng đá Khánh Hòa sẽ tập trung xây dựng tuyến trẻ và đẩy mạnh phát triển bóng đá phong trào để làm lại từ đầu. Cụ thể, cuối tháng 3-2013, Khánh Hòa sẽ thành lập Trung tâm đào tạo bóng đá (cơ sở từ các đội bóng trẻ U11 - 19 của Khatoco Khánh Hòa trước đây) và tập trung phát triển bóng đá Futsal, sân cỏ nhân tạo. Đối với các đội bóng trẻ, hướng đi của ngành Thể thao tỉnh là vẫn duy trì việc đào tạo cầu thủ tuyến trẻ tham gia các giải lứa tuổi U, hạng ba, hạng nhì để chờ thời điểm thích hợp trở lại chuyên nghiệp. Trong một hoặc vài năm tới, nếu có doanh nghiệp lớn nào đủ tiềm lực và có nguyện vọng đầu tư cho bóng đá chuyên nghiệp Khánh Hòa, tỉnh sẽ tạo điều kiện để đơn vị đó đầu tư phát triển. Còn nếu không, các đội bóng trẻ vẫn duy trì hoạt động theo hướng trở thành trung tâm cung cấp cầu thủ trẻ cho các đội bóng chuyên nghiệp. Trong khi đó, các môn bóng đá khác như Futsal, sân cỏ nhân tạo vẫn tiếp tục khuyến khích phát triển để tạo sân chơi phong trào ở các địa phương.

AN NHIÊN