08:01, 16/01/2013

Bóng đá Khánh Hòa sống tạm trong lụi tàn?

Cuối cùng, các tuyến trẻ bóng đá Khánh Hòa cũng được chuyển giao về phía UBND tỉnh. Bước đi cuối cùng trong hành trình rời khỏi bóng đá của Khatoco Khánh Hòa

Cuối cùng, các tuyến trẻ bóng đá Khánh Hòa (KH) cũng được chuyển giao về phía UBND tỉnh. Bước đi cuối cùng trong hành trình rời khỏi bóng đá của Khatoco KH. Tuy vậy, tương lai nào cho bóng đá đỉnh cao của một trong những tỉnh có phong trào bóng đá phát triển nhất miền Trung này vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.

KH quay về làm bóng đá phong trào.
Khánh Hòa quay về làm bóng đá phong trào.

Khi KH quay lưng với giải hạng Nhất, người ta cho rằng mỗi năm cần mươi tỷ đồng cho mặt trận ấy là một sự lãng phí vì số tiền đó đủ mua và nuôi một cầu thủ thuộc hàng "sao số" để đá V-League. Nhưng rồi khi bóng đá đỉnh cao chính thức biến mất khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam bằng việc bán luôn suất V-League, người hâm mộ sau một thời gia ngơ ngác, buồn và giận… lại quay sang tiếc rẻ vì ít ra KH đủ sức, tiềm lực và sự cần thiết để duy trì đội hạng Nhất.

Cách đây ít ngày, tất cả tuyến trẻ trước đây do Khatoco KH quản lý, đào tạo đã chuyển giao về phía UBND tỉnh Khánh Hòa, cụ thể là Trung tâm huấn luyện kỹ thuật thể thao KH (TTHL).

Không còn hình ảnh khát khao chinh phục.
Không còn hình ảnh khát khao chinh phục.

Sẽ không thành lập trung tâm đào tạo bóng đá trẻ. Đó là quyết định của UBND tỉnh. Cái gọi là Công ty cổ phần bóng đá - nơi đầu mối tất cả các mạnh thường quân cho bóng đá - không được nhắc đến. KH giờ chỉ duy trì các tuyến trẻ. Đó là 3 tuyến cầu thủ trước đây do Khatoco tiếp nhận, quản lý và đào tạo gồm U.17, U.19 và U.21. Như thế, TTHL sẽ đào tạo các tuyến từ U.11 cho đến 21.

Khi không còn bầu sữa doanh nghiệp, hẳn nhiên mọi chế độ sẽ phải teo tóp lại. Nhưng đó không phải là điều mà cả người trong cuộc lẫn người hâm mộ lấy làm cốt lõi. Vấn đề là bóng đá KH sẽ phát triển như thế nào khi mục tiêu không phải là hạng Nhất lẫn V-League.

Hầu hết các HLV tuyến trẻ đều nhìn nhận họ không còn đủ nhiệt huyết để “mài giũa ngọc thô”. Các cầu thủ trẻ cũng không còn tâm huyết và đủ đầy đam mê theo nghiệp “quần đùi áo số” khi đích đến chỉ là những giải phong trào và “được tự do” sau 21 tuổi. Không khí chùng xuống trong mỗi buổi tập. Tinh thần tập luyện tại các tuyến trẻ cũng đang tụt dốc không phanh.

Cứ đà này, bóng đá KH sẽ ngày càng lụi tàn. Trước hết là việc tuyển lựa đầu vào sẽ rất khó vì chẳng ai muốn cho con em mình ngót 10 năm đeo đuổi theo trái bóng (từ 11 đến 21 tuổi) để rồi phải chấp nhận một tương lai mờ mịt. Và dù có tuyển lựa được thì ngọn lửa nhiệt huyết, quyết tâm… sẽ là thứ luôn thiếu trong mỗi buổi tập, mỗi trận đấu của các đội bóng trẻ.

Liệu còn mấy ai cho con em mình theo nghiệp bóng đá?
Liệu còn mấy ai cho con em mình theo nghiệp bóng đá?

Cần nói thêm rằng, mục đích cao nhất của thể thao đỉnh cao chính là thúc đẩy thể thao phong trào. Từ thể thao phong trào sẽ tạo nguồn lực cho thể thao đỉnh cao. Đó là mối quan hệ biện chứng. Không thể tách rời.

Sẽ ra sao khi tạo nên những lớp năng khiếu bóng đá. Rèn giũa các em thành những cầu thủ. Chỉ để tham gia các giải theo tính chất “giao lưu học hỏi”. Đó là chưa kể khi thiếu vắng bóng đá đỉnh cao, KH sẽ đánh mất rất nhiều. Ngoài mối quan hệ phong trào - đỉnh cao như một quy luật kể trên, môn “thể thao vua” còn là món ăn tinh thần của rất nhiều người và được coi là bộ mặt thể thao của một địa phương.

Kết luận chính trong cuộc họp giữa UBND tỉnh và các bên liên quan đến tương lai bóng đá KH chính là việc giao cho TTHL xây dựng đề án phát triển thể thao thành tích cao KH từ nay đến năm 2020; tăng cường phối hợp giữa các cấp, ngành, đặc biệt là ngành Giáo dục và Thể thao để đẩy mạnh phong trào thể thao học đường, tạo nguồn lực phát triển thể thao tỉnh.

Đây sẽ là bài toàn không hề dễ dàng khi đi vào thực hiện. Riêng bộ môn bóng đá, muốn bước vào sân chơi thành tích cao trước hết phải có nguồn lực, đặc biệt là kinh phí. Nguồn ngân sách tỉnh chắc hẳn không đủ so với yêu cầu của sân chơi đỉnh cao ở bộ môn này.

Còn việc đẩy mạnh phong trào thể thao học đường để tạo nguồn lực cho thể thao đỉnh cao - riêng ở môn bóng đá - sẽ là nhiệm vụ bất khả thi. Bởi trước thực tế như hiện nay, liệu có phụ huynh nào cho con em mình theo nghiệp “quần đùi áo số”? Ngay cả bản thân mỗi học sinh cũng sẽ không chọn con đường trở thành một cầu thủ khi mà tương lai còn là một dấu hỏi. Trong trường hợp xuất hiện những gương mặt có đủ tài năng và đam mê trái bóng tròn, liệu có ai ở lại mảnh đất này để chơi phong trào?

Chợt nghĩ, bóng đá như một công trình, công trình ấy ở KH đã hư hỏng, xuống cấp. Thà rằng đập bỏ hoàn toàn, chờ lúc thích hợp xây dựng lại từ đầu. Còn hơn duy trì theo kiểu sống tạm như thế.

C.Đ