03:12, 29/12/2012

Mạnh mẽ phong trào, nhàn nhạt đỉnh cao

Với thể thao Khánh Hòa, chiếc huy chương vàng ở nội dung nam giải bóng chuyền bãi biển toàn quốc đã chính thức khép lại một năm tất bật nhưng cũng lắm chuyện vui buồn.

Với thể thao Khánh Hòa (TTKH), chiếc huy chương vàng ở nội dung nam giải bóng chuyền bãi biển toàn quốc đã chính thức khép lại một năm tất bật nhưng cũng lắm chuyện vui buồn. Dưới góc độ phong trào, TTKH ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ với các hoạt động thể thao mang tính xã hội hóa cao, trong khi lĩnh lực thể thao đỉnh cao, chuyên nghiệp lại nhàn nhạt…

Thể thao phong trào: chuyển biến cả lượng lẫn chất

Năm 2012, ngành TTKH được đánh giá là có sự phát triển mạnh mẽ ở các hoạt động thể thao quần chúng, thể thao phong trào. Tính đến đầu tháng 12, 8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều đã hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao, trong đó số người tập luyện thể thao thường xuyên và gia đình thể thao vượt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, số người tập luyện thể thao thường xuyên toàn tỉnh chiếm tỉ lệ 32% số dân (vượt 7% so với chỉ tiêu), số gia đình thể thao chiếm 33% tổng số hộ (vượt 6%). Trong năm, toàn tỉnh tổ chức hơn 750 giải thể thao các cấp, trong đó cấp tỉnh 20 giải; cấp huyện, thị xã, thành phố: 150 giải; cấp xã, phường hơn 600 giải, nhờ đó đã tạo được sân chơi thiết thực, bổ ích, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Theo ghi nhận của chúng tôi, phong trào thể thao tỉnh năm nay có sự chuyển biến rõ nét cả về lượng lẫn chất. Bên cạnh sự đầu tư về cơ sở vật chất, phương tiện tập luyện thể dục thể thao công lập, ở các địa phương đều có sự phát triển mạnh mẽ của loại hình tư nhân hóa các dịch vụ thể dục thể thao như: câu lạc bộ quần vợt, cầu lông, bóng đá sân cỏ nhân tạo, thể dục thẩm mỹ… tạo sân chơi bổ ích, cũng như thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Ngoài ra, thông qua hình thức xã hội hóa, các giải thể thao phong trào của các đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan, ban ngành… đều cho thấy sự đầu tư về chiều sâu theo hướng chuyên nghiệp hóa. Các giải đấu này không chỉ được đầu tư lớn về quy mô tổ chức mà còn được các đơn vị chú trọng hơn về chất lượng vận động viên tham dự. Chỉ tính riêng năm nay, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng cho các hoạt động thể thao phong trào, trong đó, nổi bật là giải vô địch bóng đá Futsal tỉnh tranh cúp Sanna (diễn ra vào tháng 3) đầu tư hơn 150 triệu đồng; giải bóng đá sân cỏ nhân tạo tranh cúp bia Larue (tháng 6): 500 triệu đồng; giải đua xe đạp tỉnh mở rộng (diễn ra vào tháng 8); giải cầu lông các câu lạc bộ Khánh Hòa mở rộng tranh cúp Mê Trang (tháng 8) hơn 200 triệu đồng… Các giải này đã tạo được sức hút mạnh cũng như hiệu ứng xã hội cao.

Với thể thao Khánh Hòa (TTKH), chiếc huy chương vàng ở nội dung nam giải bóng chuyền bãi biển toàn quốc đã chính thức khép lại một năm tất bật nhưng cũng lắm chuyện vui buồn.
Giải đua xe đạp tỉnh mở rộng đã tạo được sức hút lớn.

Thể thao đỉnh cao, chuyên nghiệp ở mức duy trì

Sau 8 năm cố trụ vững với danh hiệu “vua trụ hạng” V-League, ngày 10-12-2012 được coi là cái mốc đánh dấu sự ra đi không hẹn ngày trở lại của bóng đá chuyên nghiệp Khánh Hòa. Đối với người dân phố biển, sự kiện Câu lạc bộ Khatoco Khánh Hòa chính thức được chuyển nhượng cho Hải Phòng, đội trẻ đang chờ ngày giải tán là sự mất mát to lớn. Hụt hẫng, đó là cảm giác chung của nhiều người khi bóng đá chuyên nghiệp Khánh Hòa bị xóa sổ, tuy nhiên họ không ngạc nhiên vì sự ra đi đột ngột này. Bởi lẽ, cách đây 3 năm, làng bóng đá Khánh Hòa đã có thông tin Tổng Công ty Khánh Việt sẽ trả đội bóng về cho tỉnh với lý do khá đơn giản: doanh nghiệp Nhà nước không đầu tư cho bóng đá chuyên nghiệp; trong khi việc kêu gọi xã hội hóa bóng đá Khánh Hòa dưới tên gọi Công ty Cổ phần bóng đá Khánh Hòa của tỉnh bất thành. Giờ đây, mọi chuyện đã rõ ràng, bóng đá Khánh Hòa không còn. Và sắp tới, hướng đi của bóng đá Khánh Hòa không gì khác hơn là đào tạo vận động viên trẻ để... chờ thời.

Bên cạnh bóng đá, thành tích của các môn thể thao đỉnh cao được coi là trọng điểm của ngành TTKH cũng không mấy khả quan. Theo tổng kết của Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật thể thao tỉnh, tính đến cuối năm, tổng số huy chương (HC) các môn thể thao thành tích cao tỉnh đạt được là 288 HC, trong đó có 68 HC Vàng, 87 HC Bạc, 133 HC Đồng; 33 vận động viên đạt cấp kiện tướng, 32 vận động viên cấp 1. Tuy nhiên, trong số các môn thể thao thành tích cao của tỉnh năm nay, ngoại trừ 2 bộ môn đạt được thành tích tốt là võ cổ truyền (đạt 17 HC các loại) và bóng chuyền bãi biển (vô địch nam, hạng nhì nữ), các môn khác như điền kinh, bóng bàn, bóng đá U11 đến U15, quần vợt, thể hình… đều chỉ dừng lại ở mức duy trì.

Nhìn một cách tổng quan, có thể thấy TTKH năm nay được coi như cái mốc cho một điểm dừng. Bởi, sau bao nhiêu năm chật vật duy trì, thể thao chuyên nghiệp, thành tích cao của Khánh Hòa đang cần một khoảng thời gian thích hợp để nhìn lại cả chặng đường đã đi, từ đó xây dựng định hướng phát triển bền vững hơn.

AN NHIÊN