Từng dứt áo ra đi vì tiền, nay thời thế thay đổi, nhiều cầu thủ muốn trở lại đội bóng quê hương, nhưng không phải ai cũng được toại nguyện...
Từng dứt áo ra đi vì tiền, nay thời thế thay đổi, nhiều cầu thủ muốn trở lại đội bóng quê hương, nhưng không phải ai cũng được toại nguyện.
Được Em đã trở về Đồng Tháp sau khi Navibank Sài Gòn giải tán. |
Không còn đỉnh cao phong độ nhưng tiền đạo Việt Thắng được cho là rất may mắn so với các đồng nghiệp đang thất nghiệp hiện nay. Sau khi bị loại khỏi tuyển quốc gia dự AFF Cup, biết không thể cạnh tranh ở đội hình nhiều sao của Bình Dương, Việt Thắng bắn tiếng xin về khoác áo đội quê hương Đông Tâm của bầu Thắng. Đây được xem là mái nhà nhiều kỷ niệm và là CLB thành công nhất trong sự nghiệp của Việt Thắng.
Trong thời gian bị LĐBĐ Việt Nam treo giò 3 năm vì nghi án dính án mua bán độ cùng HAGL ở giải Champions League châu Á tại Indonesia năm 2003, Việt Thắng được bầu Thắng cưu mang, bởi anh có gốc Long An. Năm 2005, Việt Thắng được HLV Calisto gửi đến học tập tại CLB Porto B để có thể chuẩn bị cho việc quay trở lại đội tuyển của mình tại V-League. Sau khi tái xuất, sự nghiệp của Việt Thắng phất lên trở lại. Anh trả ơn bầu Thắng và HLV Calisto bằng cách góp công mang về ngôi vô địch V-League 2005 và 2006. Năm 2008, Việt Thắng cùng tuyển Việt Nam đoạt chức vô địch AFF Cup.
Tuy nhiên, khi có được thân thế, Việt Thắng dứt áo Đồng Tâm để về khoác áo Ninh Bình với giá hơn 7 tỷ đồng cho bản hợp đồng 3 năm. Lúc đó, tiền đạo này thừa nhận cần tiền để chăm lo gia đình. Từ khi chia tay Đồng Tâm ngược ra miền Bắc khoác áo thi đấu cho Ninh Bình, rồi trở lại Bình Dương, phong độ của Việt Thắng đi xuống. V-League 2012, sau giai đoạn lượt đi chủ yếu ngồi trên ghế dự bị, Việt Thắng được Bình Dương cho Thanh Hóa mượn ở giai đoạn hai với giá 1 tỷ 250 triệu đồng. Do tự ý bỏ đội trong những vòng đấu cuối, Việt Thắng phải bồi thường Thanh Hóa 500 triệu để tránh bị đề nghị treo giò một năm.
Không chỉ Việt Thắng mà nhiều cầu thủ khi có tên tuổi đã chạy theo tiếng gọi đồng tiền của các ông bầu mới... "trúng dự án". Trưởng thành từ CLB Đồng Tháp, Duy Khanh và Được Em nhanh chóng có tiếng tăm. Sau mùa giải 2011, cả hai nối gót theo thầy Phạm Công Lộc về đầu quân cho Navibank Sài Gòn. Ở đội bóng của bầu Thọ, họ nhận chế độ đãi ngộ có mơ cũng không nghĩ tới khi còn thi đấu ở đội bóng cũ. Đúng một năm sau, cả hai rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan" khi đội bóng ngân hàng giải tán. Không nơi nương tựa, Được Em, Duy Khanh phải thử việc ở Đồng Tâm, Kiên Giang nhưng không thành. "Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại", Đồng Tháp của HLV Trần Công Minh đã tiếp nhận bộ đôi này.
Tiền đạo Kesley trở về nơi xuất phát V-League là CLB Bình Dương. |
Trong số các sao ngoại thi đấu tại V-League, Kesley cũng quay về chốn cũ khi trở lại thi đấu cho Bình Dương. Năm 2004, tiền đạo gốc Brazil cùng Matsubara của Brazil tham dự giải truyền hình Bình Dương. Với danh hiệu Vua phá lưới và cầu thủ xuất sắc của giải, Kesley nhanh chóng được lãnh đạo CLB Bình Dương ký hợp đồng. Tại CLB đất Thủ, tên tuổi của Kesley vụt lên nhanh chóng. Ngay mùa giải đầu tiên năm 2005, Kesley đoạt danh hiệu Vua phá lưới với 21 bàn thắng. Tiền đạo có kiểu ăn mừng santo còn được bầu chọn là cầu thủ ngoại xuất sắc mùa V-League này. Mùa giải 2006, Kesley rời Bình Dương để gia nhập Hoàng Anh Gia Lai với mức thu nhập cao hơn. Tại phố núi, Kesley không có thành công, xin trở về lại đội bóng đất Thủ và giúp cho Bình Bương giành 2 chức vô địch V-League liên tiếp 2007 và 2008.
Năm 2008, Kesley nhập quốc tịch Việt Nam, lấy họ vợ, đổi tên là Huỳnh Kesley. Năm 2011, Sài Gòn Xuân Thành đang nổi lên như làn sóng mới khi bầu Thụy chi bạo để mua sắm. Kesley chia tay Bình Dương để chấp nhận chơi ở giải hạng Nhất và V-League 2012. Chơi khá thành công nhưng khi Sài Gòn Xuân Thành không còn tiền để đáp ứng, Kesley phải lần thứ ba tái hợp với Bình Dương.
Cũng sau khi Navibank Sài Gòn giải thể, Quang Hải, Tài Em trong diện chuyển sang Sài Gòn Xuân Thành. Cả hai đánh tiếng xin quay về Khánh Hòa và Long An. Tuy nhiên, đội bóng quê hương của Quang Hải, Tài Em đang trong hoàn cảnh không mấy vui vẻ. Khánh Hòa phải chuyển giao cho Hải Phòng. Quang Hải, Tài Em buộc phải "thắt lưng buộc bụng" ở lại Sài Gòn Xuân Thành với giá bèo bọt. Nhưng họ may mắn hơn hàng trăm cầu thủ khác đang thất nghiệp, dù có muốn trở về quê hương nhưng vẫn không được tiếp nhận.
Theo VnExpress