HLV Nguyễn Thành Vinh, ông bầu Nguyễn Văn Đệ, HLV Mai Đức Chung và GĐĐH Lê Khắc Chính đều cho rằng việc giảm lương, thưởng của cầu thủ là hợp lý, để đưa cầu thủ Việt về với đúng giá trị thực của mình.
HLV Nguyễn Thành Vinh, ông bầu Nguyễn Văn Đệ, HLV Mai Đức Chung và GĐĐH Lê Khắc Chính đều cho rằng việc giảm lương, thưởng của cầu thủ là hợp lý, để đưa cầu thủ Việt về với đúng giá trị thực của mình.
Trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay, các cơ quan, xí nghiệp đa phần đều phải giảm lương, giảm thưởng để cân bằng thu chi mà tồn tại.
Bóng đá cũng không nằm ngoài quy luật đó. Các ông bầu không còn làm ăn thành công như quá khứ, họ không thể đổ nhiều tiền vào chơi bóng đá, do vậy các CLB buộc phải cắt giảm lương, thưởng của cầu thủ để có thể tồn tại.
Các cầu thủ nên thấu hiểu cho nỗi khổ của đội bóng, không nên kêu than quá nhiều khi lương, thưởng giảm. Họ cần hiểu rằng dù lương thưởng của họ bị cắt giảm thì vẫn còn cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của xã hội.
Tôi nhớ ngày trước kinh tế cũng khó khăn, lương thưởng các cầu thủ rất eo hẹp, có khi còn thấp hơn mặt bằng chung của xã hội nhiều, nhưng họ vẫn thi đấu máu lửa, đầy đam mê và luôn vì màu cờ sắc áo. Có lẽ chính vì vậy mà khán giả yêu bóng đá và đến sân rất đông.
Bầu Đệ cho rằng việc giảm lương, thưởng của cầu thủ để đưa cầu thủ Việt về với đúng giá trị thực của mình
Theo quan điểm cá nhân tôi, việc các đội bóng đồng loạt giảm lương thưởng là một dấu hiệu tốt, nó đã đưa bóng đá Việt Nam về giá trị thực. Qua cuộc cách mạng này, các cầu thủ sẽ hiểu được giá trị thực của mình và họ phải phấn đầu vì bản thân.
Ngày trước nhiều cầu thủ chơi kha khá chút là bày trò làm mình làm mẩy, họ không sợ bị đội bóng đuổi việc bởi có hàng loạt đội bóng khác luôn xếp hàng để chờ có họ.
Giờ thì khác rồi, cầu thủ mà không nghiêm túc, bị thanh lý hợp đồng, khó mà kiếm được bến đỗ mới. Phải cho cầu thủ ở dưới mặt đất để mà cố gắng chứ không thể để họ bay bổng trên mây xanh như trước đây.
Ông Nguyễn Văn Đệ (CLB Thanh Hóa): Không giảm lương, thưởng cầu thủ thì các đội bóng sẽ tan rã hết |
Chuyện các CLB nợ lương là bất khả kháng bởi kinh tế suy thoái, các ông bầu không còn làm ăn thuận lợi như trước. Nếu chúng tôi làm ăn được, không nợ nần, chúng tôi đâu nợ cầu thủ làm gì, chúng tôi hiểu họ cũng cần tiền để lo cho cuộc sống.
Việc các đội bóng giảm lương, thưởng không phải là vì thừa cơ làm khó, chèn ép cầu thủ mà thực chất là đưa họ về đúng giá trị thực. Ngày trước, một số ông bầu làm ăn được, kinh tế khá giả, đã tung tiền vô tội vạ vào bóng đá, nâng lương, thưởng lên thả phanh.
Giờ thì kinh tế suy thoái, làm ăn khó khăn, các ông bầu không thể rải tiền vô tội vạ như trước. Theo tôi, cầu thủ Việt phải thấu hiểu thực tại, chấp nhận trở về với giá trị thực của mình.Nếu duy trì mức lương, thưởng ảo như trước thì tôi đảm bảo các đội bóng không thể nào tồn tại được.
Tất nhiên, hợp đồng đã ký, các ông bầu phải thanh toán lương thưởng theo đúng quy định. Tuy nhiên, nếu cầu thủ cứ vin vào đó, không chịu giảm, cứ cố đòi, các ông bầu không có để trả, dẫn tới nợ, thậm chí bị giục nhiều họ chán, họ sẽ bỏ bóng đá cho nhẹ đầu. Một đội bóng giải tán, các cầu thủ sẽ là những người thiệt thòi nhất.
Ở thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay, tốt nhất là các cầu thủ nên biết chia sẻ khó khăn với các ông bầu để đội bóng tiếp tục tồn tại. Lâu nay các cầu thủ được hưởng lợi rất nhiều rồi, giờ khó khăn, họ nên chấp nhận bớt đòi hỏi đi chút.
Tất nhiên, các CLB không nên ép cầu thủ giảm lương, thưởng nhiều quá. Tôi cho rằng ở thời điểm này, lương-thưởng của các cầu thủ giảm khoảng 20% là hợp lý.
HLV Mai Đức Chung: Đã đến lúc cầu thủ về với đúng giá trị thực
Thời buổi kinh tế khó khăn này, chuyện nợ lương ở đâu cũng có, bóng đá không phải là ngoại lệ. Vấn đề ở đây là các đội bóng chỉ nên nợ thời gian ngắn bởi cầu thủ họ sống bằng đồng lương, nay nợ 3,4 tháng thì họ lấy gì để sống, để lo cho vợ con, gia đình.
Đặc biệt, khi nợ lương thì lãnh đạo các đội bóng cũng cần phải gặp gỡ cầu thủ, nói rõ lý do, thời gian nợ là bao lâu để họ còn lo liệu. Đừng coi thường cầu thủ, cứ im ỉm nợ, chẳng nói chẳng rằng gì. Cầu thủ đúng là đi làm thuê nhưng cũng cần phải tôn trọng họ chút.
Về chuyện các đội bóng giảm lương cầu thủ thì tôi cho là đúng. Không phải tôi ghen tỵ gì với cầu thủ hiện tại, thấy nghề cầu thủ khá thì tôi cũng mừng cho họ. Vấn đề ở đây là trong thời gian qua, bóng đá Việt Nam phát triển theo kiểu bong bóng.
Một bộ phận các ông bầu muốn đánh bóng thương hiệu hoặc “tức nhau tiếng gáy”, đẩy giá cầu thủ lên quá cao so với giá trị thực. Cách phát triên trên không phải bền vững và giờ khi kinh tế đi xuống thì bóng đá Việt Nam nói chung hay cầu thủ Việt nói riêng phải về với đúng giá trị thực. Các cầu thủ nên chấp nhận, vui vẻ giảm lương-thưởng.
Tuy nhiên, tôi kịch liệt phản đối chuyện hiện tại một số ông bầu “tát nước theo mưa”, lợi dụng việc các cầu thủ khó tìm được một bến đỗ mới, chèn ép bằng cách ép họ phải giảm tới 40-50% lương.
Ông Lê Khắc Chính (GĐĐH Trẻ Hà Nội): Giảm lương, thưởng nhưng đừng bỏ hẳn tiền lót tay
Các lãnh đạo đội bóng không hề muốn nợ lương cầu thủ, chẳng qua tiền không có thì phải thế. Còn chuyện cắt giảm lương, thưởng của cầu thủ ở thời điểm này tôi nghĩ là hoàn toàn đúng.
Trước đây các ông bầu xông xênh tiền bạc, họ chi không tiếc tay, kết quả là giá trị cầu thủ được đẩy lên cao hơn nhiều so với giá trị thực. Giờ kinh tế khó khăn, các ông bầu phải thắt chặt chi tiêu, tính toán để tồn tại nên họ buộc phải đưa cầu thủ về đúng với giá trị thực. Các cầu thủ nên hiểu và chấp nhận.
Riêng về chuyện tiền lót tay khi ký hợp đồng thì tôi cho rằng các ông bầu chỉ nên giảm chứ không nên cắt hẳn. Cuộc đời cầu thủ rất ngắn, giỏi lắm thì được chục năm là cùng.
Nếu chỉ có lương không mà không có lót tay thì họ khó có thể có khoản tiết kiệm để lo cho tương lai sau khi chia tay sân cỏ. Chúng ta phải hiểu rằng sau khi giã từ sân cỏ, số cầu thủ kiếm được công việc rất hiếm, nếu không có khoản lót tay tiết kiệm lại được, họ khó sống.
Theo Báo Đất Việt