02:11, 21/11/2012

Hình thức cần được nhân rộng

Công trình Câu lạc bộ Bóng đá mini sân cỏ nhân tạo theo hình thức hợp tác đầu tư giữa tư nhân và Trường Trung học Phổ thông Phan Bội Châu (Cam Ranh, Khánh Hòa) là mô hình xã hội hóa thể dục thể thao rất cần được nhân rộng...

Công trình Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá mini sân cỏ nhân tạo theo hình thức hợp tác đầu tư giữa tư nhân và Trường Trung học Phổ thông (THPT) Phan Bội Châu (Cam Ranh, Khánh Hòa) là mô hình xã hội hóa thể dục thể thao (TDTT) rất cần được nhân rộng.

Những năm qua, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, các nhu cầu về vui chơi giải trí, thể thao vì mục đích nâng cao sức khỏe của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh ngày càng cao. Tuy nhiên, trong điều kiện thiếu thốn cơ sở hạ tầng, phương tiện tập luyện (như: nhà thi đấu, trung tâm tập luyện TDTT, sân vận động...) ở các địa phương, trường học như hiện nay, có thể thấy, hình thức xã hội hóa các hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực TDTT đang được các cấp chính quyền khuyến khích phát triển.

Khoảng 3 năm trở lại đây, loại hình CLB TDTT tư nhân, đặc biệt là CLB bóng đá mini sân cỏ nhân tạo do các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cho thuê đã và đang phát triển, đáp ứng phần nào nhu cầu tập luyện TDTT của người dân ở các địa phương trong tỉnh. Phần lớn các cơ sở tập luyện, CLB TDTT tư nhân này chủ yếu hoạt động theo hình thức kinh doanh thuần túy (hướng đến lợi nhuận). Hiện nay, ở TP. Cam Ranh, ngoài sự xuất hiện loại hình CLB, TDTT tư nhân còn có hình thức hợp tác đầu tư mới mà đối tượng thụ hưởng chính là học sinh. Công trình hợp tác đầu tư xây dựng sân bóng đá mini cỏ nhân tạo tại Trường THPT Phan Bội Châu, do tư nhân và nhà trường phối hợp là một điển hình.


Học sinh Trung học Phổ thông Phan Bội Châu đang tranh tài ở môn bóng đá mini tại Hội khỏe Phù Đổng của trường
Học sinh Trường Trung học Phổ thông Phan Bội Châu đang tranh tài ở môn bóng đá mini tại Hội khỏe Phù Đổng của trường.

 

Công trình CLB Bóng đá mini sân cỏ nhân tạo này đặt trong khuôn viên nhà trường, có diện tích xây dựng 2.100m2 với 2 sân thi đấu. Kinh phí đầu tư xây dựng công trình hơn 1,1 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: lưới bảo vệ, thảm cỏ nhân tạo và các công trình phụ. Với công trình này, tư nhân chịu hoàn toàn kinh phí xây dựng, nhà trường lo phần mặt bằng; mục đích hướng tới là phục vụ nhu cầu học tập, tập luyện bóng đá của học sinh nhà trường. Ông Đặng Quốc Văn - chủ đầu tư công trình cho biết, hợp đồng ký kết hợp tác giữa chủ đầu tư và nhà trường có thời hạn 8 năm. Công trình này sẽ hoạt động theo 2 mục tiêu, gồm: ưu tiên phục vụ nhu cầu học tập, rèn luyện của học sinh (theo lịch học môn bóng đá của trường từ Thứ hai đến Thứ sáu, các hoạt động TDTT của trường mà không thu phí) và đưa vào kinh doanh một phần để nhà đầu tư thu hồi vốn. Sau 8 năm, toàn bộ công trình sẽ được bàn giao lại cho nhà trường để sử dụng vào hoạt động học tập TDTT của học sinh. Ngoài ra, mỗi tháng, chủ kinh doanh CLB còn hỗ trợ cho nhà trường 15 triệu đồng. Số tiền này được đưa vào quỹ hoạt động phong trào của nhà trường.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Đức - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu cho biết: “Nhà trường hoàn toàn hưởng ứng với cách làm này. Bởi sau 8 năm hoạt động, công trình sẽ được tư nhân bàn giao cho trường quản lý, sử dụng vào mục đích dạy và học. Công trình được đặt tại phần đất phục vụ hoạt động TDTT, nằm biệt lập với khu vực dạy học nên không ảnh hưởng đến quá trình học tập của học sinh”. Thời điểm chúng tôi có mặt, tại đây đang diễn ra các hoạt động thể thao trong khuôn khổ Hội khỏe Phù Đổng của trường. Phấn khởi khi tham gia phong trào tại sân bóng mới, em Nguyễn Anh Tuấn - học sinh của trường bày tỏ: “Em rất thích môn bóng đá. Từ ngày có sân bóng cỏ nhân tạo này, sau giờ học, em và các bạn thường ở lại trường để cùng nhau tập luyện”.

Có thể nói, với điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, hình thức hợp tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng TDTT để phục vụ nhu cầu tập luyện của các tầng lớp nhân dân cần được khuyến khích phát triển.

 Theo ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đây là một trong số các hình thức xã hội hóa lĩnh vực TDTT đang được Chính phủ khuyến khích nhân rộng và phát triển. Sự hợp tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu tập luyện TDTT giữa các đơn vị, tổ chức, cá nhân không chỉ đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động ở cấp cơ sở mà còn thúc đẩy sự phát triển phong trào TDTT ở các địa phương.

AN NHIÊN