Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) vừa công bố các giải thưởng phong cách của mùa giải. Ở giải hạng Nhất, danh hiệu trên được trao cho đội Đồng Tâm Long An và điều ấy hoàn toàn xứng đáng không chỉ ở chuyện chuyên môn,....
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) vừa công bố các giải thưởng phong cách của mùa giải. Ở giải hạng Nhất, danh hiệu trên được trao cho đội Đồng Tâm Long An và điều ấy hoàn toàn xứng đáng không chỉ ở chuyện chuyên môn, mà còn vì họ “vạch” được nghi án dàn xếp tỉ số trước trận đấu với Tây Ninh, góp phần cảnh báo Ban tổ chức giải, dư luận về nạn chạy điểm.
Tuy nhiên, ở V-League, không ít người tỏ ra khá bất ngờ khi VFF trao giải phong cách cho SHB Đà Nẵng. Nếu chọn theo tiêu chí thẻ phạt thì nhà vô địch còn nhận thẻ nhiều hơn Sài Gòn Xuân Thành (55 thẻ vàng, 3 thẻ đỏ so với 42 vàng, 2 đỏ). Còn nếu nói giải phong cách dành cho đội bóng chơi trung thực, sòng phẳng lại càng không ổn. Trước hết, chức vô địch của SHB Đà Nẵng được dư luận cho là có sự giúp đỡ của “người anh em” Hà Nội T&T. Kế đến, họ gần như buông ở trận bán kết Cúp Quốc gia sau đó vì cho rằng hết động lực thi đấu. Trong suốt mùa giải, chính SHB Đà Nẵng là đội để lại nhiều vấn đề nhất với những trận đấu giữa họ và các đội Kiên Giang, Đồng Tháp.
Trong suốt mùa giải, chính SHB Đà Nẵng là đội để lại nhiều vấn đề nhất |
Giới quan sát cho rằng, việc trao một giải nhạy cảm như giải phong cách cần hết sức thận trọng. Đấy là lý do mà Công ty VPF cố gắng thành lập Ban đạo đức dù trên thực tế, chức năng nhiệm vụ của ban này cũng đang được bàn thảo chứ chưa thể thành hình. Khi chưa có đủ các cơ sở để đánh giá tính trung thực, sòng phẳng của các trận đấu, các câu lạc bộ thì không nhất thiết phải cố gắng trao giải phong cách.
Như sự việc liên quan đến cựu tuyển thủ quốc gia Huy Hoàng hiện đang khoác áo Sông Lam Nghệ An, cho thấy các câu lạc bộ luôn có xu hướng bao che cho cầu thủ, tìm cách bưng bít thông tin, luôn khẳng định đội mình “sạch”, êm thấm trong khi thực tế hoàn toàn ngược lại. Không ai tin là Huy Hoàng gây tai nạn xe vì say rượu khi vấn nạn sử dụng ma túy ở đội Sông Lam Nghệ An được xem là nhức nhối bấy lâu nay. Vậy nhưng, cách xử lý của lãnh đạo Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An vẫn là “đóng cửa bảo nhau” dù hơn ai hết, chính họ có thể can thiệp để nhận kết quả chính xác nhất từ công an chứ không đợi cầu thủ báo cáo.
Nói như vậy có nghĩa không dễ để xác định độ “sạch” của các câu lạc bộ nếu như chính những người trực tiếp quản lý lại cố tình che giấu các sai phạm. Thà đừng trao giải còn hơn gây ra những tranh cãi, hoài nghi không đáng có sau khi mùa bóng kết thúc.
G.C (Tổng hợp)