Câu chuyện cổ tích được viết năm 2016 khi mà đội tuyển Iceland đã lọt vào tới vòng tứ kết Euro 2016, trong lần đầu tiên được dự một vòng chung kết Euro.
Câu chuyện cổ tích được viết năm 2016 khi mà đội tuyển Iceland đã lọt vào tới vòng tứ kết Euro 2016, trong lần đầu tiên được dự một vòng chung kết Euro. Và nay câu chuyện cổ tích ấy đã được viết tiếp thông qua việc đội tuyển Iceland đã vượt qua những đội mạnh tại bảng I khu vực châu Âu như: Croatia, Thổ Nhĩ Kỳ… để đoạt vé tham dự World Cup 2018.
Tại sao việc đội tuyển Iceland lọt vào tứ kết Euro 2016, đoạt vé tới World Cup 2018 được gọi là câu chuyện cổ tích? Đó là vì Iceland là đất nước có ít dân nhất (hơn 330.000 người) đã từng tham dự một vòng chung kết Euro và World Cup; và đó là vì Iceland còn chưa có được một giải đấu chuyên nghiệp, các cầu thủ được tập hợp từ rất nhiều câu lạc bộ trên thế giới; và đó là vì hầu hết các cầu thủ của đội tuyển Iceland chỉ được thi đấu ở những câu lạc bộ cấp thấp, gần như là vô danh trên bảng đồ bóng đá thế giới. Trước khi đội tuyển Iceland lọt tới tứ kết Euro 2016, có lẽ ấn tượng của người hâm mộ bóng đá đối với đội bóng này chỉ là những cái tên khá đặc biệt luôn có đuôi -son sau cùng, và màn ăn mừng chiến thắng theo kiểu Viking, bởi cách đây tầm 5 năm đội tuyển Iceland còn xếp hạng 131 trên bảng xếp hạng FIFA, dưới cả Việt Nam.
Vậy sức mạnh nào đó giúp cho đội tuyển Iceland viết nên một câu chuyện cổ tích thần kỳ như thế? Đó chắc chắn không phải là những ngôi sao, bởi cầu thủ duy nhất của đội tuyển Iceland được thi đấu chính tại một giải đấu đỉnh cao là Gylfi Thor Sigurdsson, thi đấu cho câu lạc bộ Everton tại Ngoại hạng Anh. Ngay cả huấn luyện viên Heimir Hallgrimsson bóng đá cũng chỉ là nghề… tay trái. Sức mạnh của đội tuyển Iceland có lẽ đến từ truyền thống có từ lâu đời của đất nước họ.
Iceland là một đất nước có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt với băng tuyết bao phủ quanh năm, và cũng nổi tiếng với những chiến binh Viking nổi tiếng dũng mãnh. Chính vì sinh sống trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt như vậy, những cầu thủ Iceland luôn có thể lực và sức bền cực tốt, là nền tảng cho lối chơi phòng thủ phản công đã đưa họ đến với thành công, là cơ sở để họ thi đấu một cách sung mãn cho tới giờ phút cuối cùng. Rất nhiều bàn thắng của đội tuyển Iceland được ghi vào nửa cuối của hiệp 2, thời điểm mà thể lực của đối phương đã suy giảm.
Màn ăn mừng theo kiểu Viking của đội tuyển và người dân Iceland cũng đã thể hiện một truyền thống, cũng là điểm mạnh của đội tuyển Iceland, đó chính là tính kỷ luật, tinh thần tập thể. Đội trưởng Aron Gunnarsson đứng ở trước nhất vỗ nhịp, tất cả các cầu thủ cùng người dân Iceland có mặt trên sân đồng loạt vỗ tay theo, tạo nên một màn ăn mừng cực kỳ ấn tượng, nó cũng thể hiện một truyền thống được thực hiện trên sân cỏ, cũng như ngoài đời. Một người lãnh đạo xông pha ở trước nhất, tất cả những người còn lại tuyệt đối tuân theo sự chỉ đạo và tinh thần đồng đội được đưa lên trên hết. Trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, truyền thống của những chiến binh Viking lênh đênh trên biển khơi, tất cả đều không cho phép tồn tại chủ nghĩa anh hùng cá nhân, mà cần sự đoàn kết tập thể để vượt qua khó khăn.
Với truyền thống đó, đội tuyển Iceland đã thi đấu với sự gắn kết tuyệt đối, trình diễn một lối chơi đồng đội tuyệt hảo. Đội trưởng Aron Gunnarsson không ngại va chạm, là người xông pha tất cả những điểm nóng trên sân, luôn làm gương cho đồng đội. Các cầu thủ Iceland luôn chơi một thứ bóng đá cống hiến, sẵn sàng hy sinh vì đồng đội, lăn xả với ngọn lửa nhiệt tình cao nhất. Chính tinh thần thi đấu rực lửa và gắn kết đó đã khiến cho sức mạnh của đội tuyển Iceland được nhân lên gấp nhiều lần, trở nên một đội bóng rất khó đánh bại. Muốn chiến thắng một tập thể bền chắc như vậy, phải là một đội bóng mạnh thực sự như đội tuyển Pháp tại tứ kết Euro 2016.
Tại World Cup 2018 người hâm mộ bóng đá lại có dịp chứng kiến màn ăn mừng ấn tượng đến “nổi cả da gà” của đội tuyển Iceland - những chiến binh Viking quả cảm. Và cũng rất kỳ vọng họ sẽ viết tiếp câu chuyện cổ tích tại sân chơi đỉnh cao của thế giới này.
TRẦN KHÁNH