12:07, 16/07/2014

World Cup 2014: Sự toàn cầu hóa lên ngôi

World Cup 2014 đã kết thúc với một cái kết đẹp bằng chức vô địch của đội tuyển Đức, đó là cái kết lý tưởng cho những người hâm mộ yêu thích bóng đá tấn công. World Cup đã qua đi song vẫn còn đâu đó đôi điều đọng lại…

World Cup 2014 đã kết thúc với một cái kết đẹp bằng chức vô địch của đội tuyển Đức, đó là cái kết lý tưởng cho những người hâm mộ yêu thích bóng đá tấn công. World Cup đã qua đi song vẫn còn đâu đó đôi điều đọng lại…


Sự toàn cầu hóa


World Cup 2014 cho thấy sự toàn cầu hóa đang diễn ra khá rộng rãi ở giữa các châu lục, ở giữa các đội bóng. Đã có sự học hỏi, tiến bộ đáng kể về mặt lối chơi lẫn chiến thuật của các quốc gia thuộc châu Á, châu Phi lâu nay vẫn được xem là có trình độ bóng đá yếu kém hơn các quốc gia châu Âu, châu Mỹ. Các đội bóng “chiếu dưới” đã gây cho những đội bóng “chiếu trên” rất nhiều khó khăn và bất ngờ, tuy vẫn chưa có cú “động đất” lớn thật sự, nhưng điều này đã cho thấy sự toàn cầu hóa về bóng đá đã có những hiệu quả rất tích cực. Các quốc gia Á, Phi đã có khá nhiều lò đào tạo bóng đá quy mô lớn của các ông lớn châu Âu, đã có khá nhiều cầu thủ thi đấu ở các giải bóng đá lớn hàng đầu thế giới. Chính những điều này đã làm thay đổi, nâng tầm tư duy bóng đá lẫn chất lượng cầu thủ. Vào một ngày không xa, chúng ta có quyền hy vọng World Cup sẽ ngày càng quyết liệt hơn vì trình độ các đội bóng ngang nhau, và chức vô địch một ngày nào đó sẽ thuộc về các đội bóng châu Á.

 


Sự toàn cầu hóa còn đi sâu vào từng đội bóng một, đã không còn những đội bóng cứ khư khư phong cách, lối chơi, tư duy bóng đá của họ từ trước đến nay nữa. Mà thay vào đó là sự học hỏi, dung nhập về lối chơi, tư duy chiến thuật. Việc Brasil đá theo một phong cách rất… Anh, Argentina đá theo kiểu rất… Italia, Đức đá theo phong cách Tây Ban Nha… đã không còn là điều gì quá mới lạ ở trong kỳ World Cup này. Theo tư duy bóng đá hiện đại, không phải quan trọng là một đội bóng bắt chước theo lối đá nào, hay là học hỏi theo phong cách nào, mà quan trọng là đội bóng đó có giữ được bản sắc của chính mình hay không, có phát huy tất cả khả năng của cầu thủ khi sử dụng lối đá đó hay không mà thôi.


Tiểu xảo và sự yếu kém của trọng tài


Tuy World Cup 2014 này là World Cup đầu tiên được áp dụng các loại công nghệ mới để hỗ trợ cho trọng tài, ví dụ như công nghệ Goal-line để xác định bóng đã qua vạch vôi hay chưa, sơn tự hủy để xác định điểm đá phạt… Nhưng vấn đề trọng tài vẫn là một vấn đề được bàn cãi rất nhiều ở tại kỳ World Cup này. Đó là quả phạt đền “tưởng tượng” của trọng tài Yuichi Nishimuran “tặng” cho đội Brasil, hay là những bàn thắng mười mươi của đội tuyển Mexico bị trọng tài Roberto Clavijo cướp đi, hoặc là trọng tài Peter O'Leary không công nhận bàn thằng hoàn toàn hợp lệ của Edin Dzeko… Những quyết định sai lầm tuy còn chưa rõ là do sự yếu kém của trọng tài hay do cố ý dàn xếp, nhưng ít nhiều đã ảnh hưởng đến kết quả của trận đấu.


Việc sử dụng tiểu xảo ngày càng tinh vi, hoàn hảo của các cầu thủ, cũng đã góp phần khiến cho những vị vua áo đen trở thành những gã hề trên sân cỏ. Ví dụ những pha ngã “rất đẹp mắt” của các “diễn viên sân cỏ” như: Diego Costa trong trận Tây Ban Nha gặp Hà Lan, cú ngã của Fred trong trận Brasil gặp Croatia, cú ngã của Robben trong trận Hà Lan gặp Mexico… Hoặc pha tiểu xảo ăn vạ của Muller (Đức) để Pepe (Bồ Đào Nha) bị phạt thẻ đỏ rời sân, và có lẽ là nhát cắn của Luis Suarez (Uruguay) vào vai Chiellini (Italia) sau đó chính Suarez lại lăn đùng ra ôm mặt ăn vạ, cuối cùng được trọng tài bỏ qua là một vết đen đậm nhất trong kỳ World Cup 2014 lần này.


Chính vì vậy, ngoài việc kêu gọi áp dụng những công nghệ cao vào trận đấu, thì cách chọn trọng tài cũng là một vấn đề được kiến nghị rất nhiều với FIFA trong kỳ World Cup này. Đó là nên chọn nhiều trọng tài giỏi từ các giải thi đấu lớn, thay vì chọn một cách cào bằng giữa các châu lục như hiện nay.


World Cup của những thủ môn xuất sắc


 Sau một vòng bảng “tràn ngập” những bàn thắng, thì kể từ vòng 1/8 trở đi, số bàn thắng đã ít đi một cách rất đáng kể, việc các đội bóng chỉ thắng với tỉ số tối thiếu, thậm chí là phải phân định thắng thua bằng những đợt phạt đền cân não. Lý do dẫn đến điều đó ngoài việc các đội bóng chơi chặt chẽ ra, thì sự xuất sắc của những “người giữ đền” đã làm nản lòng các chân sút của các đội bóng.


Việc đội tuyển Costa Rica lọt tới vòng Tứ kết World Cup 2014, ngoài nguyên nhân từ lối chơi chắc chắn ra, thì phong độ suất sắc của thủ thành Keylor Navas (thuộc biên chế câu lạc bộ Levante) cũng là một nguyên nhân không thể chối bỏ. Với tỉ lệ cản phá thành công các cú sút vào khung thành tới 88%, không có gì ngạc nhiên khi Navas lọt vào danh sách đề cử cho danh hiệu thủ môn xuất sắc nhất World Cup 2014. Trong danh sách đề cử đó còn có một Romero thủ thành Argentina, từ một “kép phụ” tại Monaco đột nhiên tỏa sáng rực rỡ trong khung thành đội tuyển Argentina, là người đưa đội tuyển Argentina vượt qua Hà Lan lọt vào vòng chung kết World Cup; còn có một Manuel Neuer đã định nghĩa lại vai trò của thủ môn không chỉ có bắt bóng, mà còn phải có một kỹ năng bằng chân nhất định, còn phải biết chủ động dâng cao như một hậu vệ quét khi cần thiết.


Ngoài ra còn có rất nhiều thủ môn xuất sắc khác, ví dụ như Tim Howard (Mỹ) hiện đang giữ kỷ lục World Cup với 16 pha cản phá trong 1 trận đấu. Hoặc Guillermo Ochoa (Mexico), Vincent Enyeama (Nigeria), Rais M'Bolhi (Algeria), Thibaut Courtois (Bỉ)… Những thủ môn này đều là “tường đồng vách sắt” của đội tuyển, là điểm tựa của cả đội bóng.


World Cup 2014 đã khép lại, biết bao nụ cười và nước mắt đã trôi qua, đọng lại trong tim người hâm mộ không chỉ là những bàn thắng, mà còn những nốt trầm, nốt bổng ở trong bảng giao hưởng World Cup ấy. Một World Cup đi qua, chúng ta lại hướng tới World Cup 2018 được tổ chức ở Nga, lại ngóng trông 4 năm nữa để lại được thưởng thức một bữa đại tiệc bóng đá lớn nhất hành tinh.


C.D