11:07, 06/07/2014

Tứ kết World Cup 2014: Dấu ấn của chiến thuật

Đã không có những bất ngờ ở lượt đấu tứ kết World Cup 2014 khi đội mạnh hơn đã chiến thắng, cho dù là những chiến thắng nhọc nhằn. Ở đó, thay bằng những trận cầu cởi mở, nhiều bàn thắng là những trận cầu đầy toan tính, đầy tính chiến thuật.

Đã không có những bất ngờ ở lượt đấu tứ kết World Cup 2014 khi đội mạnh hơn đã chiến thắng, cho dù là những chiến thắng nhọc nhằn. Ở đó, thay bằng những trận cầu cởi mở, nhiều bàn thắng là những trận cầu đầy toan tính, đầy tính chiến thuật.


Dấu ấn của tình huống cố định


Trong một trận thi đấu với sự thận trọng, chặt chẽ được đề cao, lâm vào trạng thái giằng co, thì việc đội bóng nào tận dụng tốt các tình huống cố định sẽ có cơ hội phá vỡ thế cân bằng giữa hai đội, phá vỡ chiến thuật mà đối phương đã chế định.


Trước một đội tuyển Colombia đầy sự chắc chắn, phản công sắc bén, đội tuyển Brazil nhìn chung không có gì nổi trội hơn đối phương khi cũng sử dụng một đội hình thấp, đề cao sự an toàn. Điểm khác biệt duy nhất đó là tuyển Brazil đã tận dụng quá tốt các tình huống cố định, cả hai bàn thắng, một bàn từ pha dàn xếp đá phạt góc, một bàn từ pha đá phạt rất đẹp mắt của Luiz. Tương tự, đội tuyển Đức cũng đã giành được chiến thắng tối thiểu trước đội tuyển Pháp thông qua một quả đá phạt được dàn xếp khá đơn giản nhưng đầy chính xác. Cũng không thể nói đội tuyển Pháp đá dở ở trận đấu này, nhưng đôi khi, sự khác biệt duy nhất chỉ từ một tình huống đơn giản như vậy.

 

1
Tim Krul - điểm nhấn của Van Gaal trong trận Hà Lan gặp Costa Rica.


Dấu ấn của huấn luyện viên


Có thể nói, vòng tứ kết là vòng đấu mang đậm dấu ấn của các huấn luyện viên (HLV). HLV Scolari đã sử dụng một lối đá thực dụng mang đậm nét châu Âu, đá chắc ở sân nhà, hầu như bỏ qua khu vực giữa sân, sử dụng những đường bóng dài, tận dụng những tình huống cố định. Điều này là phù hợp khi hàng công của Brazil chỉ dựa vào một mình Neymar như hiện nay. Tuy không đẹp mắt, không được lòng fan hâm mô, nhưng là biết người biết ta, mang lại ích lợi lớn nhất cho đội bóng.


Tương tự như vậy còn có HLV Alejandro Sabella của đội tuyển Argentina. Đội bóng xứ sở tango nhập trận với một tư thái cho mọi người bất ngờ, đó là không dâng cao, phòng ngự chiều sâu, phản công nhanh chứ không phải là lối tấn công áp đặt như 4 trận trước đó. Thậm chí ngay cả Messi cũng được HLV điều chỉnh đá thấp xuống, chủ yếu là cầm banh, cấp phát bóng. Bàn thắng của Higuain cũng bắt nguồn từ một pha phản công sắc bén, và như vậy là đủ khi đội tuyển Bỉ đã bộc lộ điểm yếu thiếu kinh nghiệm thi đấu quốc tế, đã quá “non” khi dâng cao ngay từ đầu trong một trận đấu quan trọng như vậy.


Gây ấn tượng nhất chính là HLV Van Gaal của tuyển Hà Lan. 4 trận trước, ông đã làm cho người ta kinh ngạc trước khả năng thay người, điều chỉnh chính xác trận đấu của ông. Và trong trận gặp đối thủ khó chơi là Costa Rica, ông đã làm người ta khó tưởng tượng nổi khi thay thủ môn chính Cillessen bằng thủ môn dự bị Tim Krul ở những phút cuối hiệp phụ thứ 2 với mục đích để bắt phạt đền, và ông đã thành công. Điều đó cho thấy ông đã tính hết tất cả các khả năng xảy ra, cả những sự thay đổi nhân sự trong mỗi trường hợp.


Trong khi đó, HLV Joachim Loew đưa tuyển Đức trở lại với hình ảnh “Cỗ xe tăng Đức” quen thuộc, chơi chắc chắn, thắng tối thiểu, nhưng… luôn thắng. Không còn những màn đan bóng rối mắt, không còn những đợt tấn công đẹp mắt nhưng thiếu hiệu quả, không chú trọng vào sự kiểm soát bóng, thay vào đó là sự hiệu quả. Đức đã trở về với lối chơi thực dụng, sử dụng những đường bóng dài, chuẩn xác, lối chơi đầy tốc độ và sức mạnh thọc sâu vào hai biên. Và như người ta vẫn thường nói, đẹp làm gì khi ta không thể chiến thắng. Đức trở lại với “bản ngã”, và chiến thắng giống như là điều gì đó hiển nhiên.


Mong rằng, những chiến lược gia này lại cho người hâm mộ thấy được những bài chiến thuật hay, đầy bất ngờ trong những trận đấu sắp tới.


C.D