World Cup 2014 đã đi được 56 trận đấu. Đã có những giọt nước mắt, xen lẫn đó là nụ cười, cả những tức tưởi vỡ òa của các cầu thủ, của cổ động viên đằng sau những trận đấu, nghĩa là có đủ dư vị.
World Cup 2014 đã đi được 56 trận đấu. Đã có những giọt nước mắt, xen lẫn đó là nụ cười, cả những tức tưởi vỡ òa của các cầu thủ, của cổ động viên đằng sau những trận đấu, nghĩa là có đủ dư vị. Nhưng nếu hỏi về cảm giác của sự thất bại, xin hãy để các huấn luyện viên trả lời, rằng: Đứng sau thất bại của một đội bóng là huấn luyện viên. Đứng sau thất bại của huấn luyện viên là một cuộc chia tay trong lặng lẽ.
Hai từ “từ chức” luôn hiện hữu trong văn hóa bóng đá!
Với nghiệp cầm quân, có ai không muốn ngẩng cao đầu ra đi hay giã từ sự nghiệp trong vinh quang kiểu như Mourinho khi rời Inter đến với Real, Pep Guardiola rời Barca đến Bayern Munich, hay Sir Alex Ferguson khi rời Manchester United. Vậy nhưng nghiêp sân cỏ dễ có mấy người, bởi người thắng thì ít, kẻ bại lại nhiều. Nhưng cũng không phải ai cũng giữ được niềm tin vào bản thân sau những thất bại như nhà cầm quân Del Bosque của tuyển Tây Ban Nha sau vòng bảng World Cup. Đã lắm nhà cầm quân ngậm ngùi rời bỏ chiếc ghế của mình: Nhật Bản, Iran, Honduras, Bờ Biển Ngà, Italia, mới đây nhất là huấn luyện viên trưởng đội tuyển Nigeria lên tiếng từ chức hay cái tên Ottmar Hitzfeld cũng quyết định khép lại sự nghiệp cầm quân sau thất bại của Thụy Sĩ ở vòng 1/8. Và có thể sẽ còn thêm những cái tên như thế nữa khi World Cup mãn còi.
Cảm thán thay cho cái nghiệp cầm quân. World Cup hay bất cứ giải bóng nào, những đôi mắt khán giả cứ mải dõi theo chân các cầu thủ tới nơi bóng lăn, mấy ai để ý bên lề sân cỏ, trên băng ghế chỉ đạo những gương mặt trầm ngâm, lặng lẽ và lắm khi bế tắc của các nhà cầm quân. Sức ép của cổ động viên, của lãnh đạo đội nặng là thế nhưng nào bằng sức ép của chính mình sau mỗi lần thất bại. Cũng chẳng có Quả bóng Vàng nào dành cho huấn luyện viên. Sự đáp đền, nếu có, cũng chỉ là một chiếc ghế mà họ chỉ biết đặt mình vào trong đó với những toan tính tiếp theo đến căng đầu.
Thế mà vẫn cứ tiếp nối những cuộc chia tay. Với họ, ý nghĩ đó đến từ một lẽ giản đơn: khi mình không làm được việc thì ra đi là cần thiết, để nhường chỗ cho một người mới được việc hơn, có thể đáp lại sự mong mỏi của cổ động viên và cả đội bóng.
Biết là ngậm ngùi cho những cuộc chia tay lặng lẽ ấy, vậy nhưng cũng tự vỗ về rằng, họ đã chọn cho mình một hướng đi, dù là tạm thời thì cũng là một nơi mà ở đó, họ không phải chịu những thất bại.
B.T