Đức đến với World Cup 2014 bằng một lối chơi mới, đáng ngưỡng vọng. Ngược lại, chủ nhà Brazil đã làm phai nhạt đi rất nhiều hình ảnh về một thứ bóng đá mê hoặc lòng người. Bởi thế, trong trận đấu kinh điển giữa Brazil và Đức (3 giờ sáng 9-7), đại diện châu Âu nhỉnh hơn về chuyên môn, trái lại, đội bóng Nam Mỹ lại tỏ ra là kẻ thức thời.
Đức đến với World Cup 2014 bằng một lối chơi mới, đáng ngưỡng vọng. Ngược lại, chủ nhà Brazil đã làm phai nhạt đi rất nhiều hình ảnh về một thứ bóng đá mê hoặc lòng người. Bởi thế, trong trận đấu kinh điển giữa Brazil và Đức (3 giờ sáng 9-7), đại diện châu Âu nhỉnh hơn về chuyên môn, trái lại, đội bóng Nam Mỹ lại tỏ ra là kẻ thức thời.
Bao đời nay, bóng đá Brazil thành công nhất thế giới không chỉ ở các danh hiệu, mà đây còn là đội tuyển quốc gia nhiều người yêu mến bởi lối chơi nghệ sĩ của mình. Từ ông vua Pele cho đến thời của Romario, Rivaldo, Ronaldo, Ronaldinho... đã trình diễn một thứ bóng đá huyền ảo, mê hoặc bằng những pha dàn xếp, xử lý mang trọn tinh hoa của bóng đá.
Nhưng “selecao” của 2014 có vẻ như không còn giữ được bản sắc. Không còn cái chất Nam Mỹ mềm mại uyển chuyển. Brazil vượt qua ải vòng bảng không mấy thuyết phục, thắng ở vòng 1/8 sau loạt penalty với Chile hẳn cũng không thể coi là một thành công. Để rồi đỉnh cao của sự thất vọng khi Brazil hạ gục Colombia ở tứ kết với một trận cầu bạo lực nhất trong lịch sử World Cup: có đến 54 lần hai đội triệt hạ đối phương mà các cầu thủ Brazil sở hữu tới 31 pha phạm lỗi.
Brazil giờ đây có “đồ tể” ở cả 3 tuyến trong đội hình. Các hậu vệ Dani Alves, Maicon, Marcelo, Dante đã gắn chặt với danh xưng chém đinh chặt sắt. Nơi đây chỉ có Thiago Silva chơi thiên về kỹ thuật nhưng trớ trêu thay hậu vệ này sẽ vắng mặt trong trận bán kết vì đã lĩnh đủ thẻ vàng. Trên một chút, Oscar là mẫu tiền vệ thiên về kỹ thuật nhưng lại mờ nhạt. Những cái tên vốn chơi thiên về kỹ thuật như Paulinho, Ramires, Willian... cũng chấp nhận từ bỏ sự hoa mỹ của mình để tìm đến với danh xưng... máy ủi.
Vậy có thể hình dung lối chơi mà Huấn luyện viên Felipe Scolari đang xây dựng cho Brazil và thực tế họ đã trình diễn một lối chơi đầy cơ bắp. Nói khác đi, trên đường tìm đến chiếc cúp vàng thế giới thứ 6 cho mình, Brazil sẵn sàng thay đổi bản ngã trước các đối thủ khác nhau, sẵn sàng lao vào chân đối phương để đạt được mục đích. Và chẳng có gì lạ nếu Brazil tiếp tục chơi thứ bóng đá, thiên về cơ bắp trước tuyển Đức như cách họ đã thường xuyên áp dụng trong 5 trận đấu qua.
Trong khi đó, tuyển Đức lại nức danh với lối chơi khoa học, lạnh lùng và đầy chất thép. Nhưng đó lại là một tuyển Đức của những năm về trước. “Mannschaft’ giờ đây đã trở nên mềm mại hơn rất nhiều. Người ta cho rằng, lối chơi tiqui taca của người Tây Ban Nha khi bị bắt bài thì cũng là lúc người Đức kịp thay đổi, biến ảo một lối chơi từng đưa Tây Ban Nha 2 lần lên đỉnh châu Âu và 1 lần vô địch thế giới ấy thành đặc sản của riêng mình.
Tiqui taca với linh hồn là những pha đan chuyền, đã được người Đức phát triển thêm một bậc, đó là đã lược bỏ đi những đường chuyền thừa. Bởi vậy, các học trò của ông Joachim Loew không cần sở hữu thời gian kiểm soát bóng quá nhiều, không quá tôn thờ quan điểm đội giữ nhiều bóng là đội có nhiều cơ may giành chiến thắng, mà coi tính sắc sảo trong các đường chuyền mới là yếu tố quyết định. Kỹ thuật siêu đẳng là thứ không thể thiếu trong tiqui taca và Đức đã có Gotze cùng với Ozil - những nghệ sĩ sân cỏ. Điều này kết hợp với lối chơi hiện đại, lạnh lùng và rất thực dụng như khiến cho “cỗ xe tăng” được lắp thêm đôi cánh để có thể bay bổng với thành công của mình.
Người Đức đã đổi thay một chút trong lối chơi của mình để giúp cho họ mạnh hơn và đẹp hơn. Còn với Brazil, có vẻ như trong hoàn cảnh hiện tại, thật khó để mong muốn về một lối chơi hoa mỹ như cách mà họ từng chiếm trọn hàng triệu triệu trái tim trên khắp thế giới.
H.Đ