Lợi dụng “lỗ hổng” trong công tác tuyển chọn, quản lý và sử dụng vận động viên (VĐV), các huấn luyện viên (HLV) đội bóng U15, U17, U19 và U21 đã có những hành vi sai phạm, dẫn đến tác động xấu, gây bức xúc trong dư luận. Mục đích của đào tạo bóng đá trẻ là tạo nguồn lực bổ sung lực lượng cho đội tuyển Khánh Hòa FC ở sân chơi chuyên nghiệp. Thế nhưng, nhiều năm qua, số lượng VĐV bóng đá trẻ được đưa lên đội hình chính chỉ đếm bằng đầu ngón tay. Đã đến lúc ngành Thể thao tỉnh cần thay đổi, cơ cấu lại công tác đào tạo bóng đá trẻ.
Kỳ 1: Nhiều sai phạm ở các đội bóng đá trẻ
Kết luận của Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao cho thấy, các HLV đội bóng U15, U17, U19, U21 tại Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật thể thao tỉnh đã có nhiều sai phạm trong công tác tuyển chọn, quản lý và sử dụng VĐV. Trong đó, có những sai phạm kéo dài, hành vi cố tình, có dấu hiệu hình sự, Thanh tra sở kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra.
Các cầu thủ đội bóng đá U19. |
Huấn luyện viên tự phân mức, trả công trái quy định
Đội bóng U15 được tuyển chọn theo quyết định của Sở Văn hóa và Thể thao cuối năm 2022 có 25 VĐV, do ông Lê Văn Tú làm HLV trưởng. Tại thời điểm thanh tra, đội U15 còn 22 VĐV được tập luyện và ăn ở tập trung tại Câu lạc bộ Bóng đá Khánh Hòa (phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang). Việc ký kết hợp đồng vào tập trung chính thức tại Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật thể thao tỉnh được cha, mẹ VĐV (là người giám hộ) ký kết trực tiếp với giám đốc trung tâm. Theo quy định, tiền ăn và tiền công hàng tháng được trung tâm lập danh sách và trả trực tiếp cho VĐV. Trường hợp VĐV chưa đủ tuổi vị thành niên, người giám hộ nhận thay hoặc HLV trưởng ký nhận thay nhưng phải được sự chấp thuận, ủy quyền của tất cả cha, mẹ các VĐV. Tuy vậy, trong thời gian nắm đội U15, HLV Lê Văn Tú đã thay mặt VĐV ký nhận vào danh sách nhận tiền thông qua cuộc họp đội bóng vào ngày 1-2-2023 (với chữ ký của 2 người đại diện phụ huynh và các VĐV) mà không phải được sự đồng ý, hay ủy quyền của tất cả phụ huynh theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019.
Các cầu thủ đội bóng đá U17. |
Tiền công của VĐV đội tuyển U15 là 75.000 đồng/ngày (quy định tại Nghị định số 152/2018 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với HLV, VĐV thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu), tổng tiền công 22 VĐV nhận được theo danh sách chấm công (mỗi tháng từ 25 - 27 công) dao động từ 41,25 triệu đồng đến 44,5 triệu đồng. Trung tâm chi trả tiền công cho VĐV là như nhau, thế nhưng ông Tú lại tự đưa ra các mức A, B, C, D với các tiêu chí sinh hoạt tốt, đi học đầy đủ, đảm bảo nội quy, phát triển chuyên môn tốt và phát lại tiền mặt cho các VĐV (trong đó mức A là 1,1 triệu đồng, mức B là 1 triệu đồng, mức C từ 800 - 900 nghìn đồng, mức D từ 600 - 700 nghìn đồng). Như vậy, tổng số tiền công các VĐV U15 nhận thực tế từ HLV Tú là 21,7 triệu đồng, chênh lệch so với số tiền thực tế theo danh sách chấm công từ 19,5 - 22,8 triệu đồng. Số tiền chênh lệch này được ông Tú đưa vào quỹ đội để sử dụng cho các mục đích đi dã ngoại, ăn buffet, đá giao hữu tại các tỉnh: Bình Định, Đắk Lắk, Phú Yên, Ninh Thuận… Tuy vậy, việc chi tiêu nguồn quỹ đội bóng này không được công khai, minh bạch và điều đó là không hợp lệ, trái quy định.
Tương tự, đội U21 do HLV Huỳnh Hữu Đức nắm giữ, chế độ tiền ăn, tiền công được trung tâm chuyển qua tài khoản của VĐV hoặc VĐV trực tiếp ký nhận nếu chưa kịp mở tài khoản ngân hàng. Song, thẻ ATM và mật khẩu thẻ ATM do HLV giữ, trực tiếp rút tiền, đóng tiền ăn, chi trả tiền công trực tiếp cho VĐV, số tiền chênh lệch được đưa vào quỹ đội bóng để mua các vật dụng cá nhân cho VĐV như: Bàn chải đánh răng, xà phòng, khăn mặt, mua vé xe, tàu cho VĐV về quê và phụ giúp điều trị chấn thương… Qua xác minh, tất cả VĐV đội bóng đều thừa nhận sự việc trên. Tuy vậy, việc HLV Huỳnh Hữu Đức giữ thẻ, mật khẩu thẻ ATM và tự rút tiền của VĐV là không đúng quy định. Đồng thời, việc thu chi quỹ đội bóng cũng không được công khai trong các thành viên đội bóng.
Chiếm giữ tiền ăn, tiền công của vận động viên
Theo kết luận thanh tra, 2 HLV đội bóng đá trẻ Khánh Hòa là ông Đặng Đạo (đội U19) và ông Nguyễn Tý (đội U17) đã cố tình lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm giữ tiền công và tiền ăn của VĐV thông qua việc giữ thẻ ATM, giữ mật khẩu ATM, tự ý rút tiền của VĐV song chỉ chi trả một phần, hoặc thậm chí có trường hợp không trả cho VĐV và lấy đó dùng vào việc riêng.
Đối với đội U19 (thời điểm hiện tại) do ông Đặng Đạo làm HLV trưởng, theo xác minh, tổng số tiền HLV này chiếm giữ tiền công, tiền ăn của VĐV từ năm 2021 đến 2023 chênh lệch gần 2,25 tỷ đồng so với số tiền các VĐV thực nhận. Cụ thể, năm 2021, đội bóng đá do ông Đặng Đạo phụ trách được chuyển tuyến đào tạo từ U15 lên U17 với số lượng 25 VĐV. Tại thời điểm này, số tiền công, tiền ăn chênh lệch ông Đặng Đạo chiếm giữ của các VĐV là 526,4 triệu đồng. Năm 2022, con số chênh lệch bị HLV chiếm giữ lên đến 899,4 triệu đồng. Năm 2023, với số lượng 22 VĐV, tổng số tiền công, tiền ăn chênh lệch HLV này chiếm giữ là 820,1 triệu đồng. Tương tự, ở đội bóng U17 (thời điểm hiện tại) do HLV Nguyễn Tý làm HLV trưởng, tổng số tiền ăn, tiền công của 22 VĐV mà HLV này đã nhận từ năm 2021 đến 2023 nhưng không phát hoặc chỉ phát một phần nhằm giữ phần chênh lệch cũng không hề nhỏ.
Ông Đặng Đạo và ông Nguyễn Tý. |
Không chỉ vậy, trong 3 năm (từ 2021 đến 2023), ông Nguyễn Tý đã kê khống việc tập luyện ngày thứ Bảy, trong khi các VĐV đội bóng ở trong tỉnh được cho về nhà, các VĐV ngoài tỉnh ở lại trung tâm, không tập luyện nhưng vẫn chấm công, làm thất thoát ngân sách với số tiền 184,6 triệu đồng. HLV U19 là ông Đặng Đạo không đề xuất với giám đốc trung tâm ban hành quyết định thôi tập, vẫn để danh sách tập luyện đội bóng với các VĐV đã nghỉ tập để hưởng chế độ tiền công, tiền ăn làm thất thoát ngân sách 315,4 triệu đồng.
Đối với hành vi vi phạm của ông Đặng Đạo và ông Nguyễn Tý, với cương vị là HLV trưởng các đội U19, U17, đã cố tình lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây thất thoát ngân sách nhà nước và chiếm giữ một phần tiền công, tiền ăn của VĐV. Việc sai phạm của 2 HLV nói trên diễn ra trong thời gian dài (3 năm), trong quá trình thanh tra ông Đặng Đạo đã không nhận thức rõ hành vi vi phạm, vẫn tiếp tục sai phạm khi yêu cầu VĐV U19 chuyển tiền ăn, tiền công cho mình (tháng 7) để chiếm giữ nên Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao đã có kiến nghị yêu cầu tạm đình chỉ công tác đối với HLV này. Do tính chất phức tạp của vụ việc, Thanh tra sở đã kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra về các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự của các HLV nói trên; đồng thời kiến nghị xử lý trách nhiệm, chấn chỉnh đối với các tập thể, cá nhân trong việc buông lỏng công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, tạo điều kiện cho các HLV bóng đá trẻ sai phạm trong thời gian dài.
AN NHIÊN
Kỳ cuối: Cần chấn chỉnh, xử lý, quan tâm phát triển bóng đá trẻ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin