11:03, 05/03/2013

Chuyên nghiệp là thế này ư?

Dù có phát biểu hay đến mấy, hoa có đẹp đến cỡ nào thì ngày khai màn V-League 2013 cũng không thể che được một sự thật là bóng đá Việt Nam vẫn thế, chẳng khác xưa là mấy, tức tính chuyên nghiệp còn rất xa...

Dù có phát biểu hay đến mấy, hoa có đẹp đến cỡ nào thì ngày khai màn V-League 2013 cũng không thể che được một sự thật là bóng đá Việt Nam vẫn thế, chẳng khác xưa là mấy, tức tính chuyên nghiệp còn rất xa...

Ngày khai mạc mùa giải mới, cả 3 sân được xếp lịch đá sớm đều rực rỡ cờ hoa, lời chúc tụng và cả những lời hứa của các thành phần tham dự giải, rất hoành tráng. Chỉ có điều, dù có phát biểu hay đến mấy, hoa có đẹp đến cỡ nào thì cũng không thể che được một sự thật bao năm qua rằng: bóng đá Việt Nam vẫn thế, chẳng khác xưa là mấy, tức tính chuyên nghiệp còn rất xa...

1. Chuyên nghiệp gì khi trận cầu được dự đoán rất “hot” giữa chủ nhà Sài Gòn Xuân Thành và cựu vương Bình Dương chỉ thu hút khoảng 5.000 khán giả đến theo dõi. Số khán giả ấy đã trân mình trong cái nắng gắt của Sài thành để đến sân, bỏ tiền mua vé để mong chứng kiến một trận đấu có chất lượng, nhưng rốt cuộc chỉ đổi lại là cả một nỗi thất vọng.

Với những gì 2 đội bóng trình diễn, nhiều người không hiểu tại sao cả Sài Gòn Xuân Thành lẫn Becamex Bình Dương lại được coi như những ứng viên cho chức vô địch vào cuối mùa. Chuyên môn thấp đến mức nhiều người lầm tưởng đó là trận đấu của những cầu thủ nghiệp dư, chứ không phải là cuộc đối đầu của đội bóng mạnh với những cầu thủ có giá trị chuyển nhượng cao ngất ngưởng.

Vấn đề trọng tài “nóng” ngay từ vòng 1.
Vấn đề trọng tài “nóng” ngay từ vòng 1.

Không có chế tài nào bắt các cầu thủ phải chơi đúng phong độ suốt cả mùa, cũng không có quy định nào buộc 2 đội bóng mạnh phải chơi hay, đẹp, kịch tính... Nhưng, nếu đá như thế, thử hỏi ai tin đó là một trận cầu thuộc khuôn khổ V-League?

2. Cũng ở ngày khai mạc, trận đấu “đinh” khác giữa Hà Nội T&T - Hoàng Anh Gia Lai đã được ví như một võ đài hơn là cuộc đối đầu trên sân bóng với tinh thần cao thượng được đặt lên hàng đầu. Chất lượng hay độ kịch tính ở trận đấu này tuy có cao hơn hẳn so với trận đấu ở sân Thống Nhất thật, nhưng thử hỏi chuyên nghiệp kiểu gì khi cáng cứu thương vào sân liên tục như... đi chợ; cầu thủ đôi bên ăn miếng trả miếng với nhau bằng các tình huống triệt hạ. Chuyên nghiệp kiểu gì để đến nỗi Ban lãnh đạo của đội bóng phố núi nổi tiếng là lành cũng đã có những hành động phản ứng gay gắt đối với tổ trọng tài điều khiển trận đấu. Mà không phản ứng cũng phí khi Hoàng Anh Gia Lai luôn là đội bất lợi trong các phán quyết của trọng tài, kể cả khi đội chủ nhà cũng phải nhận rất nhiều thẻ vàng và 1 thẻ đỏ thì nỗi ấm ức ấy cũng rất khó tan.

Chơi bóng chuyên nghiệp, đương nhiên phải chấp nhận những câu chuyện này kia, phải chấp nhận với lỗi nhận định của các “vua sân cỏ”. Nhưng cái kiểu thổi để đẹp lòng “ai đó” thì đúng là nản thật!

3. Ngày chào mừng mùa giải mới bắt đầu, cả 3 sân được tổ chức đá sớm đều có lễ khai mạc kéo dài với rất nhiều lời hứa của các lực lượng tham dự giải đấu. Rất chuyên nghiệp và hoành tráng, cũng như đầy sự kỳ vọng vào một mùa giải mới thành công để ít nhiều xua đi nỗi u ám của cả một nền bóng đá trong năm qua, nhưng rốt cuộc mọi thứ hóa ra chẳng khác là mấy.

Trọng tài cứ hô quyết tâm thổi với cái tâm sáng nhất, thì 2/3 trận đấu giới cầm còi phải nhận sự giận dữ từ Ban huấn luyện, lãnh đạo, cầu thủ của Hoàng Anh Gia Lai, Sài Gòn Xuân Thành với những mức độ khác nhau. Cầu thủ cứ đọc lời thề sẽ chơi fair play, tôn trọng đối thủ nhưng hóa ra “lời thề gió bay”. Cứ nhìn những pha kungfu ở sân Hàng Đẫy và hàng loạt thẻ vàng tại sân Thống Nhất cho những lỗi thô bạo thì đủ thấy.

Mới chỉ là những trận đầu của mùa giải đã thế, và cũng đi theo đúng “quỹ đạo” của nhiều năm qua thì thử hỏi chuyên nghiệp kiểu gì. Hay cứ đổi tên giải đấu là đã lên chuyên nghiệp?

Theo Vietnamnet