Ở cấp thành phố, sự thành công của một giải thể thao phong trào có vai trò đóng góp tích cực của lực lượng cộng tác viên. Song, do hiện nay mức kinh phí hỗ trợ cho những người làm công tác đặc thù này còn quá thấp nên không ít người trẻ đã chia tay với nghề.
Ở cấp thành phố, sự thành công của một giải thể thao phong trào có vai trò đóng góp tích cực của lực lượng cộng tác viên (CTV). Song, do hiện nay mức kinh phí hỗ trợ cho những người làm công tác đặc thù này còn quá thấp nên không ít người trẻ đã chia tay với nghề.
Thiếu hụt lực lượng cộng tác viên
Những năm qua, TP. Nha Trang nói chung và Trung tâm Văn hóa, Thể thao (TTVH-TT) Nha Trang nói riêng luôn là đơn vị dẫn đầu trong hoạt động thể thao phong trào của tỉnh. Để có được thành tích đó, ngoài duy trì tốt các hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng, hàng năm TT còn đứng ra tổ chức từ 40 - 50 giải thi đấu thể thao phong trào ở tất cả các bộ môn nhằm tạo sân chơi cho người dân địa phương. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của TT là sự thiếu hụt lực lượng CTV - những người được coi là đóng vai trò tích cực cho sự thành công của giải đấu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tuấn Thanh - Giám đốc TTVH-TT Nha Trang cho biết: Đối với thể thao, để giải đấu diễn ra tốt đẹp và tạo được sức hút thì công tác tổ chức điều hành giải đóng vai trò rất quan trọng. Để làm được điều đó, ngoài lực lượng cán bộ, công nhân viên TT chúng tôi còn huy động rất nhiều CTV tham gia phụ trách ở các khâu như: Ban tổ chức, tiểu ban chuyên môn, trọng tài, phục vụ, trật tự, y tế... Tuy nhiên, hiện nay do mức kinh phí hỗ trợ những người làm công tác đặc thù này quá thấp so với mặt bằng chung của xã hội (từ 17.000 - 28.000 đồng/người/buổi) nên không ít người trẻ, dù có đam mê, nhiệt huyết với phong trào cũng dần chia tay. Theo ông Thanh, hiện TT có khoảng 50 CTV thể thao thường xuyên tham gia tổ chức, điều hành các giải đấu. Vào những ngày thường, lực lượng này vừa đủ, nhưng lúc cao điểm (như tổ chức các hoạt động thể dục thể thao nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, Festival biển...) thì thiếu nghiêm trọng do TT huy động lực lượng CTV có khi lên đến hơn 100 người.
Ông Võ Xuân An (phải), Huấn luyện viên môn Aikido kiêm cộng tác viên làm công tác trọng tài tại giải vô địch Taekwondo TP. Nha Trang. |
Thù lao quá thấp, khó sống được với nghề
Được biết, hiện TTVH-TT Nha Trang đang thực hiện việc chi trả thù lao cho các CTV ở các giải đấu thể thao bằng 70% so với mức chi ở giải đấu cấp tỉnh. Cụ thể, mức chi kinh phí hỗ trợ cho những người tham gia các giải thể thao thành phố với vai trò là ban tổ chức, thành viên các tiểu ban chuyên môn... là 21.000 đồng/người/buổi; lực lượng trật tự, phục vụ, công an, y tế, làm nhiệm vụ khác cho tất cả các môn là 17.500 đồng/người/buổi. Đối với lực lượng làm công tác trọng tài, giám sát... tại các giải bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, võ thuật, cầu lông, điền kinh... mức chi dao động từ 11.000 - 28.000 đồng/người/trận. Mức hỗ trợ trên rõ ràng quá thấp. Ông Đặng Ngọc Hiền - một trong những CTV tích cực của TTVH-TT Nha Trang với 20 năm làm trọng tài tại các giải thể thao, tâm sự: “Vì đam mê thể thao nên tôi mới làm công tác này. Với các mức công tác phí như hiện nay thì chẳng được bao nhiêu”. Theo ông Hiền, hầu hết những người làm nghề CTV này đều là những người từng hoạt động trong lĩnh vực thể thao, hay là những người đam mê thể thao như các vận động viên, giáo viên thể dục, sinh viên các trường cao đẳng, đại học thể thao... Đối với người trẻ, họ sẽ không chịu nhận công việc ít tiền như thế này. Ông Trịnh Bích Viên - huấn luyện viên môn cầu lông của thành phố, thuộc biên chế TTVH-TT - cho biết: “Công tác chính của tôi là huấn luyện môn cầu lông tại TT. Bên cạnh đó, khi TT tổ chức các giải thể thao phong trào như bóng đá, bóng bàn, cầu lông... chúng tôi cũng phải hỗ trợ với vai trò là lực lượng CTV. Tuy nhiên, chế độ hỗ trợ như hiện nay là quá thấp và nếu chỉ dựa vào nguồn kinh phí này thì sẽ khó sống được với nghề”.
Qua thực tế chúng tôi tìm hiểu thì hầu hết những người làm CTV thể thao đều mang trong mình lòng nhiệt huyết và họ chấp nhận làm công việc đặc thù này chỉ vì niềm đam mê thể thao. Song với mức hỗ trợ thấp như hiện nay rất khó để họ yên tâm với nghề và điều đó ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ cho các hoạt động thể thao phong trào. “Trước mắt, chúng tôi động viên anh em bằng tâm huyết yêu nghề, cống hiến cho sự phát triển phong trào chung của thành phố. Qua đây, chúng tôi cũng kiến nghị với HĐND tỉnh và các ban ngành liên quan cần tăng mức hỗ trợ cho các CTV hoạt động trong lĩnh vực thể thao. Vừa qua, tại kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh cũng đã có sự điều chỉnh cho việc hỗ trợ chế độ đối với các vận động viên, huấn luyện viên hoạt động trong lĩnh vực thể thao, tuy nhiên đối với những người làm công tác tổ chức thì mức hỗ trợ vẫn chưa được điều chỉnh một cách phù hợp”, ông Thanh nói.
AN NHIÊN