09:10, 30/10/2012

Cần thêm sự đầu tư

Để nâng cao chất lượng hoạt động thể dục thể thao ở các địa phương nói riêng, phát triển thể dục thể thao Khánh Hòa nói chung, điều quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm, đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất... 

Để nâng cao chất lượng hoạt động thể dục thể thao (TDTT) ở các địa phương nói riêng, phát triển thể dục thể thao Khánh Hòa nói chung, điều quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm, đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất... 

Định hướng phát triển đã có

Theo định hướng kế hoạch phát triển TDTT tỉnh, từ nay đến năm 2020, ngành Thể thao Khánh Hòa sẽ có những bước cải thiện đáng kể về thành tích, góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế - xã hội tỉnh; sự phát triển của thể thao cả nước. Theo đó, trong phong trào thể thao quần chúng, toàn tỉnh sẽ có hơn 33% số người tập luyện TDTT thường xuyên (theo số dân), hơn 30% số hộ gia đình được công nhận là gia đình thể thao; các huyện, thị xã, thành phố đều có sân vận động, nhà thi đấu thể thao đa năng... đáp ứng đủ nhu cầu tập luyện, vui chơi giải trí, nâng cao sức khỏe của người dân. Về thể thao thành tích cao, ngành Thể thao Khánh Hòa phấn đấu trở thành 1 trong 15 trung tâm TDTT mạnh của cả nước. Các môn thể thao trọng điểm sẽ chuyển sang chuyên nghiệp, hàng năm có từ 8 - 10 vận động viên (VÐV) được vào đội tuyển quốc gia, góp phần tích cực vào thành công chung của thể thao nước nhà trên các đấu trường quốc tế...

Về cơ bản, những mục tiêu trên của TDTT Khánh Hòa hoàn toàn có khả năng thực hiện được. Bởi lẽ, phong trào TDTT Khánh Hòa tuy không còn được đánh giá mạnh như trước đây song vẫn duy trì và phát triển ổn định. Trong khi một số môn thể thao trọng điểm của tỉnh như bóng bàn, điền kinh, quần vợt, võ thuật... có dấu hiệu chững lại, đi xuống thì một số môn khác như bóng đá phong trào, chuyên nghiệp, bóng chuyền trong nhà, bãi biển... vẫn được đánh giá cao.

Để nâng cao chất lượng hoạt động thể dục thể thao (TDTT) ở các địa phương nói riêng, phát triển thể dục thể thao Khánh Hòa nói chung, điều quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm, đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất...

Nhà Thi đấu thể thao huyện Khánh Vĩnh xây mới đã đáp ứng phần nào nhu cầu thể dục thể thao của đồng bào dân tộc thiểu số. 

Nhiều vấn đề đặt ra

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho ngành TDTT Khánh Hòa là sự đầu tư cho phát triển TDTT ở các cấp chính quyền địa phương còn nhiều hạn chế. Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Khó khăn nhất hiện nay của ngành TDTT tỉnh đó là vấn đề nhận thức về tầm quan trọng của các cấp chính quyền về nhiệm vụ phát triển TDTT địa phương. Trong đó, các địa phương chưa thật sự quan tâm đến việc đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng hoạt động thể thao phong trào, chưa thật sự coi sự nghiệp phát triển TDTT gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội”.

Theo ông Hòa, thực tế cho thấy, phong trào TDTT quần chúng của tỉnh phát triển mạnh nhưng chưa đều. Sự đầu tư cho phát triển sự nghiệp TDTT còn quá nghèo nàn, không phù hợp với nhu cầu xã hội (kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện tập luyện... từ cấp huyện, thị, thành phố đến xã, phường còn thiếu hoặc chưa có). Cụ thể, các huyện: Diên Khánh, Ninh Hòa, Cam Lâm chưa có nhà thi đấu thể thao đa năng; Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Cam Lâm chưa có sân vận động cho các hoạt động TDTT phong trào; cơ sở vật chất phục vụ hoạt động TDTT ở Cam Ranh, Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh bị xuống cấp trầm trọng. Nguồn kinh phí phân cấp cho các địa phương hoạt động trong lĩnh vực TDTT còn thấp, chất lượng các hoạt động còn yếu. Các hoạt động xã hội hóa TDTT ở các địa phương nhỏ lẻ, manh mún, chưa tạo được dấu ấn cũng như tạo được động lực thu hút sự phát triển phong trào. Trong khi đó, về thể thao thành tích cao, ngành TDTT tỉnh thiếu chiến lượt phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là công tác đào tạo trẻ; thiếu chính sách, chế độ đãi ngộ nhằm khuyến khích và thu hút VĐV trẻ cống hiến. Có thể thấy, 10 năm trở lại đây, hầu hết các VĐV thể thao Khánh Hòa có xu hướng bỏ nghề hoặc chuyển sang thi đấu cho các đơn vị, câu lạc bộ ở địa phương khác. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến chặng đường phát triển TDTT của tỉnh. 

Phát triển TDTT là yếu tố quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngành Thể thao Khánh Hòa nói riêng và các cấp chính quyền tỉnh, huyện nói chung cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực, đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động TDTT ở các địa phương.

AN NHIÊN