Thực tế giới cầu thủ ít mang lại niềm vui cho xã hội, trái lại dính những nghi án với thuốc ''lắc'', bán độ trong những năm qua. Đề xuất dùng mức lương trần cầu thủ từ VFF đáng lẽ phải nhận được sự đồng ý từ các câu lạc bộ.
Thực tế giới cầu thủ ít mang lại niềm vui cho xã hội, trái lại dính những nghi án với thuốc ''lắc'', bán độ trong những năm qua. Đề xuất dùng mức lương trần cầu thủ từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đáng lẽ phải nhận được sự đồng ý từ các câu lạc bộ.
Cầu thủ Việt làm được gì cho xã hội?
Tại hội nghị thường niên ban chấp hành VFF, lãnh đạo Liên đoàn đưa ra nhiều quyết sách để vực lại nền bóng đá đang có dấu hiệu sụp đổ domino của chúng ta. Một trong những ý kiến đáng cho ý là việc VFF đưa ra một mức lương trần cho các câu lạc bộ tham khảo. Cụ thể là mức lương trần 20-25 tiệu/tháng cho cầu thủ ở V-League, còn giải hạng Nhất dao động từ 10-15 triệu/tháng. Đó là mức lương không phải thấp, nhằm giảm bớt chi phí không cần có các đội bóng trong giai đoạn khó khăn kinh tế như lúc này.
Đa phần các câu lạc bộ từ V-League, hạng Nhất đều ngần ngừ, chưa nhất trí với sáng kiến của lãnh đạo Liên đoàn. Họ cho rằng mức lương trần như vậy chưa hợp lý, phù hợp với hoàn cảnh của đội bóng. Thậm chí nhiều chuyên gia, cựu danh thủ khẳng định rằng mức lương trần này không cần thiết với các đội bóng ở ta. Bởi sự nghiệp cầu thủ thường ngắn ngủi hơn so với các nghề khác trong xã hội. Với một môn thể thao được xem tính giải trí cao như bóng đá, rủi ro nghề nghiệp cao, cầu thủ phải nhận đại ngộ xứng đáng, để có được sự an tâm về cuộc sống khi giã từ sự nghiệp thi đấu.
Lời giải thích ấy hoàn toàn đúng đắn, thiết thực, nếu cầu thủ Việt tạo được hình ảnh đẹp, mang lại nhiều niềm vui cho toàn xã hội. Lâu nay, bóng đá là môn thể thao được yêu thích nhất, nhận được sự quan tâm, ưu đãi nhất từ xã hội. Nhưng suốt bao nhiều năm qua, bóng đá chưa mang lại những dấu hiệu tích cực cho người hâm mộ.
Bản thân giới cầu thủ luôn nhận được mức đãi ngộ cao, khoản tiền thưởng cao ngất ngưởng. Cứ mỗi lần kéo quân tham dự AFF Cup, SEA Games, những khoản tiền thưởng triệu đô lại được các nhà tài trợ chuẩn bị sẵn. Nhưng đáp lại sự kỳ vọng ấy là những sự phản bội ghê gớm từ chính những cầu thủ thân yêu. SEA Games 2005 là một ví dụ điển hình. Từ những người hùng ở đội U23 Việt Nam, Văn Quyến, Quốc Vượng, Quốc Anh, Phước Vĩnh, Bật Hiếu... lại dính đường dây bán độ, gây sốc cho cả dư luận khi ấy.
Bóng đá Việt Nam chưa hết buồn với những hình ảnh ăn chơi sa đọa liên quan đến vũ trường, thuốc lắc... bắt nguồn từ giới cầu thủ. Và cầu thủ trở thành hình ảnh xấu mà nhiều phụ huynh không muốn con mình noi theo, đủ hiểu đóng góp của cầu thủ Việt đối với xã hội nói chung rất nhỏ trong nhiều năm qua.
Cần mức lương trần cho giới cầu thủ
Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam sa sút trong 1 năm trở lại đây, cũng liên quan những màn tung hứng lương - thưởng cầu thủ từ nhiều ông bầu, nhiều đội bóng. Thế nên, muốn giữ được sự phát triển bền vững, việc vạch ra mức lương trần cho cầu thủ chơi V-League và hạng Nhất là tất yếu.
Đó là các mà giải nhà nghề Mỹ đã và đang làm nhiều năm qua, để đảm bảo sự ổn định, vững vàng trong tài chính của các câu lạc bộ. Giá trị về chuyển nhượng, lương của cầu thủ đều được xác định rõ ràng. Và tùy vào màn thể hiện, đóng góp, giá trị về lương, giá chuyển nhượng mới được tăng lên một cách có kiểm soát.
Bóng đá nội cũng cần cách đảm bảo thu chi như thế. Khi giá trị lương trần cầu thủ không phải thấp, trái lại còn cao hơn so với mặt bằng của cả xã hội. So sánh nhỏ mức lương một giáo sư ở ta cũng chỉ có mức lương tầm 4-5 triệu/tháng vào năm 2008. Trong khi bậc lương của một tiến sĩ cũng chỉ được nhà nước trả có vỏn vẹn 2,5 triệu/tháng vào năm 2009. Dù trong 3 năm vừa qua, nhà nước đã có sự điều chỉnh về bậc lương, nhưng mức lương của giáo sư, tiến sĩ ở ta cũng chưa bao giờ vượt qua 15 triệu/tháng, mà một cầu thủ bóng đá có thể dễ dàng nhận được lúc này.
Trong khi đó, mức lương trần đối với cầu thủ từ 10 đến 25 triệu/tháng như thế không phải là thấp. Vào thời điểm này, những ngôi sao có số mà như Công Vinh, Thành Lương, Việt Thắng, Quang Hải, Hồng Sơn... còn nhận mức lương lên đến 50 triệu/tháng, một con số quá cao so với mặt bằng xã hội đang có. Thậm chí là mức lương trần mà VFF vừa đưa ra cho các câu lạc bộ tham khảo còn là mơ ước với những nhân viên được làm việc ở các doanh nghiệp nước ngoài, chứ đừng nói gì thiểu số người lao động ở nước ta.
Bóng đá Việt Nam trong những năm qua phát triển quá nóng cũng từ việc tăng lương - thưởng, tiền lót tay vô tội vạ từ các câu lạc bộ. Sự phát triển quá nhanh từ một bộ phận cầu thủ dẫn đến sự lệch lạc trong nhận thức, dẫn đến sự sai lầm trong cách sống của nhiều cầu thủ. Trong khi ấy, đóng góp về giá trị, hình ảnh của giới cầu thủ với xã hội lại quá nhỏ, đôi khi còn là tiêu cực.
Bởi thế việc điều chỉnh lại mức lương cầu thủ không chỉ đưa giải chuyên nghiệp Việt Nam trở lại thăng bằng, mà còn trả lại đúng giá trị mà cầu thủ đã và đang làm cho xã hội, chứ không phải mượn mác là nghề rủi ro, có tuổi thọ ngắn so với những ngành nghề khác.
Theo Vnmedia