10:09, 04/09/2012

Tuyển Việt Nam: Vô địch về ... giá chuyển nhượng

Giải vô địch Đông Nam Á đang diễn ra rất gần. Nhìn danh sách tập trung từ huấn luyện viên Phan Thanh Hùng, người hâm mộ cả nước lo lắng khi những tuyển thủ có giá cả chục tỷ đồng chưa tạo sự an tâm cho hành trình hướng đến AFF Suzuki Cup 2012.

Chỉ còn 3 tháng nữa, giải vô địch Đông Nam Á sẽ diễn ra với mục tiêu vô địch của đội tuyển Việt Nam. Nhìn danh sách tập trung từ huấn luyện viên (HLV) Phan Thanh Hùng, người hâm mộ cả nước lo lắng khi những tuyển thủ có giá cả chục tỷ đồng chưa tạo sự an tâm cho hành trình hướng đến AFF Suzuki Cup 2012.

Chỉ vô địch về giá chuyển nhượng

Kể từ khi giải vô địch Đông Nam Á xuất hiện vào năm 1996 đến nay, tuyển Việt Nam chỉ một lần vô địch tại AFF Cup 2008. Đó có thể xem là một nỗi thất vọng lớn, bởi trong khu vực giải V-League có chất lượng và danh tiếng hơn hẳn so với giải Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Singapore. Bản thân giải V-League từng hút những ngôi sao sáng giá nhất Đông Nam Á như Kiatisak, Thonglao, Dusit, Tawan... về thi đấu cách đây vài năm.

Xét mặt chuyển nhượng, giá trị cầu thủ nội cũng cao ngất ngưởng khi so với các đối thủ trong khu vực. Chưa ở giải đấu nào, các ông bầu sẵn sàng trải cả vài chục tỷ đồng để thực hiện cú áp phe mua một cầu thủ bản địa như V-League. Chỉ có ở Việt Nam, giá trị hai thủ môn như Tấn Trường (Sài Gòn Xuân Thành) hay Mạnh Dũng (V.Ninh Bình) được đẩy lên con số 12 tỷ đồng.

Cuộc cạnh tranh giá cả đẩy V-League trở thành giải đấu hút tiền và dĩ nhiên có sự quan tâm lớn nhất trong khu vực. Nhìn danh sách triệu tập lần này, cỡ như tuyển thủ Công Vinh, Việt Thắng, Quang Hải... cũng có giá 9 đến 15 tỷ đồng. Bản thân 2 tiền đạo không được triệu tập lần này như Đình Tùng (V.Hải Phòng) hay Tăng Tuấn (B.Bình Dương) cũng nhận mức lót tay 7-8 tỷ đồng ở mùa chuyển nhượng vừa qua.

Nếu nhìn từ danh sách triệu tập của ông Phan Thanh Hùng, tính tổng giá trị 23 tuyển thủ có mặt lên đến cả chục triệu đô chứ không đùa. Bởi cả 3 tuyến đều có những ngôi sao sáng giá, giá trị chuyển trọng cao ngất ngưởng so với các đối thủ còn lại. Nhiều người thầm tiếc nếu ba hậu vệ Phước Vĩnh, Phước Tứ hay Quang Thanh không gặp chấn thương, con số chuyển nhượng còn được đẩy cao mức chót vót, nếu so mức giá trị với Thái Lan, Malaysia hay Indonesia.

Oái oăm ở chỗ, có được giá trị chuyển nhượng cao chót vót, những đôi chân bạc tỷ tuyển Việt Nam đa phần chơi kém ấn tượng ở V-League. Trong số những trụ cột như Thành Lương, Công Vinh, Việt Thắng, Quang Hải, Tấn Trường, Mạnh Dũng... đều có một năm khá phập phù về phong độ.

Thế nên giải đấu năm nay, người hâm mộ lại hoài nghi khả năng thành công của đội bóng áo đỏ. Bởi đội bóng giá trị nhất ĐNA vẫn chưa tạo sự ổn định, bản sắc để có chức vô địch khu vực. Thế nên giá trị chuyển nhượng của các tuyển thủ chỉ là về mặt tiền bạc, chứ đóng góp chuyên môn vẫn còn quá ít ỏi với danh hiệu duy nhất ở AFF Cup 2008.

Đừng để đồng tiền làm lóa mắt

Bước vào giải vô địch Đông Nam Á năm nay, mục tiêu vô địch gần như bắt buộc với thầy trò HLV Phan Thanh Hùng. Nguyện vọng của dư luận là đúng đắn, hợp lý sau những gì bóng đá Việt Nam nhận được. Xét sự quan tâm, đầu tư lẫn chế độ đãi ngộ, bóng đá Việt Nam luôn ở dạng đặc biệt.

Bản thân như SEA Games 26 vừa qua, mức thưởng của đội U23 Việt Nam lên đến cả triệu đô. Và với tham vọng lần này, mức thưởng nếu tuyển Việt Nam giành ngôi vô địch còn gấp 2,3 lần con số đó. Bởi so với giải SEA Games, chức vô địch AFF Cup giành cho đội tuyển và danh giá dĩ nhiên cao hơn hẳn.

Tuy nhiên, trên đỉnh cao luôn là gió lớn và áp lực từ sự kỳ vọng của cả dân tộc không phải việc dễ dàng. Nên nhớ tại SEA Games 2011, thầy trò HLV Falko Goetz bị cóng trước khoản tiền thưởng 1 triệu USD, để rồi thất bại tủi hổ trước Indonesia rồi Myanmar. Tại giải vô địch Đông Nam Á cách đây 2 năm, dàn ''sao'' trị giá cả bạc tỷ HLV Henrique Calisto cũng thua đau đớn ở bán kết, dù trên đầu vẫn còn đội chiếc mũ miện.

Hình ảnh tuyển Việt Nam trong giải khu vực thường mong manh, dễ vỡ, nhất là trước đối thủ có lối chơi chặt chẽ, tổ chức cao. Thay vì thăng hoa trong những trận cầu quyết định, những tuyển thủ có đôi chân bạc tỷ, lại đánh mất mình trong lúc họ cần mạnh mẽ thăng hoa nhất.

Chợt thấy lo hình ảnh tuyển thủ Quốc Long, Ngọc Duy, Văn Quyết đánh mất mình với những pha vào bóng thô bạo, hằn học với đối thủ ở trận đấu vừa qua ở Cúp quốc gia. Hay hình ảnh tuyển thủ Việt Thắng tự động rời khỏi xứ Thanh, rồi phải nộp gần 500 triệu để bồi hoàn cho câu lạc bộ, mới được trở lại tuyển. Hoặc Tấn Trường, Đình Luật bị đội bóng chủ quản Sài Gòn Xuân Thành nghi ngờ bán độ, rồi bị cấm ra sân ở giữa mùa giải vừa qua.

Rõ ràng hình ảnh thiếu chuyên nghiệp kể trên, đặt mối lo từ dư luận cho tấm huy chương vàng AFF Cup 2012 càng trở nên lớn hơn. Thay vì tập trung cho mục tiêu vô địch, ''những đôi chân bạc tỷ'' của tuyển Việt Nam lại tự để rơi yếu tố ngoài chuyên môn tác động.

Với giải đấu V-League hấp dẫn, giá trị cầu thủ Việt Nam là số 1, chỉ vô địch một lần trong 8 giải đấu đã qua là sự phí phạm. Và mong rằng tuyển Việt Nam sẽ tìm lại chính mình ở giải vô địch Đông Nam Á lần này.

Theo Vnmedia