11:08, 23/08/2012

Ký ức hào hùng về lực lượng Công an Khánh Hòa

Với nhiều tư liệu quý, tập hồi ký “Đường xưa in bóng” là sự tập hợp nhiều bài viết từ những kỷ niệm sâu sắc của các cán bộ lão thành Công an Khánh Hòa.

Với nhiều tư liệu quý, tập hồi ký “Đường xưa in bóng” là sự tập hợp nhiều bài viết từ những kỷ niệm sâu sắc của các cán bộ lão thành Công an Khánh Hòa. Cuốn sách còn là thông điệp chung của người chiến sĩ Công an nhân dân luôn sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn gian khổ, hy sinh để giành lại độc lập tự do cho dân tộc, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Sau tập hồi ký “Trận địa giữa lòng dân” (2004), Công an tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Câu lạc bộ Hưu trí Công an vừa cho ra mắt tập hồi ký “Đường xưa in bóng” nhân kỷ niệm 67 năm ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân, 20 năm thành lập Câu lạc bộ. Sách do Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin ấn hành, dày hơn 200 trang, gồm 17 tác phẩm của các hội viên, cán bộ Công an tỉnh tham gia 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và những ngày đầu giải phóng.

Với văn phong giản dị, mộc mạc, bạn đọc bắt gặp trong tập sách này những mẩu chuyện cảm động về tình đồng chí, nghĩa đồng bào thiêng liêng, cao cả; những kinh nghiệm trong hoạt động cách mạng qua hồi ức của các đồng chí: Nguyễn Lương - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Trưởng Ban An ninh tỉnh (1969 - 1973); Lê Văn Đại - nguyên Phó Ban An ninh khu V, nguyên Trưởng ty Công an tỉnh Phú Khánh; cũng như các đồng chí nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh; Anh hùng Lực lượng vũ trang, Thượng tá Lê Thị Minh Hãnh… Các tác phẩm đã tái hiện sinh động những năm tháng chiến đấu gian khổ, kiên cường của lực lượng Công an Khánh Hòa ở chiến trường cực Nam. Bằng nghiệp vụ, lực lượng Công an đã tham mưu, đề xuất với lãnh đạo tỉnh nhiều vấn đề về công tác an ninh. Tuy đói cơm, lạt muối, nhưng được nhân dân che chở, đùm bọc, các cán bộ an ninh của tỉnh đã trụ bám ở các đội công tác, hoạt động điệp báo, an ninh đô thị, xây dựng thực lực cách mạng, chủ động, mưu trí, dũng cảm tấn công địch, son sắt, thủy chung với cách mạng. Những trận đánh ác liệt bảo vệ căn cứ, bảo vệ lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Khu V, bảo vệ dân; những chuyến vào làng diệt ác, nới kèm, vận động quần chúng, nhiều cán bộ an ninh đã anh dũng hy sinh… cho thấy những cuộc đấu trí căng thẳng giữa cán bộ an ninh với kẻ thù đã được các tác giả Trần Danh Huy, Phạm Lán, Phạm Minh Đức kể lại lôi cuốn, xúc động.

“Đường xưa in bóng” còn có những mẩu chuyện về các cán bộ Công an những ngày vượt Trường Sơn ra Bắc, vào Nam gian khổ, luôn đối mặt với quân thù, muỗi, vắt, sốt rét nhưng vẫn rất lạc quan; hay chuyện trao trả tù binh bên dòng sông Thạch Hãn, Quảng Trị (bài viết của tác giả Trần Thanh Biên) với nhiều chi tiết cảm động… Tập hồi ký cũng cung cấp cho bạn đọc những mẩu chuyện thú vị, tình cảm thiêng liêng của các cán bộ Công an với Bác Hồ; những kỷ niệm sâu sắc được làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ (bài viết của tác giả Nguyễn Khắc Linh, Lê Thi); lực lượng đoàn viên Bộ Công an tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (bài viết của tác giả Huỳnh Quang Thắng) với tấm lòng kính yêu Bác vô hạn. Bên cạnh đó là những mẩu chuyện phá án sinh động, gay cấn của trinh sát hình sự với bọn tội phạm qua hồi ức của Đại tá Lê Thanh Xuân - nguyên Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (tác phẩm “Chiến công đầu”).

Có thể nói, “Đường xưa in bóng” như một sự tập hợp những kỷ niệm sâu sắc của các cán bộ lão thành Công an nhưng lại đem đến một thông điệp chung: Để giành lại độc lập tự do cho dân tộc, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, lớp lớp cán bộ Công an Khánh Hòa với tình yêu quê hương, đất nước luôn sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn gian khổ, hy sinh. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, lực lượng Công an nhân dân luôn tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, vì nước quên thân, vì dân phục vụ.

LÊ NGUYÊN ĐÔNG