Phải công nhận rằng VPF đã thổi làn gió mới vào làng bóng đá nội. Dù đóng góp không ít sự phát triển của V-League 2012, VPF còn đối diện không ít thách thức trong nạn cho xin điểm, một ông bầu hai đội bóng, lẫn công tác trọng tài ở mùa giải tiếp theo.
Phải công nhận rằng Công ty cổ phần bóng đá VPF đã thổi làn gió mới vào làng bóng đá nội. Dù đóng góp không ít sự phát triển của V-League 2012, VPF còn đối diện không ít thách thức trong nạn cho xin điểm, một ông bầu hai đội bóng, lẫn công tác trọng tài ở mùa giải tiếp theo.
Chất có tăng, giảm sai sót
Sau những biến cố từ cuối mùa trước, Công ty cổ phần bóng đá VPF do các ông bầu thành lập chính thức thay thế Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) quản lý giải chuyên nghiệp quốc gia. Nhìn lại hành trình quản lý tổ chức V-League trong 26 vòng vừa qua, VPF phần nào ghi điểm khi lấy lại niềm tin từ người hâm mộ với giải vô địch quốc gia.
Đầu tiên công tác tổ chức, đảo bảo an ninh đã có sự hợp tác chặt chẽ với cơ quan an ninh. Không chỉ phòng chống tiêu cực trong bóng đá, mà còn đưa các trận đấu vào quy củ, trật tự từ trước cho đến sau trận đấu. Chính lực lượng an ninh đưa ra những đóng góp công tác bảo vệ, hay phản ánh những cá nhân đối tượng có vấn đề.
Mùa giải 2012 khép lại với những dấu hỏi từ nạn cho xin điểm, một ông bầu quản lý 2 đội vẫn tồn tại... |
Vấn đề cốt lõi thứ hai từ vụ tranh chấp thương quyền truyền hình với VFF. Sau khi giành được quyền kiểm soát, VPF đã đứng ra thành lập Quỹ bảo trợ cho bóng đá Việt Nam nhằm hút số tiền quảng cáo cả chục tỷ đồng để tăng kinh phí cho V-League. Chưa kể mức phí bản quyền được tăng cao hơn so hợp đồng ký giữa AVG và VFF, đồng thời mở rộng số trận phát sóng, giúp V-League tới gần hơn người xem cả nước.
Điều quan trọng thứ ba, VPF cùng Ban trọng tài đã tách bạch hẳn quan hệ giữa lực lượng cầm còi và các đội bóng. Không còn cảnh đưa rước, chăm lo trọng tài mất thời gian, dễ gây ra quan hệ ngoài luồng, VPF tự đứng ra chi trả tiền chế độ, đi lại các trọng tài suốt cả mùa giải. Không những thế, bầu Đức còn đích thân mua bộ đàm để lực lượng cầm còi đảm bảo chất lượng điều khiển trận đấu.
Dù lực lượng cầm còi dính sai sót ở đầu mùa, nhưng giai đoạn cuối không để lại những điều tiếng xấu. 6 vòng đấu then chốt không án điểm nào xuất hiện, giúp các đội thực sự an tâm thi đấu. Đó cũng là điểm sáng lớn nhất để khẳng định V-League 2012 có sự thay đổi từ ban tổ chức, bên cạnh số lượng trận cầu chất lượng, những bàn thắng đẹp liên tục xuất hiện. Cuộc đua đến ngôi vô địch và trụ hạng đều phải chờ đến vòng cuối cùng mới ngã ngũ, đủ nói lên kịch bản hấp dẫn, đáng xem không ngờ của giải đấu năm nay.
Báo cáo không chỉ có màu hồng
Song song với những chi tiết đáng mừng ấy, bản báo cáo tổng kết mùa giải không chỉ có màu hồng. Rất nhiều vấn đề nảy sinh qua từng vòng đấu nhưng ban tổ chức, ban kỷ luật, hay ban trọng tài, VPF đều chưa thực sự giải quyết thấu đáo.
Đầu tiên câu chuyện liên quan đến vụ trọng tài Võ Minh Trí bị khán giả Hải Phòng tấn công trên đường rời Đồng Tháp, có sự bị động, thiếu tính toán từ ban tổ chức sân đên ban tổ chức V-League. Rất may trọng tài Trí không bị nguy hiểm tính mạng, nhưng hồi chuông cảnh tỉnh sự lỏng lẻo trong công tác chuẩn bị. Hẳn nhiên nhiều người chưa quên K.Khánh Hòa từng tố giác trọng tài Đào Văn Cường từng dính vụ bán đó, trong lúc VPF, Ban trọng tài tá hỏa vì việc thiếu xác minh lý lịch lực lượng cầm còi.
Chưa dừng lại đó, ban kỷ luật của VFF chưa xử án nghiêm trong nhiều trận đấu có tính chất căng thẳng, bạo lực. Như vụ bầu Nguyễn Đức Thụy trên sân mạt sát tổ trọng tài được trắng án, chỉ vì Ban kỷ luật không thấy chức danh đăng ký của ông Thụy ở đội Sài Gòn Xuân Thành. Thế nên bầu Thụy chẳng bị phạt, dù ai cũng biết đó là ông bầu của đội bóng Sài thành.
Mùa giải 2012 khép lại với những dấu hỏi từ nạn cho xin điểm, một ông bầu
quản lý 2 đội vẫn tồn tại, chưa kể những án phạt thiếu quyết liệt từ ban tổ chức
Vụ việc còn phức tạp ở những vòng cuối khi thứ bóng ''bàn'', xin cho điểm lại có nguy cơ tái diễn ở những vòng cuối. Như trận Thanh Hóa - K.Khánh Hòa, SHB.Đà Nẵng - CS.Đồng Tháp đều có một số biểu hiện bất thường. Nhưng Ban kỷ luật, Tiểu ban đạo đức của VPF đều không thể đưa ra án phạt dù ai cũng nghi ngờ ''không có lửa sao có khói''. Rồi việc 2 trọng tài bị tạm dừng cầm còi có vấn đề, nhưng lực lượng an ninh, ban tổ chức lại không đi sâu tìm hiểu vấn đề.
Sự vụ phức tạp khi chuyện các đội bóng liên tục phá barem thưởng VPF đưa ra bằng những khoản tiền thưởng cả tỷ đồng, hay việc một ông bầu lũng đoạn 2 đội bóng, hay chính bầu Kiên từng chỉ mặt những ông bầu tìm cách đi đêm trọng tài trong hội nghị VPF... đều là mặt trái của nền bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam trong 1 năm qua.
Có thể nhìn nhận V-League 2012 đã mang lại những tín hiệu đáng tin tưởng kỳ vọng hơn ở mùa giải tiếp theo. Nhưng muốn giải đấu trong sạch, có sự đi lên, VFF, VPF, Ban tổ chức, Ban trọng tài, Ban kỷ luật, Tiểu ban đạo đức của VPF cần giải quyết rốt ráo những vướng mắc đang tồn động, thì V-League 2013 mới thực sự chất lượng và không nhiều hạt sạn không đáng có như lúc này.
Theo Vnmedia