67 năm trước, vào những ngày Thu tháng Tám năm 1945, toàn thể quốc dân Việt Nam hừng hực khí thế đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân.
67 năm trước, vào những ngày Thu tháng Tám năm 1945, toàn thể quốc dân Việt Nam hừng hực khí thế đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân. Trong cao trào cách mạng ấy, hàng loạt ca khúc đã ra đời, kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần quân và dân. 67 năm đã trôi qua, hôm nay, nghe lại những ca khúc đi cùng năm tháng ấy, mỗi người dân như được sống lại không khí đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc.
. Lay động trái tim người nghe
Những ngày này, khi đường phố tràn ngập cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945 - 19-8-2012) và Quốc khánh 2-9 thì cũng là lúc trên các phương tiện phát thanh, truyền hình, các ca khúc cách mạng hào hùng một thuở liên tục được phát đi. Nghe những ca khúc ấy, dường như ai cũng có thể cảm nhận được không khí hào hùng, sục sôi khí thế cách mạng của toàn dân tộc 67 năm về trước. Những ca khúc như: Lên đàng (Lưu Hữu Phước), Du kích ca (Đỗ Nhuận), Phất cờ Nam Tiến (Hoàng Văn Thái), Tiến quân ca (Văn Cao), Diệt phát xít (Nguyễn Đình Thi), Đoàn Vệ quốc quân (Phan Huỳnh Điểu), Mười chín tháng Tám (Xuân Oanh)… đến nay không chỉ làm lay động trái tim những khán giả lớn tuổi từng tham gia các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, mà ngay cả lớp khán giả thế hệ 8X, 9X cũng phần nào hình dung được không khí đấu tranh cách mạng của toàn dân tộc. Những lời ca như: Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày/Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai/Mười chín tháng Tám, khi quốc dân căm hờn kêu thét/Tiến lên cùng hô: “Mau diệt tan hết quân thù chung” (Mười chín tháng Tám), hay Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi/Toàn thắng vinh quang ghi ngày trở về/Ra đi ra đi bảo tồn sông núi/Ra đi ra đi thà chết chớ lui (Đoàn Vệ quốc quân)… đã phần nào thể hiện được khí thế, quyết tâm của toàn dân tộc Việt Nam đứng lên đấu tranh giành chính quyền từ các thế lực đế quốc, phát xít.
Những ca khúc về Cách mạng Tháng Tám đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần đấu tranh của nhân dân Việt Nam. (Ảnh tư liệu) |
Trong số những ca khúc viết về cao trào Cách mạng Tháng Tám 1945, có nhiều bài được sáng tác trước thời điểm diễn ra cuộc tổng khởi nghĩa, nhưng cũng có ca khúc được tác giả sáng tác ngay trong thời điểm diễn ra cuộc đấu tranh sôi sục của quần chúng nhân dân. Đó là trường hợp ca khúc Mười chín tháng Tám của nhạc sĩ Xuân Oanh. Nhạc sĩ đã sáng tác bài hát này khi ông hòa cùng dòng người đấu tranh. Khi ấy, ông vừa đi vừa viết lời hát lên trên những mảnh báo cũ, vỏ bao thuốc lá. Viết được dòng nào, ông hát lên cho mọi người cùng hát theo và đến chiều cùng ngày thì bài hát được in lại và phổ biến rộng rãi. Đến nay, ca khúc này vẫn được xem là một dấu mốc về ngày khởi nghĩa của dân tộc.
. Ca khúc đi cùng năm tháng
Vượt qua thử thách nghiệt ngã của thời gian, đến nay nhiều ca khúc cách mạng vẫn vẹn nguyên sức sống, sức lan tỏa trong lòng người. Biết bao thế hệ khán giả đã cùng hòa điệu với những lời ca, nốt nhạc hào hùng, đầy chí khí của cuộc đấu tranh cách mạng. Trải qua 67 mùa Thu tháng Tám với bao biến cố của dân tộc, những ca khúc ấy vẫn được người nghe yêu mến. “Thế hệ chúng tôi sinh ra khi đất nước đã hoàn toàn được giải phóng, khói lửa chiến tranh đã lùi xa, nhưng mỗi lần nghe lại các ca khúc viết về thời điểm Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, chúng tôi vẫn thấy rạo rực trong lòng. Không biết đó có phải do sức hút của những ca từ, giai điệu trầm hùng, hay vì một yếu tố nào khác mà tôi cảm thấy như được sống lại không khí đấu tranh của cha ông một thuở”, bạn Nguyễn Phương Linh - sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang chia sẻ.
Lý giải về sức sống của những ca khúc này trong lòng khán, thính giả, nhiều người cho rằng, mỗi ca khúc cách mạng là một trang lịch sử bằng âm thanh để cho thế hệ hôm nay nhìn lại quá khứ, trở về với những năm tháng hào hùng của dân tộc. Mỗi ca khúc ra đời thường gắn liền với những dấu ấn, sự kiện lịch sử cụ thể. Và chính những mốc son lịch sử dân tộc đã lay động cảm xúc của bao thế hệ nhạc sĩ, từ đó nhiều ca khúc hay về những thời khắc lịch sử đáng nhớ ấy đã ra đời. Có thể nói, Cách mạng Tháng Tám thành công đã mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc và cũng mở ra kỷ nguyên mới cho nền âm nhạc Việt Nam. Từ những bước đi đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam, kho tàng âm nhạc Việt đã đầy lên, dày hơn qua 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng như thời kỳ hội nhập và phát triển kinh tế quốc tế hôm nay. Trong những ngày Thu tháng Tám này, chúng ta hãy cùng thêm một lần nghe lại những ca khúc cách mạng để sống lại khí thế hào hùng của dân tộc.
NHÂN TÂM