Nhà báo - nhà văn, Trung tá Trần Kính bị bệnh viêm gan đã nhiều năm, nhưng không ai nghĩ anh lại ra đi đột ngột vậy. Mới cách đây hơn một tháng, gặp anh ở hiệu sách Ponagar Nha Trang, anh còn nói với tôi: “Sức khỏe của tôi hiện nay đã khá hơn.
Nhà báo - nhà văn, Trung tá Trần Kính bị bệnh viêm gan đã nhiều năm, nhưng không ai nghĩ anh lại ra đi đột ngột vậy. Mới cách đây hơn một tháng, gặp anh ở hiệu sách Ponagar Nha Trang, anh còn nói với tôi: “Sức khỏe của tôi hiện nay đã khá hơn. Tới đây, tôi cố gắng xuất bản một tập sách của riêng mình”. Vậy mà… Khi Phòng Chính trị Công an tỉnh báo tin anh từ trần hồi 12 giờ 15 phút ngày 8-7-2012, tôi và nhiều nhà báo, nhà văn trong tỉnh không khỏi bàng hoàng.
Vậy là từ nay giới báo chí, văn nghệ trong tỉnh, bạn đọc gần xa không còn được đọc những bài báo, bút ký, truyện ngắn đằm thắm, sâu sắc, giàu tính nhân văn của nhà báo, nhà văn Trần Kính nữa. Tôi là người may mắn được sống gần gũi với anh từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Ngày ấy, anh được Bộ Công an điều về công tác ở Phòng Chính trị Ty Công an tỉnh Phú Khánh (nay là Công an tỉnh); được Đảng ủy - Ban Giám đốc và Phòng Chính trị Ty Công an giao cho đặc trách làm tờ báo Công an Phú Khánh. Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm Trưởng phòng Biên tập kỹ thuật, khoa học nghiệp vụ báo Công an Nhân dân nên Trần Kính đã đảm nhiệm nhiều khâu của tờ báo như: biên tập, viết bài, tham gia trình bày và cả công việc sửa mo-rát. Tờ báo Công an Phú Khánh ngày ấy ra mỗi tuần một số, được đông đảo bạn đọc trong và ngoài ngành Công an đón đọc. Những tiểu phẩm, tản văn và những bài phóng sự của tác giả Trần Kính viết khá sắc sảo. Bên cạnh làm báo, Trần Kính còn viết văn; cộng tác, viết tin bài cho Báo Khánh Hòa. Những truyện ngắn của anh từ thập niên 90 trở lại đây in đều đặn trên báo Văn nghệ Công an, tuần báo Văn nghệ và một số tờ báo, tạp chí ở các địa phương trong cả nước, được đồng nghiệp và công chúng yêu thích văn chương khen ngợi. Anh từng đoạt giải thưởng “Cây bút vàng” của ngành Công an. Truyện ngắn của Trần Kính đi sâu về đề tài làng quê. Anh thường viết về tập tục và nét văn hóa đặc trưng của miền quê vùng đồng bằng Bắc bộ. Tôi tâm đắc với truyện ngắn “Ông già nặn tò he” của anh in trên báo Văn Nghệ số Tết năm 2009. Với bút pháp chân thực, lối kể chuyện hóm hỉnh, khắc họa tính cách nhân vật sâu sắc, truyện ngắn “Ông già nặn tò he” đã đọng lại lâu bền trong lòng bạn đọc. Nhà báo, nhà văn Trần Kính còn là người ham học hỏi và sống giản dị, thường xuyên chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp trong nghề nghiệp báo chí và viết văn. Có lần anh tâm sự với tôi: “Cái nghề cạo giấy của bọn mình cũng khắc nghiệt lắm. Nếu không chịu học hỏi, rèn luyện thì dễ bị đào thải trước thời đại đổi mới của báo chí ngày nay”.
Nhà báo - nhà văn, Trung tá Trần Kính sinh năm 1944, tại xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. 10 tuổi, Trần Kính cùng gia đình tập kết ra miền Bắc. Khi ấy, Trần Kính là một cậu bé thông minh, học giỏi, có khiếu văn chương. Tốt nghiệp phổ thông, anh thi đậu vào Trường Đại học Báo chí. Tốt nghiệp, anh về làm việc ở báo Công an Nhân dân. Với lòng nhiệt tình say mê với nghề báo, sau ít năm làm việc, Trần Kính trưởng thành rất nhanh chóng. Từ một phóng viên, quân hàm cấp úy, anh đã phấn đấu lên chức trưởng phòng và được phong hàm Trung tá. Trung tướng Hữu Ước, Tổng Biên tập Báo Công an Nhân dân, Báo An ninh Thế giới và Báo Văn nghệ Công an, người bạn thân của Trần Kính nhận xét: “Trần Kính là một nhà báo có tài, mẫn cán với công việc, thủy chung với bạn bè đồng nghiệp”.
Sau khi về nghỉ hưu ở số nhà 34/16 Nguyễn Thiện Thuật, TP. Nha Trang, Trần Kính vẫn gắn kết với nghề báo, nghề văn. Suốt 10 năm nay, anh thường xuyên có tên trên báo Công an Nhân dân, báo Văn nghệ và nhiều tờ báo ở địa phương và Trung ương.
Nhà báo, nhà văn Trần Kính mất đi để lại muôn vàn nhớ thương cho gia đình, bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp; Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa mất đi một hội viên nhiệt huyết; Báo Công an Nhân dân và Tạp chí Văn nghệ Nha Trang mất đi một cộng tác viên tích cực, một cây viết đầy tâm huyết với nghề. Xin nghiêng mình vĩnh biệt anh!
XUÂN TUYNH