07:10, 19/10/2011

Nỗi buồn tuổi tác!

1. Năm 2011 là năm làng quần vợt nam thế giới đặt nhiều kỳ vọng vào Andy Murray, tay vợt số 4 thế giới. Nhưng, anh vẫn nói không với Grand Slam, cùng với đó là chuỗi thành tích khá nghèo nàn ở đầu mùa giải.

1. Năm 2011 là năm làng quần vợt nam thế giới đặt nhiều kỳ vọng vào Andy Murray, tay vợt số 4 thế giới. Nhưng, anh vẫn nói không với Grand Slam, cùng với đó là chuỗi thành tích khá nghèo nàn ở đầu mùa giải. Dẫu vậy, cũng không thể nói đấy là một năm thất vọng cho Murray, bởi ở những giải trong hệ thống Masters cuối năm, trong khi Djokovic, Federer liên tục bỏ lỡ vì chấn thương, Nadal tỏ ra xuống sức, thì Murray đã tận dụng thành công cơ hội để chiếm vị trí độc tôn tại các giải này. Mới đây nhất, Murray đã hoàn tất danh hiệu thứ 3 trong 3 tuần (vô địch Shanghai Masters, Japan Open và Thailand Open) để làm cuộc soán vị trí thứ 3 thế giới của Federer trước khi bước vào cuộc so tài của 8 tay vợt mạnh nhất - ATP World Tour Finals diễn ra vào tháng tới. Dĩ nhiên, đó chưa phải là đỉnh cao nhất của Murray, bởi anh từng vươn đến vị trí số 2 thế giới vào tháng 8-2009, cũng chẳng phải là mục tiêu cuối cùng nhưng đó là một bước đi đúng hướng theo như lời anh nói.

2. Ngẫm chuyện của Murray mà nghĩ đến Federer. Trở thành “huyền thoại sống” với 16 lần đạt danh hiệu vô địch Grand Slam nhưng Federer - “tàu tốc hành” ngày nào, đang trượt xuống thứ hạng thấp nhất trong hơn 8 năm qua: số 4 thế giới. Lần cuối cùng Federer xếp hạng thấp hơn con số 3 là vào tháng 6-2003, một tháng trước khi anh giành danh hiệu Grand Slam đầu tiên ở sân chơi Wimbledon, báo hiệu cho sự bắt đầu một thời kỳ thống trị đáng kinh ngạc trong làng thể thao nói chung và quần vợt nói riêng, với kỷ lục 237 tuần liên tiếp tại vị ngôi số 1 làng banh nỉ thế giới. Nhưng rồi, chiến thắng của Murray ở Shanghai Masters đã khiến cho Federer trượt phía sau Djokovic, Nadal và Murray, đối mặt với sự gia tăng áp lực trong việc bảo vệ danh hiệu “vua của các vị vua” ở ATP World Tour Finals năm nay. Ở tuổi 30, Federer đang tỏ ra đuối sức ở các cuộc so tài đỉnh cao, nếu không muốn nói rằng anh đang ở vào giai đoạn bên kia sườn dốc của sự nghiệp. Bằng chứng là năm 2011 là năm đầu tiên mà “tàu tốc hành” không giành được một danh hiệu Grand Slam nào kể từ năm 2002, và anh chỉ có 1 danh hiệu duy nhất trong năm là vô địch giải quần vợt ở Doha.

3. Hai hình ảnh trái ngược ở trên phần nào nói lên sự khắt nghiệt của đời vận động viên, khi tuổi tác trở thành gánh nặng trong nghiệp thi đấu, mà ở những bộ môn mang tính chất cá nhân còn khắt nghiệt hơn nhiều. Cứ như trong bóng đá chẳng hạn, gánh nặng tuổi tác khiến Lampard (33 tuổi) bị đặt dấu hỏi về chỗ đứng ở cả đội tuyển quốc gia và câu lạc bộ, nhưng rồi chỉ cần nỗ lực trong 2 trận đấu, anh đã có thể lấp đi những hoài nghi đó. Hơn thế, đó chỉ là phong độ của 1 cá nhân trong 1 tập thể, mà vắng 1 người cũng chưa hẳn ảnh hưởng nhiều đến toàn đội. Nhưng Federer lại khác. Vinh quang do một mình anh nỗ lực đánh đổi; đến khi thất bại cũng chỉ mình anh “gặm nhấm” nỗi niềm. Còn nhớ ở bán kết giải quần vợt Mỹ mở rộng, tuy dẫn trước đối thủ đến 2 séc nhưng cuối cùng Federer cũng đành gác vợt đến không thể tin được trước Djokovic, mà điều đó chỉ có thể lý giải rằng tay vợt người Thụy Sĩ không còn đủ sức bền để bung mình ở những ván cuối trước một tay vợt trẻ đầy sung sức như Djokovic. Rồi, trước đó tại Roland Garros 2011, nếu so với một Murray nhiều lần ở vào tình thế dẫn trước, sau đó lội ngược dòng thành công, ngay cả khi bị chấn thương, mới thấy “con tàu Federer” đã không còn “tốc hành” như trước, mà như thể đang tuột dốc. Ngay cả khi phải từ bỏ những cuộc chơi trong hệ thống Masters vừa qua để dồn sức cho cuộc chiến đỉnh cao với 8 tay vợt mạnh nhất vào cuối năm, thì điều đó cũng chưa hẳn giúp anh có thể bảo vệ ngôi vương ở ATP World Tour Finals. Bởi, kinh nghiệm và đẳng cấp đôi khi phải nhường chỗ cho sức trẻ, cho dù trong Federer vẫn còn đó lòng khát khao chiến thắng và mong muốn được cống hiến.

B.T