03:10, 15/10/2011

Ngôi sao và tập thể

2 trận đấu cuối cùng của lượt trận vòng loại đã xác định 10 cái tên lọt vào Vòng chung kết Euro 2012 được tổ chức tại Ba Lan và Ucraina vào mùa Hè năm sau.

2 trận đấu cuối cùng của lượt trận vòng loại đã xác định 10 cái tên lọt vào Vòng chung kết Euro 2012 được tổ chức tại Ba Lan và Ucraina vào mùa Hè năm sau. Đáng thất vọng nhất vẫn là Bồ Đào Nha - đội bóng với rất nhiều ngôi sao nhưng lại phải chờ đến lượt trận play-off mới có thể quyết định được số phận. Còn ở vòng loại World Cup tại châu Mỹ, Argentina lại bất ngờ để thua Venezuela… Trong các trận đấu đó, các ngôi sao xuất sắc nhất thế giới như Messi, Ronaldo đã không tỏa sáng như kỳ vọng nên đội bóng của họ đều bị “bẽ mặt”…

Bồ Đào Nha nằm trong bảng đấu không phải quá xương xẩu. Với thực lực vốn có, họ hoàn toàn có thể thống trị bảng đấu như cách các đội Tây Ban Nha, Hà Lan, Đức… đã làm. Chính Bồ Đào Nha chứ không phải ai khác là đội có chiến thắng trước Tây Ban Nha, nhà đương kim vô địch thế giới và châu Âu, để cắt mạch bất bại của đội bóng láng giềng. Nói như vậy để thấy rằng Bồ Đào Nha có lực lượng rất mạnh, đủ sức so đọ với bất kỳ đối thủ nào. Tuy nhiên, trong đội hình toàn sao của Bồ Đào Nha, sự nổi trội của Ronaldo có vẻ như là một vấn đề. Ai cũng thấy anh là cầu thủ xuất sắc và có đẳng cấp vượt trội so với các cầu thủ khác. Vì thế, theo logic thông thường thì trong đội hình có cầu thủ này chắc chắn sẽ mạnh hơn rất nhiều. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ bóng đá là một môn chơi tập thể, và mỗi cá nhân phải biết vì lợi ích chung của đội bóng thì thành tích mới tốt. Thế nhưng, sự hòa nhập của Ronaldo ở đội tuyển còn chưa tương xứng với khả năng của anh. Những đóng góp của anh cho đội tuyển chỉ là nỗ lực cá nhân chứ chưa có ảnh hưởng đến với toàn đội như những cầu thủ lớn khác. Ở đội tuyển Tây Ban Nha, Đức hay Hà Lan cũng có những ngôi sao đẳng cấp nhưng bao giờ họ cũng tạm gác cái tôi của mình để phục vụ cái chung của đội bóng, nên họ vừa có cơ hội để thể hiện mình mà kết quả của tập thể cũng rất tốt.

Còn nhớ ở vòng loại World Cup 2010, Bồ Đào Nha cũng phải vào bằng cửa phụ là do trong suốt chiến dịch, các đồng đội của Ronaldo luôn “quay lưng” với ngôi sao này dù lúc ấy anh chơi cực kỳ nổi bật ở Manchester United. Nhưng đó là ở Manchester United, cả tập thể đã hy sinh để cá nhân anh tỏa sáng, còn khi về đội tuyển, chính sự “hợm mình” quá lố với đồng đội khiến anh chỉ là cánh én lẻ loi trong đội bóng “bã trầu”. Và tình hình hiện tại cũng chẳng khác là bao. Chắc chắn Bồ Đào Nha sẽ phải nỗ lực trong 2 trận play-off đầy may rủi.

Messi cũng ở trong tình cảnh rất giống Ronaldo, đó là việc không thể hiện được gì khi trở về đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, xét về bản chất thì vấn đề của 2 ngôi sao nhất nhì thế giới này hoàn toàn khác nhau. Argentina bị loại ngay tứ kết America 2011 và mới đây nhất lại để thua “chú lùn” Venezuela là một thất bại đau đớn với cá nhân Messi. Ở Barca, anh chơi hay bao nhiêu thì về đội tuyển anh lại mờ nhạt bấy nhiêu và không có được sự tỏa sáng như khi ở câu lạc bộ. Vấn đề là không phải Messi hợm mình với đồng đội, nhưng huấn luyện viên không đủ sức tạo ra một lối đá phù hợp để phát huy sở trường của các cầu thủ. Nên nhớ rằng đội tuyển Argentina toàn là những ngôi sao thượng thặng thế giới nên cái tôi của họ cũng chẳng vừa gì. Sự kết hợp những cái tôi lớn ấy không hề dễ dàng và thất bại của Argentina là minh chứng rõ ràng nhất. Nếu so sánh từng vị trí thì Argentina thời nay và Argentina thời Maradona không thể sánh bằng, nhưng rõ ràng ai cũng thấy đội tuyển thời nào hay hơn. Vấn đề ở đây là sức mạnh của đội bóng phải là của tập thể chứ chẳng riêng một cá nhân nào.

Ronaldo hay Messi đều là những cầu thủ thượng thặng và kỳ lạ là họ lại không để lại nhiều dấu ấn khi khoác áo đội tuyển. Điều này hoàn toàn khác với bóng đá của những thập niên trước, khi mà một Maradona, Platini hay xét ở cấp câu lạc bộ như Cantona, Beckham còn có ảnh hưởng với đồng đội lớn hơn những ngôi sao hiện nay. Phải chăng điều đó chứng tỏ sự khác biệt giữa bóng đá hiện đại và bóng đá “thời xưa”. Có thể thời nay, cầu thủ có nhiều tiền hơn, được xã hội (vốn chạy theo xu hướng showbiz) trọng vọng hơn nên cũng có cái tôi lớn hơn. Chính vì thế họ nảy sinh nhu cầu phải thể hiện “đẳng cấp” xã hội của mình với những đồng đội kém hơn mình? Hay là vì trong bóng đá hiện tại chỉ biết đến tiền, còn đam mê chỉ còn là thứ yếu? Điều đó chỉ là phỏng đoán nhưng có thể thấy những đội tuyển có càng nhiều ngôi sao thì lại đá kém dần đi (chẳng hạn như Anh, Pháp, Bồ Đào Nha…), trong khi nhiều đội bóng có ít ngôi sao nhưng chơi tập thể thì luôn giữ được sự ổn định cần thiết (những đội bóng Bắc Âu hoặc Đông Âu cũ).

Ngôi sao chỉ có được khi có tập thể ủng hộ và ngược lại, khi ngôi sao tỏa sáng, tập thể cũng được hưởng lợi. Cho nên, điều người hâm mô muốn xem vẫn là những màn trình diễn của các ngôi sao trong một tập thể đoàn kết. Lúc đó mới thật mãn nhãn.

L.M