Các nhân viên cứu hỏa đang chạy đua để kiểm soát các đám cháy rừng dữ dội phá hủy hàng nghìn ngôi nhà và cướp đi sinh mạng của ít nhất 16 người tại khu vực Los Angeles, Mỹ.
Cảnh sát làm nhiệm vụ tại hiện trường cháy rừng ở Pacific Palisades, Los Angeles, California, Mỹ, ngày 9/1/2025. Ảnh: THX/TTXVN |
Trong khi đó, Cục Khí tượng quốc gia của nước này cảnh báo gió mạnh sẽ trở lại trong tuần này, làm gia tăng nguy cơ bùng phát thêm các vụ cháy mới.
Cục Khí tượng quốc gia Mỹ đã đưa ra cảnh báo đỏ về nguy cơ cháy rừng nghiêm trọng kéo dài đến tối 15/1. Các nhà dự báo cho biết gió duy trì ở mức 80 km/giờ và gió giật tại các vùng núi có thể lên tới 113 km/giờ.
Ông Rich Thompson, nhà khí tượng học của Cục Khí tượng quốc gia, nhấn mạnh ngày 14/1 được dự báo là ngày nguy hiểm nhất với gió rất mạnh, độ ẩm thấp và thảm thực vật khô, tạo ra điều kiện cháy rừng cực kỳ nguy hiểm.
Cơ quan chức năng đã triển khai thêm nhiều biện pháp phòng ngừa như huy động 70 xe chở nước bổ sung và rải chất chống cháy bằng máy bay để tạo rào chắn trên các sườn đồi.
Đến nay, các đám cháy Palisades và Eaton đã thiêu rụi hơn 160 km², với hơn 12.000 công trình bị thiêu hủy. Ít nhất 16 người đã thiệt mạng, trong đó 11 người do đám cháy Eaton và 5 người do đám cháy Palisades. Hơn 150.000 người đang phải sơ tán, trong khi các đội cứu hộ tiếp tục tìm kiếm 16 người mất tích.
Cơ quan chức năng Los Angeles cảnh báo con số thiệt hại về người có thể tăng lên khi các đội tìm kiếm hoàn tất việc rà soát khu vực. Chính quyền cũng đang thiết lập cơ sở dữ liệu trực tuyến để giúp cư dân kiểm tra tình trạng tài sản.
Gió Santa Ana, với sức mạnh và khô hạn đặc trưng, được cho là nguyên nhân chính khiến các vụ cháy rừng bùng phát dữ dội. Những ngọn gió này đã biến các đám cháy nhỏ thành "bão lửa", san bằng nhiều khu dân cư trong khu vực không có lượng mưa đáng kể suốt 8 tháng qua.
Nguy cơ tiếp tục gia tăng khi các khu vực Palisades và Hollywood Hills vẫn có những đám cháy đang hoạt động.
Theo ước tính từ AccuWeather, thiệt hại kinh tế từ các vụ cháy rừng tại California có thể dao động từ 135 tỷ đến 150 tỷ USD, có khả năng trở thành thảm họa thiên nhiên tốn kém nhất lịch sử Mỹ. Thống đốc California Gavin Newsom nhận định: "Quy mô và chi phí của thảm họa này là chưa từng có."
Hơn 14.000 nhân viên cứu hỏa, bao gồm lực lượng từ 9 bang khác và Mexico, đang tham gia nỗ lực dập lửa. Các biện pháp hỗ trợ như trung tâm cứu trợ, sơ tán an toàn và bảo vệ tài sản đã được triển khai. Lực lượng Vệ binh quốc gia của bang California cũng được huy động để ngăn chặn tình trạng cướp bóc tại các khu vực bị ảnh hưởng.
Trong bối cảnh này, nhà chức trách kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm ngặt các lệnh sơ tán và tránh xa khu vực nguy hiểm để giảm thiểu rủi ro.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin