08:51, 13/01/2025

Ấn Độ mở màn lễ hội lớn nhất hành tinh

Tại New Delhi, ngày 13/1, Lễ hội Mahakumbh Mela lớn nhất hành tinh đã bắt đầu diễn ra và kéo dài trong 45 ngày với sự tham gia của khoảng 450 triệu tín đồ đạo Hindu trong và ngoài Ấn Độ.

Các tín đồ đạo Hindu tham gia Lễ hội Mahakumbh Mela ở Prayagraj, Ấn Độ. Ảnh: ANI/TTXVN
Các tín đồ đạo Hindu tham gia Lễ hội Mahakumbh Mela ở Prayagraj, Ấn Độ. Ảnh: ANI/TTXVN


Nguồn gốc của lễ hội Mahakumbh Mela có thể bắt nguồn từ Kinh Vệ đà của đạo Hindu. Từ Kumbh dùng để chỉ chiếc bình chứa thuốc trường sinh bất tử. Theo thần thoại, tiên dược rớt xuống 4 địa điểm là Prayagraj, Haridwar, Nashik, Ujjain và khiến những nơi này trở thành địa điểm tổ chức lễ hội Kumbh Mela ngày nay.

Lễ hội linh thiêng Kumbh Mela được tổ chức 3 năm một lần. Mahakumbh Mela thu hút số lượng tín đồ lớn nhất và được cho là mang lại cho người tham gia những lợi ích về tinh thần. Họ cảm thấy như được xá tội và cứu rỗi khỏi vòng luân hồi sinh tử.

Trong lễ Kumbh Mela, những người sùng đạo từ nhiều giáo phái Hindu khác nhau (Akharas) tham gia các đám rước lớn và tham gia lễ Shahi Snaan bằng cách ngâm mình trong dòng sông thiêng để thanh lọc bản thân. Sự kiện này cũng thu hút hàng triệu người đến không chỉ để tham gia các nghi lễ mà còn để chứng kiến sự hiện diện của các vị thánh, nhà tu khổ hạnh và ẩn sĩ, thường thấy trong bộ áo choàng màu nghệ tây, bất chấp nhiệt độ sông gần như đóng băng.

Thành phố Prayagraj, bang Uttar Pradesh, miền Bắc Ấn Độ nằm ở ngã ba sông Ganga, Yamuna và Saraswati, đã khẩn trương chuẩn bị chu đáo cho cuộc hành hương mong đợi. Trải rộng trên diện tích khoảng 4.000 hecta đất và được chia thành 25 khu vực, Mahakumbh Mela năm nay được coi là rất tốt lành vì theo các nhà chiêm tinh, sẽ có một sự liên kết thiên thể hiếm hoi xảy ra sau 144 năm.

Các tín đồ đạo Hindu tham gia Lễ hội Mahakumbh Mela ở Prayagraj, Ấn Độ. Ảnh: ANI/TTXVN
Các tín đồ đạo Hindu tham gia Lễ hội Mahakumbh Mela ở Prayagraj, Ấn Độ. Ảnh: ANI/TTXVN


Ngay trước thềm Lễ hội, khoảng 150.000 lều bạt trải dài trên bờ cát sông Hằng hầu như chật kín những tín đồ, các vị thánh, những nhà tiên tri, những nhà tu khổ hạnh và "kalpavasis" (những tín đồ dành khoảng một tháng tại một trong 4 địa điểm linh thiêng và tuân theo một lối sống tôn giáo có kỷ luật). Những cây cầu phao và những con đường trải nhựa đông nghịt tín đồ, những người di chuyển liên tục suốt ngày đêm từ các vùng khác nhau của đất nước để đến tham gia Lễ hội.

Có hàng dài phương tiện bao gồm cả máy kéo chở đồ gia dụng của "kalpavasis" và những tín đồ khác trên những cây cầu và con đường này. Để đảm bảo các hoạt động diễn ra suôn sẻ, hệ thống điện mới đã được lắp đặt và chính quyền đã chi khoảng 765 triệu USD cho cơ sở hạ tầng phục vụ sự kiện. Lễ hội dự kiến sẽ tiêu thụ lượng điện tương đương với lượng điện mà 100.000 căn hộ đô thị sử dụng trong một tháng.

Ngành đường sắt Ấn Độ đã cung cấp 98 đoàn tàu đặc biệt, thực hiện 3.300 chuyến để vận chuyển du khách, bên cạnh các chuyến tàu hỏa thông thường. Chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ người hành hương. Mỗi khu vực đều có bệnh viện “dã chiến” với 20 giường bên cạnh bệnh viện trung ương để cung cấp các dịch vụ y tế nhanh chóng cho các tín đồ. Hơn 300 thợ lặn sâu đã đóng quân tại 50 điểm trên sông để kịp thời xử lý mọi trường hợp khẩn cấp trong các lễ tắm. Hơn 100 xe cứu thương đường bộ cùng 7 phương tiện cứu thương đường thủy cũng đã được triển khai ở khu vực diễn ra lễ hội.

Cảnh sát trưởng bang Uttar Pradesh Prashant Kumar cho biết hệ thống an ninh 7 lớp đã được triển khai với sự tham gia của lính biệt kích thuộc Lực lượng Bảo vệ An ninh Quốc gia (NSG) và nhân viên an ninh từ 70 quận huyện. Bên cạnh đó, bang này cũng đã sử dụng cả các chuyên gia về tội phạm mạng, cùng sự hỗ trợ của mạng lưới giám sát sử dụng trí tuệ nhân tạo. Thiết bị bay không người lái cũng đã được sử dụng ở khắp nơi để giám sát đám đông một cách hiệu quả.

Các tín đồ đạo Hindu tham gia Lễ hội Mahakumbh Mela ở Prayagraj, Ấn Độ. Ảnh: ANI/TTXVN
Các tín đồ đạo Hindu tham gia Lễ hội Mahakumbh Mela ở Prayagraj, Ấn Độ. Ảnh: ANI/TTXVN

Năm 2017, Lễ hội Kumbh Mela đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, củng cố ý nghĩa trên toàn cầu của lễ hội tôn giáo này. Kumbh Mela không chỉ là một sự kiện tôn giáo. Đây là một trải nghiệm văn hóa thu hút người dân từ mọi tầng lớp xã hội, trải qua nhiều thế hệ. Sự quy tụ của hàng trăm triệu người là một minh chứng cho lịch sử tôn giáo phong phú của Ấn Độ, các hoạt động tâm linh đa dạng và lòng sùng đạo của người dân Ấn Độ.

Theo TTXVN