Ngày càng nhiều người trẻ Hàn Quốc không hoạt động kinh tế, đang tạm nghỉ lao động vì những lý do không được chính phủ công nhận chính thức, chẳng hạn như nuôi con hoặc theo đuổi việc học.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Trường Giang/TTXVN) |
Ngày càng nhiều người trẻ Hàn Quốc không hoạt động kinh tế, đang tạm nghỉ lao động vì những lý do không được chính phủ công nhận chính thức, chẳng hạn như nuôi con hoặc theo đuổi việc học.
Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn số liệu từ Cục Thống kê Hàn Quốc công bố hôm 2/12 cho thấy số lượng người Hàn Quốc trong độ tuổi từ 25 đến 34 thuộc nhóm không tham gia thị trường lao động đã tăng đều đặn và đạt 422.000 người vào quý III/2024, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi nhóm trong độ tuổi lao động cốt lõi (từ 35 đến 59 tuổi) và những người từ 60 tuổi trở lên có ít thay đổi trong hoạt động kinh tế.
Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) hôm 2/12 cũng công bố báo cáo cho biết, trong khi các chỉ số việc làm quan trọng tiếp tục tăng mạnh mẽ tại Hàn Quốc, thì sự gia tăng đáng kể về số lượng cá nhân không hoạt động kinh tế trong nhóm dân số trẻ là điều đáng lo ngại.
Báo cáo cho biết, những người trẻ thường có trình độ học vấn cao hơn nhóm tuổi lao động chính và có nhiều khả năng lựa chọn công việc tự nguyện hơn.
Tuy nhiên, chất lượng việc làm đối với những cá nhân trẻ tuổi này lại suy giảm đáng kể so với mức trước đại dịch COVID-19, trong khi chất lượng việc làm của nhóm dân số trong độ tuổi lao động cốt lõi đã được cải thiện. Đó cũng là lý do khiến nhiều người trẻ rút lui khỏi thị trường lao động.
Bên cạnh đó, cùng với việc các công ty muốn tuyển dụng những ứng viên có kinh nghiệm, thì yếu tố kinh tế cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nghỉ việc không tự nguyện của người trẻ Hàn Quốc. Nhóm này chủ yếu được tuyển dụng bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ có ít hơn 300 nhân viên hoặc trong các ngành dịch vụ trực tiếp.
Báo cáo cảnh báo, tình trạng không tham gia hoạt động kinh tế kéo dài ở thanh thiếu niên có thể dẫn đến việc rút lui vĩnh viễn khỏi thị trường lao động hoặc chuyển sang tình trạng NEET (không học hành, không có việc làm hoặc không được đào tạo).
Điều này có nguy cơ làm suy yếu nguồn cung lao động trong tương lai, tạo nên gánh nặng cho xã hội. Do đó, chính phủ Hàn Quốc cần phải có các biện pháp chính sách để tái hòa nhập nhóm này vào thị trường lao động.
Điều này từng xảy ra ở Nhật Bản trước đây. Trong thời kỳ suy thoái kinh tế những năm 1990 và 2000, điều kiện việc làm cho những người trẻ tuổi ở Nhật Bản đã xấu đi, khiến nhiều thanh niên không đi làm.
Sự gia tăng của những người trẻ tuổi NEET trong giai đoạn đó dần dần chuyển thành sự gia tăng của những cá nhân NEET thuộc nhóm dân số cốt lõi trong độ tuổi lao động của vài năm sau đó, khiến chính phủ phải mở rộng chính sách hỗ trợ cho những người ở độ tuổi lên đến 49.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin