23:49, 26/09/2024

Châu Phi kỳ vọng phát triển nhanh và bền vững với sự hỗ trợ của LHQ

Tại cuộc Khóa họp thứ 79, Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), các nhà lãnh đạo các quốc gia châu Phi mong muốn LHQ sẽ giúp họ tiến nhanh hơn, an toàn hơn trên con đường phát triển bền vững.

Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo phát biểu tại phiên thảo luận chung trong Khóa họp thứ 79 của Đại hội đồng LHQ ở New York (Mỹ), ngày 24/9. (Ảnh: THXTTXVN)
Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo phát biểu tại phiên thảo luận chung trong Khóa họp thứ 79 của Đại hội đồng LHQ ở New York (Mỹ), ngày 24/9. (Ảnh: THXTTXVN)

Ngày 25/9, các nhà lãnh đạo các quốc gia châu Phi đã bày tỏ mong muốn Liên hợp quốc sẽ giúp các quốc gia của họ tiến nhanh hơn và an toàn hơn trên con đường phát triển bền vững.

Tại phiên thảo luận chung trong Khóa họp thứ 79 của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo nêu rõ: "Châu Phi không phải là một châu lục tuyệt vọng. Châu Phi có rất nhiều khả năng. Tuy nhiên, châu Phi cần một lộ trình phát triển mới. Dân số trẻ của chúng tôi tràn đầy năng lượng, sự sáng tạo và tham vọng... Người dân châu Phi không cầu xin sự giúp đỡ, họ đang đòi hỏi những cơ hội trong một kiến trúc toàn cầu mới để họ có thể tiếp cận với giáo dục, chăm sóc sức khỏe và việc làm, cũng như xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn."

Dù vậy, Tổng thống Addo cho rằng các quốc gia châu Phi cũng phải chịu trách nhiệm về an ninh của mình và Liên minh châu Phi (AU) cần phải tự củng cố để có thể phản ứng nhanh chóng với các mối đe dọa.

Trong bối cảnh những thách thức an ninh đang leo thang ở khu vực Tây Phi bao gồm chủ nghĩa khủng bố, bất ổn kinh tế và chính trị, Tổng thống Liberia Joseph Boakai nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực hợp tác nhằm thúc đẩy sự ổn định và hòa bình trong khu vực và toàn cầu.

Ông lưu ý thêm rằng các quốc gia thành viên phải ủng hộ mọi nỗ lực của Liên hợp quốc nhằm giải quyết các vấn đề hòa bình và an ninh trên toàn thế giới.

Đại diện các quốc gia châu Phi cũng kêu gọi xây dựng lại lòng tin vào chủ nghĩa đa phương trên nguyên tắc bình đẳng; thúc đẩy nỗ lực ngăn chặn xung đột, đói nghèo, bất công và bất bình đẳng toàn cầu; phát triển năng lượng bền vững, chống biến đổi khí hậu; chuyển giao công nghệ cho các công ty châu Phi; cải cách hệ thống tài chính quốc tế để giải quyết tình trạng một số quốc gia dễ bị tổn thương,…

Trong khi đó, Chủ tịch Khóa họp thứ 79 của Đại hội đồng Liên hợp quốc Philemon Yang nhấn mạnh: "Chúng ta không được để lỡ tiềm năng của châu Phi. Trên thực tế, để thực sự giải phóng tiềm năng to lớn của châu lục này, chúng ta phải tích cực vun đắp các quan hệ đối tác toàn cầu phù hợp với nguyện vọng của châu lục và thúc đẩy sự thành công của châu Phi. Trong nỗ lực này, tôi mong muốn được hợp tác với tất cả các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc trong năm nay để đưa châu Phi vào trọng tâm chương trình nghị sự."

Chương trình nghị sự 2063 của AU đưa ra một tầm nhìn táo bạo và mang tính chuyển đổi cho lục địa này. Châu Phi hiện có dân số trẻ nhất thế giới. Và đến năm 2063, cứ 4 người sẽ có 1 người là người châu Phi. Tuy nhiên, việc tạo ra các nguồn lực cho phúc lợi của những người dân này hiện tại đang chậm hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng dân số.

Cũng trong phiên họp lần thứ 79 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Phó Tổng thống Nigeria Kashim Shettima nhấn mạnh rằng Hội đồng Bảo an cần mở rộng và châu Phi xứng đáng có một vị trí trong danh sách thành viên thường trực của hội đồng này.

Theo ông, điều đó phải đi kèm với các quyền và trách nhiệm như các thành viên thường trực khác, đặc biệt là quyền phủ quyết.

Hiện tại, Hội đồng Bảo an có 5 thành viên thường trực bao gồm Mỹ, Vương quốc Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Tất cả đều có quyền phủ quyết đối với bất kỳ nghị quyết nào của Hội đồng.

Đầu tháng Chín này, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết Washington sẽ ủng hộ việc thành lập thêm hai ghế thường trực cho các quốc gia châu Phi tại Hội đồng Bảo an, tuy nhiên, những nước mới tham gia sẽ không có quyền phủ quyết.

Theo TTXVN