Đặc phái viên Trung Quốc Li Hui đã rời Kiev với cam kết hợp tác, song theo các nhà quan sát có rất ít chi tiết về kế hoạch ngừng bắn trong chuyến đi kiến tạo hòa bình này.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đặc phái viên Li Hui đã “xây dựng quan điểm của Trung Quốc về một giải pháp chính trị” cho cuộc xung đột ở Ukraine. Ảnh: EPA-EFE |
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Đặc phái viên của Trung Quốc về các vấn đề Á - Âu Li Hui cho biết Bắc Kinh và Kiev sẽ tiếp tục nỗ lực hợp tác vì lợi ích chung, sau khi ông kết thúc chuyến thăm 2 ngày tới Ukraine, một phần trong nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong cuộc gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Li đã trình bày chi tiết về quan điểm của Trung Quốc về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Tuyên bố cho biết ông Li kêu gọi: “Hai bên tham chiến cần bắt đầu từ chính họ, xây dựng lòng tin lẫn nhau, tạo điều kiện để chấm dứt chiến sự và đối thoại. Bắc Kinh sẵn sàng nỗ lực để thúc đẩy một lệnh ngừng bắn”.
Tuy nhiên, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc không đề cập đến việc đề xuất hòa bình của Bắc Kinh đã được Kiev đón nhận như thế nào.
Trong các cuộc họp hôm 16 – 17/5, ông Li cũng đã gặp gỡ các quan chức cấp cao khác của Ukraine – bao gồm Chánh Văn phòng Tổng thống Andriy Yermak, Bộ trưởng Ngoại giao Dmytro Kuleba, và người đứng đầu bộ phận cơ sở hạ tầng, năng lượng và quốc phòng.
“Trong các cuộc gặp, hai bên đã trao đổi quan điểm về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine và quan hệ Trung Quốc - Ukraine”, tuyên bố của Trung Quốc cho biết.
Bắc Kinh và Kiev cũng đồng ý hợp tác để tiếp tục truyền thống tôn trọng lẫn nhau và đối xử chân thành giữa hai bên, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác cùng có lợi cùng đi lên.
Kiev là điểm dừng chân đầu tiên của ông Li. Với chuyến thăm đáng chú ý này, ông Li là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc tới Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra vào tháng 2/2022. Ông Li là nhà ngoại giao quen thuộc đối với Nga. Vị quan chức này từng làm việc tại Vụ Liên Xô và Đông Âu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ năm 1975, đã có 10 năm ở Nga - từ 2009 đến 2019 - với tư cách là Đại sứ và thông thạo tiếng Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trao tặng Huân chương Hữu nghị cho vị Đại sứ này vào năm 2019. Ông Li từng là người đứng đầu các vấn đề Đông Âu và Trung Á ở Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Ông Li được bổ nhiệm làm đặc phái viên hòa bình tại Ukraine sau cuộc điện đàm được mong đợi từ lâu giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Zelensky vào 3 tuần trước.
Chuyến thăm Kiev của đặc phái viên Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh có nhiều đồn đoán cho rằng Ukraine đang thúc đẩy các cuộc phản công nhằm vào lực lượng Nga. Theo ông Serhiy Popko, người đứng đầu chính quyền dân sự và quân sự của Kiev, hôm 16/5, Ukraine đã bắn hạ tất cả 6 tên lửa Kinzhal - vũ khí siêu vượt âm mạnh nhất của Nga - được phóng vào thủ đô trong một cuộc tấn công dữ dội vào ban đêm.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu bác tuyên bố của các quan chức quân đội Ukraine. Ông Shoigu khẳng định Ukraine thường phóng đại hiệu quả hệ thống phòng không nước này khi đưa ra các tuyên bố bắn hạ tên lửa của Nga.
“Chúng tôi không phóng nhiều tên lửa Kinzhal như họ cáo buộc đã bắn hạ. Số lượng 'các vụ đánh chặn' mà Ukraine tuyên bố vượt quá số lần phóng của chúng tôi”, Bộ trưởng Quốc phòng Nga nói.
Hôm 18/5, Ukraine cáo buộc Nga đã tiến hành loạt cuộc không kích “chưa từng có” khác tấn công thủ đô và các khu vực khác của nước này, sau một thỏa thuận gia hạn xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen hôm 17/5.
Đáp lại, Ukraine cho biết lực lượng phòng không của họ đã bắn hạ 29 trong số 30 tên lửa hành trình của Nga được phóng trong đêm.
“Một loạt các cuộc không kích vào Kiev, chưa từng có về sức mạnh, cường độ và tính đa dạng, vẫn tiếp diễn,” ông Popko nói và cho biết thêm ằng không có thương vong nào được báo cáo ở thủ đô.
Phía Nga chưa bình luận về thông tin trên.
Trong tuyên bố hôm 17/5, Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết Ngoại trưởng Kuleba đã nói với ông Li rằng Kiev sẽ không chấp nhận bất kỳ đề xuất nào nhằm chấm dứt xung liên quan đến việc để mất lãnh thổ hoặc đóng băng xung đột.
“Ông Kuleba đã thông báo chi tiết cho đặc phái viên của Chính phủ Trung Quốc về các nguyên tắc khôi phục hòa bình bền vững và công bằng dựa trên sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine,” Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết.
Tuyên bố của Trung Quốc không nói rõ liệu việc đóng băng cuộc xung đột có phải là một phần trong các đề xuất của ông Li trong cuộc gặp với giới chức Ukraine hay không. Thay vào đó, Trung Quốc cho biết Ukraine “hoan nghênh vai trò tích cực của Bắc Kinh trong việc chấm dứt chiến tranh và khôi phục hòa bình”.
Theo Bộ Ngoại giao Ba Lan, ông Li dự kiến đến thăm Warsaw vào ngày 18/5 và ở lại cho đến ngày 21/5. Các nguồn tin cho biết ông Li cũng sẽ gặp các quan chức Liên minh châu Âu tại Brussels vào tuần tới.
Brussels không có trong lịch trình của ông Li khi Bắc Kinh công bố chuyến công du kiến tạo hòa bình của ông tới châu Âu, bao gồm cả các điểm dừng chân ở Pháp, Đức và Nga.
Về phần mình, Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng Moskva đánh giá cao mong muốn chân thành của Trung Quốc trong việc đóng góp vào việc giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở Ukraine. Điện Kremlin đã nhiều lần nhấn mạnh sẽ sẵn sàng đàm phán.
“Chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố rằng Nga có thể đạt được các mục tiêu bằng nhiều cách khác nhau – thông qua chính trị và ngoại giao, hoặc nếu chính trị và ngoại giao hiện không thể thực hiện được, và trong trường hợp của Ukraine, thật không may, chúng không thể thông qua con đường quân sự, tức là thông qua một chiến dịch quân sự đặc biệt”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin