Việc kết thúc điều khoản 42 không đồng nghĩa với việc mở cửa biên giới, mà chính quyền Mỹ sẽ chuyển sang áp dụng điều khoản 8, theo đó cho phép người di cư được phép nộp đơn xin tị nạn.
Việc kết thúc điều khoản 42 không đồng nghĩa với việc mở cửa biên giới, mà chính quyền Mỹ sẽ chuyển sang áp dụng điều khoản 8, theo đó cho phép người di cư được phép nộp đơn xin tị nạn.
Theo phóng viên TTXVN tại thủ đô Washington, ngày 19/12, chính quyền Mỹ thông báo nước này sẽ không mở cửa biên giới phía Nam, mặc dù chính sách nhập cư theo điều khoản 42 sẽ kết thúc trong những ngày tới.
Chính sách quản lý biên giới theo điều khoản 42 được đưa ra dưới thời Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ bị bãi bỏ vào ngày 21/12, sau phán quyết của một thẩm phán liên bang.
Chính sách này đã cho phép chính quyền ngăn chặn những người di cư xin tị nạn vào Mỹ trong thời kỳ đại dịch COVID-19 do tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.
Sự kết thúc của chính sách này gần đây đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng di cư vào Mỹ.
Theo Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre, trên thực tế việc kết thúc điều khoản 42 không đồng nghĩa với việc mở cửa biên giới, mà chính quyền Mỹ sẽ chuyển sang áp dụng điều khoản 8, theo đó cho phép người di cư được phép nộp đơn xin tị nạn.
Nhà Trắng hiện đang đề nghị Quốc hội Mỹ tài trợ 3,5 tỷ USD để giúp giải quyết tình hình ở biên giới phía Nam, trong đó có việc thuê thêm 300 nhân viên tuần tra biên giới và bổ sung cơ sở vật chất cho Lực lượng Tuần tra Biên giới.
Ngoài ra, Nhà Trắng muốn Quốc hội Mỹ cấp thêm ngân sách để rút ngắn thời gian xử lý các đơn xin tị nạn, nâng cấp các công nghệ giám sát, đồng thời tăng cường hỗ trợ cho các thị trấn biên giới.
Chính quyền Mỹ cũng muốn nâng cao khả năng vận chuyển trên không và mặt đất để xử lý và thực thi việc kiểm soát biên giới.
Theo TTXVN