Sau khi cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel tiết lộ Thỏa thuận Minsk vốn được thiết lập như một cái bẫy dành cho Moskva, tiếp tục xuất hiện những thông tin đáng lo ngại về sự can dự của NATO vào xung đột Ukraine.
Sau khi cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel tiết lộ Thỏa thuận Minsk vốn được thiết lập như một cái bẫy dành cho Moskva, tiếp tục xuất hiện những thông tin đáng lo ngại về sự can dự của NATO vào xung đột Ukraine.
Một số nhân vật trong cuộc cho hay khối quân sự NATO được cho là đã quyết định chính thức tham gia cuộc xung đột với Nga trong vài tuần hoặc thậm chí vài ngày tới.
Theo báo Pravda của Nga, những thông tin này do các quan chức của Bộ Quốc phòng Ba Lan, Bộ Chỉ huy liên minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), các sĩ quan của quân đội Pháp và Bộ Quốc phòng Ukraine tiết lộ.
Nhà làm phim tài liệu nổi tiếng Boris Karpov, tác giả của kênh Chronicles of Russia trên Telegram, cũng đã bày tỏ quan điểm về vấn đề này trên một bài báo đăng trên trang Rusreinfo.
Theo ông, NATO đang lo ngại Nga sẽ phát động một cuộc tổng tấn công nhắm vào quân đội Ukraine, không chỉ ở Donbass mà còn ở các vùng lãnh thổ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Kiev. Giới lãnh đạo NATO thậm chí còn nghi ngờ các đơn vị Nga đóng quân gần biên giới Belarus - Ukraine có thể tấn công những vùng lãnh thổ đó.
"NATO luôn khẳng định rất rõ ràng: Ukraine không được phép thua. Vì vậy, giải pháp duy nhất cho Washington là triển khai quân đội của NATO ở Ukraine với hy vọng rằng điều này sẽ ngăn chặn cuộc tấn công của Nga. Họ hy vọng rằng ông Vladimir Putin sẽ không muốn đối đầu trực tiếp với NATO cùng với những hậu quả (hạt nhân) có thể xảy ra, và do đó sẽ quyết định rút lui”, ông Karpov viết.
Tuy nhiên, tác giả này cũng tin rằng bất chấp những luận điệu hiếu chiến, khả năng NATO can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine là khó xảy ra vì một số lý do. Một mặt, NATO đang đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược và khí tài trong bối cảnh liên tục gửi đi các lô vũ khí khổng lồ tới Ukraine. Mặt khác, đa số người dân châu Âu không sẵn sàng ủng hộ chiến tranh, vì giờ đây họ quan tâm nhiều hơn đến sự sống còn của bản thân trong cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông.
Người trong cuộc ở Pháp nói gì?
Quân đội Pháp hiện được chia thành ba nhóm: những sĩ quan hiếu chiến chưa bao giờ chứng kiến cận cảnh một cuộc chiến; những người muốn giữ thái độ trung lập vì muốn để quân đội Pháp bảo vệ lợi ích của nước Pháp; những người tin rằng cuộc xung đột này không liên quan đến người Pháp và họ không cần phải can thiệp vào nó.
Trong khi đó, các cuộc tập trận cường độ cao chuẩn bị cho nguy cơ nổ ra chiến tranh đã diễn ra ở Pháp từ tháng 3. Lúc đầu, chúng được tổ chức tại các căn cứ nằm gần những khu dân cư thưa thớt ở miền Trung nước này. Hiện nay, quân đội Pháp đang thực hành các kỹ năng chiến đấu trong điều kiện đô thị.
Về việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố muốn kết thúc cuộc xung đột Nga - Ukraine bằng các cuộc đàm phán hòa bình, các sĩ quan Pháp cho rằng đây chỉ là biện pháp đánh lạc hướng để Mỹ và châu Âu có thời gian bổ sung kho vũ khí của họ.
Thật vậy, những phát biểu của cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel gần đây đã cho mọi người thấy rõ rằng NATO không quan tâm đến các cuộc đàm phán hòa bình. Trả lời phỏng vấn tờ Die Zeit tuần trước, nữ chính trị gia này thú nhận Thỏa thuận Minsk vốn được thiết lập như một cái bẫy dành cho Moskva. Không bên nào tuân theo những quy chế đó, mà mục đích thực sự của họ là kéo dành thời gian để củng cố tiềm lực cho Ukraine.
Tuy vậy, không thể phủ nhận rằng dựa trên tình hình thực tiễn hiện nay, các chính phủ châu Âu và Mỹ đều muốn tránh bị lôi kéo vào cuộc chiến này khi khủng hoảng kinh tế trong nước đang gia tăng.
Tình trạng chiến tranh sẽ dẫn đến việc áp dụng thiết quân luật và kiểm soát toàn diện dân chúng, khiến mọi người đều phải đối mặt với rắc rối và nguy hiểm.
Nguy cơ chiến tranh Nga - NATO
Các nhà khoa học chính trị đã đưa ra hai kịch bản cho vấn đề này. Việc NATO tham chiến sẽ ngay lập tức buộc Moskva phải đầu hàng vì sợ hãi. Khi đó, các nước phương Tây sẽ giành được quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên của nước Nga, đe đọa vị thế của Điện Kremlin trên trường quốc tế.
Thứ hai, bất chấp những gì phương Tây cố gắng theo đuổi, không có lý do gì để các lực lượng của Nga chịu rút lui nếu như NATO triển khai quân ở Ukraine. Đây là một kịch bản rất nguy hiểm và chính quyền liên minh hiểu rõ điều đó.
Theo TTXVN