11:11, 04/11/2022

Quan chức Mỹ muốn Trung Quốc, Nga gây ảnh hưởng để Triều Tiên không thử hạt nhân

Trung Quốc và Nga có ảnh hưởng để thuyết phục Triều Tiên không tiếp tục thử bom hạt nhân.
 

Trung Quốc và Nga có ảnh hưởng để thuyết phục Triều Tiên không tiếp tục thử bom hạt nhân.

Một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa kiểu mới tại một địa điểm không xác định ở Triều Tiên, ngày 24/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa kiểu mới tại một địa điểm không xác định ở Triều Tiên, ngày 24/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng tin Reuters ngày 4/11, nhận định trên do một quan chức cấp cao giấu tên của chính quyền Mỹ đưa ra.
 
Theo quan chức này, mặc dù từ tháng 5, Mỹ luôn cho rằng Triều Tiên đang chuẩn bị tiếp tục thử hạt nhân lần đầu tiên kể từ năm 2017, nhưng vẫn chưa rõ khi nào nước này có thể tiến hành vụ thử như vậy.
 
Quan chức Mỹ nói: “Chúng tôi nghĩ rằng Triều Tiên đang tính toán xem các nước khác trong khu vực, đặc biệt là Nga và Trung Quốc, sẽ phản ứng ở mức độ nào. Và tôi nghĩ rằng thái độ của Nga và Trung Quốc có ảnh hưởng đến họ”.
 
Bình luận trên được đưa ra sau khi Mỹ đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhóm họp công khai để thảo luận về Triều Tiên vào ngày 4/11 sau khi Triều Tiên phóng hàng loạt tên lửa, trong đó có tên lửa mà Lầu Năm Góc cho là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
 
Triều Tiên đã bị Hội đồng Bảo an cấm tiến hành các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo.
 
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Hội đồng Bảo an đã bị chia rẽ về cách phản ứng với Triều Tiên. Mặc dù cả Nga và Trung Quốc đều ủng hộ các lệnh trừng phạt cứng rắn sau vụ thử hạt nhân gần đây nhất của Triều Tiên, nhưng vào tháng 5, họ đã phủ quyết nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm áp đặt thêm lệnh trừng phạt sau các vụ phóng tên lửa đạn đạo mới của Triều Tiên.
 
Quan chức Mỹ nói trên cho rằng Triều Tiên có thể đã trì hoãn thử hạt nhân vì Trung Quốc và vì đợt dịch COVID-19 tại Triều Tiên vào tháng 5 và tháng 6.
 
Ông này cho rằng dịch COVID-19 đã khiến Triều Tiên tập trung hành động theo hướng để được Trung Quốc hỗ trợ. Ông nói: “Trung Quốc và Nga từ lâu đã phản đối chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Vì vậy, chúng tôi tin rằng và kỳ vọng rằng họ sẽ sử dụng ảnh hưởng mà họ có để cố gắng khiến Triều Tiên không tiến hành một vụ thử hạt nhân”.
 
Nhắc lại lời kêu gọi Triều Tiên nối lại đối thoại với Mỹ, quan chức này cho biết Mỹ đã sẵn sàng can dự trực tiếp với Triều Tiên và thảo luận về hỗ trợ nhân đạo.
 
Ông cũng bác bỏ khi một số chuyên gia về Triều Tiên ngày càng kêu gọi Mỹ công nhận Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân. Ông nói: “Một loạt nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thể hiện tinh thần đồng thuận toàn cầu cực kỳ mạnh mẽ rằng Triều Tiên không nên và không được trở thành một quốc gia hạt nhân. Không có quốc gia nào kêu gọi điều này... và tôi nghĩ hậu quả của việc thay đổi chính sách sẽ là rất tiêu cực”.
 
Trong khi đó, riêng trong các ngày 2 và 3/11, Triều Tiên đã phóng tổng cộng 26 tên lửa ra các vùng biển phía Đông và phía Tây nước này. Trong số các tên lửa được phóng đi có 1 tên lửa rơi gần lãnh hải Hàn Quốc và 1 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mà phía Hàn Quốc cho là Hwasong-17. Đây là vụ phóng ICBM thứ 7 của Triều Tiên kể từ đầu năm đến nay.
 
Sau các vụ phóng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Hàn Quốc Lee Jong-sup đã hội đàm tại Lầu Năm Góc, trong đó hai bên bày tỏ quan ngại về nỗ lực phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Hai bộ trưởng quốc phòng đã quyết định kéo dài các cuộc tập trận chung mang tên Vigilant Storm. Ông Austin kêu gọi Triều Tiên ngừng các vụ thử tên lửa và bắt đầu đối thoại. Bộ trưởng Austin cũng nhắc lại cam kết của Mỹ về cung cấp khả năng răn đe mở rộng cho Hàn Quốc bằng cách sử dụng đầy đủ các khả năng phòng thủ của Mỹ.
 
Theo TTXVN