12:10, 29/10/2021

Hàn Quốc chuyển sang chung sống với Covid-19

Ngày 29/10, Hàn Quốc thông báo sẽ dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế thời gian hoạt động của các nhà hàng, quán cà-phê và yêu cầu xuất trình "thẻ vaccine" tại các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao như phòng tập thể hình, quán bar.

Ngày 29/10, Hàn Quốc thông báo sẽ dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế thời gian hoạt động của các nhà hàng, quán cà-phê và yêu cầu xuất trình "thẻ vaccine" tại các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao như phòng tập thể hình, quán bar.
 
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Hàn Quốc đang nỗ lực chung sống với Covid-19. Hiện số ca mắc mới tại Hàn Quốc vẫn ở mức cao song thấp hơn những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh. Đáng chú ý, Hàn Quốc đang ghi nhận tỷ lệ người mắc Covid-19 thể nặng và tử vong ở mức thấp. 
 

 

Thủ đô Seoul đang dần trở lại nhịp sống bình thường. (Ảnh: Reuters)
Thủ đô Seoul đang dần trở lại nhịp sống bình thường. (Ảnh: Reuters)
 
Tuần trước, Hàn Quốc đã đạt mục tiêu tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho 70% trong 52 triệu dân, tiêu chí mở đường cho kế hoạch đưa cuộc sống trở lại bình thường. Đến nay, 72% dân số Hàn Quốc đã tiêm phòng đầy đủ, gần 80% dân số đã tiêm ít nhất một liều. 
 
Dù chưa từng triển khai biện pháp phong tỏa hoàn toàn đất nước, nhưng kể từ khi bước vào làn sóng Covid-19 thứ tư, Chính phủ Hàn Quốc đã áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt về tụ tập và giãn cách xã hội.
 
Giai đoạn đầu tiên trong kế hoạch sống chung với Covid-19 của Hàn Quốc bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/11 và kéo dài trong một tháng.
 
Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA) và giới chuyên gia cảnh báo thời điểm chuyển sang kế hoạch mới có thể chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng. Nhà chức trách cho biết sẽ tập trung vào tỷ lệ nhập viện và tử vong hơn là số ca mắc mới, đồng thời mở rộng cơ chế tự điều trị cho những người có triệu chứng mắc bệnh nhẹ. 
 
Kể từ khi đại dịch bùng phát, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 360.536 ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 2.800 trường hợp tử vong.
 
Liên quan đến vaccine ngừa Covid-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo cần huy động hơn 23 tỷ USD trong 12 tháng tới mới có thể thực hiện hiệu quả Chương trình hợp tác toàn cầu tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với đại dịch Covid-19 (ACT-Accelerator). Chương trình này nhằm phát triển, sản xuất, mua sắm và phân phối các công cụ (như vaccine) để chống dịch Covid-19, qua đó góp phần chống tình trạng bất bình đẳng trong quá trình triển khai các vấn đề trên trên toàn cầu. Theo WHO, việc thực hiện kế hoạch này có thể giúp ngăn chặn ít nhất 5 triệu ca mắc mới.
 
 
EU là một trong những khu vực có độ phủ vaccine cao nhất thế giới. (Ảnh: Reuters)
EU là một trong những khu vực có độ phủ vaccine cao nhất thế giới. (Ảnh: Reuters)
 
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 28/10 thông báo, Liên minh châu Âu (EU) sẽ sản xuất hơn 3,5 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 trong năm 2022. Phần lớn số vaccine này sẽ được chuyển ra nước ngoài.
 
Theo một nghiên cứu của Anh, biến thể Delta có thể lây lan dễ dàng từ những người đã tiêm chủng sang những người sống cùng nhà mà họ tiếp xúc. Tuy nhiên, những người này ít có nguy cơ bị nhiễm virus hơn nếu họ đã tiêm chủng. 
 
Nghiên cứu của Đại học Imperial College London cho thấy biến thể Delta có khả năng lây nhiễm như thế nào trong nhóm đối tượng đã tiêm chủng. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh biến thể này không làm suy yếu quan điểm cho rằng tiêm vaccine là cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc Covid-19 thể nặng, đồng thời khuyến cáo nên tiêm liều tăng cường. 
 
Nghiên cứu này nhận thấy, khi mắc Covid-19, người đã tiêm chủng sẽ phục hồi nhanh hơn, tuy nhiên tải lượng virus tối đa vẫn tương đương với người chưa tiêm chủng. 
 
Theo TTXVN