Tiếng búa đục lốc cốc, tiếng bào xoèn xoẹt hòa lẫn tiếng máy chà nhám chạy rè rè... là những âm thanh quen thuộc ở các xưởng đồ gỗ đã qua sử dụng nơi phố biển Nha Trang. Qua bàn tay của người thợ, những món đồ gỗ cũ tưởng chừng bỏ đi đã được hồi sinh.
Tìm ký ức trong từng món đồ
Mới sáng sớm, xưởng đồ gỗ xưa Vân Anh (404/12 Lê Hồng Phong, phường Phước Long) đã rộn tiếng máy. Trong ánh sáng lờ mờ của đèn vàng, len lỏi qua những ngổn ngang ghế đẩu, ghế đai, là những tranh khảm trai, tủ chè... được phục hồi và sơn mờ như mới. Đang lục lọi món đồ mà khách cần, người đàn ông còn khá trẻ ngước lên chào hỏi và giới thiệu về mình: “Em tên Đường Văn Điệp, quê Ninh Hòa. Trước khi bén duyên với công việc phục hồi đồ gỗ cũ em đã có nhiều năm theo cha làm thợ mộc” - anh Điệp chia sẻ.
Với anh Điệp, mỗi chiếc ghế, tủ gỗ không đơn thuần là vật dụng, mà còn là một phần của ký ức, lưu giữ những câu chuyện cũ. Những đồ gỗ được phục chế có tuổi đời từ 50 đến 100 năm. Trong từng thớ gỗ như còn lưu lại những kỷ niệm của cả một đời người. Mỗi họa tiết, mỗi đường chỉ trên từng món đồ đều được trân trọng. Đó là mồ hôi, công sức và cả sự tài hoa của lớp thợ đi trước.
![]() |
Những món đồ gỗ bỏ đi đang được các thợ mộc phục hồi. |
Không biết từ bao giờ ở Nha Trang xuất hiện nghề thu mua đồ nội thất cũ bằng gỗ rồi sửa chữa, phục hồi thành những sản phẩm như mới. Có gia đình 3 thế hệ mưu sinh với công việc này. Những chiếc bàn, ghế, giường, tủ và nhiều đồ dùng bằng gỗ khác đã cũ, bị vứt bỏ được các cơ sở thu gom, rồi những người thợ tỉ mẩn, khéo léo mài giũa, sửa chữa, biến chúng trở thành những vật dụng như mới tiếp tục có ích trong cuộc sống.
Đứng giữa những món đồ vừa được phục chế, chị Nguyễn Thị Hậu (vợ anh Điệp, quê ở thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh) hồ hởi chia sẻ: "Công việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và cả tình yêu với gỗ. Mỗi món đồ gỗ cũ đều mang trong mình một câu chuyện, một ký ức. Việc phục chế chúng không chỉ là công việc, mà còn là cách để những người thợ trân trọng quá khứ. Nhà tôi có truyền thống mấy đời làm thợ mộc nên hiểu giá trị của từng món đồ”.
Theo chị Hậu, trong nhịp sống hối hả, sự phát triển của những mặt hàng công nghiệp khiến những vật dụng bằng gỗ cũ kỹ bị bỏ đi ngày càng nhiều. Nếu biết làm mới, những đồ này có giá trị gấp nhiều lần bởi ở đó còn chứa đựng những giá trị khác về văn hóa, tinh thần. “Nhìn những món đồ được phục hồi để sử dụng lại, ký ức từ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước lại ùa về. Từ những mẫu tủ buffet chân thuyền, hay những bộ salon thùng băng dài đều gắn liền với một giai đoạn lịch sử, một thời đã xa” - chị Hậu tâm sự.
Gìn giữ văn hóa trong từng thớ gỗ
Nghề phục hồi đồ gỗ không chỉ đơn thuần là phục chế vật dụng, những người thợ còn tâm niệm đó là gìn giữ, bảo tồn những nét văn hóa, hoa văn truyền thống. Nhiều món đồ có họa tiết, hoa văn độc đáo, phản ánh văn hóa của một thời kỳ, một vùng đất. Anh Hoàng Ngọc Huy (cơ sở đồ gỗ cũ, ở đường Bến Cá, chợ Đầm) cho hay: "Khi phục chế một món đồ gỗ cũ, điều quan trọng nhất là phải giữ nguyên những nét hoa văn, họa tiết nguyên bản. Đó là linh hồn của món đồ, là dấu ấn của thời gian. Nếu người thợ thay đổi hoặc làm mất đi những chi tiết đó, món đồ sẽ mất đi giá trị văn hóa".
![]() |
Người thợ sửa lại đồ gỗ xưa cần phải có sự am hiểu về từng món đồ. |
Anh Huy cho biết, để làm được điều này, người thợ mộc phải có kiến thức về lịch sử, văn hóa, các loại hoa văn truyền thống. Họ phải tỉ mỉ nghiên cứu, tìm hiểu từng chi tiết và sử dụng những kỹ thuật thủ công truyền thống để phục chế một cách chính xác nhất. "Nhiều món đồ gỗ cũ có những hoa văn rất phức tạp, đòi hỏi sự khéo léo của người thợ. Đôi khi, chúng tôi phải mất hằng tuần, thậm chí hằng tháng để phục chế một chi tiết nhỏ. Chẳng hạn, cũng là tủ buffet nhưng thợ Nha Trang, Tuy Hòa sẽ đóng khác nhau. Với thợ Nha Trang, các loại tủ luôn được đóng với chân hình thuyền, trang trí thêm hoa văn cá và tay cầm là những chú chim nhỏ xinh. Công phu hơn, những sản phẩm của thợ mộc Phú Yên sẽ được bố trí rất nhiều chỉ và các họa tiết đi kèm" - anh Huy nói.
Những người thợ mộc ở Nha Trang không chỉ phục chế đồ gỗ của người dân địa phương, mà còn phục chế những món đồ gỗ cũ từ khắp nơi trên cả nước. Qua bàn tay của họ, những món đồ cũ có một diện mạo mới để tiếp tục phục vụ đời sống. Sự hồi sinh này cũng chính là gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa, kỹ năng nghề mộc truyền thống cho thế hệ sau. Ông Trần Văn Bình (xưởng mộc ở thôn Phước Thượng, xã Phước Đồng, Nha Trang), có kinh nghiệm chế tác đồ gỗ hơn 2 thập kỷ cho rằng, nét khác biệt nhất giữa đồ gỗ cũ và mới là nét mộc. Nét mộc của đồ gỗ cũ được làm thủ công, các chi tiết rất có hồn, sắc sảo và độc nhất vô nhị. Ngoài ra, kỹ thuật chế tác gỗ ngày xưa là phương pháp truyền thống đóng mộng (ghép nối các mảnh gỗ với nhau) tạo nên sự chắc chắn, bền bỉ và tối kỵ đóng đinh, bắt vít như hiện nay. “Nghề này ngoài sự đam mê, yêu thích thì thợ mộc cần có kiến thức, am hiểu về lịch sử, tuổi đời, loại gỗ của các món đồ. Chúng tôi tự hào vì đã góp phần gìn giữ những nét văn hóa, hoa văn truyền thống của dân tộc. Mỗi món đồ gỗ sau khi được phục chế không chỉ là một vật dụng, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật, lưu giữ những hoa văn, kỹ thuật làm mộc của các thế hệ đi trước” - ông Bình chia sẻ.
Tiết kiệm tài nguyên
Với xu hướng sống xanh và bảo vệ môi trường, việc tái chế đồ gỗ vì thế ngày càng được ưa chuộng. Giữa không gian nhộn nhịp của phố phường Nha Trang, chúng ta vẫn bắt gặp ở đâu đó trong các quán ăn, quán cà phê được bài trí hoàn toàn bằng những món đồ gỗ phục chế. Ở đó như có sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, khiến cho những món đồ cũ trở nên ý nghĩa hơn. Những người thợ mộc phục hồi những món đồ cũ đã gián tiếp bảo vệ rừng xanh và tiết kiệm tài nguyên. Anh Nguyễn Đức Phú (thợ chính xưởng đồ gỗ xưa Vân Anh, quê ở Vạn Ninh) tự hào nói: "Mỗi món đồ gỗ cũ được phục hồi là góp phần giữ cây rừng. Nếu vứt bỏ những món đồ này, chúng sẽ trở thành rác thải, gây ô nhiễm môi trường. Thay vào đó, chúng ta có thể biến chúng thành những món đồ mới, đẹp và có giá trị hơn".
![]() |
Bộ salon hộp chờ sơn hoàn thiện có tuổi đời hơn 40 năm. |
Việc phục hồi đồ gỗ cũ góp phần giúp giảm thiểu nhu cầu khai thác gỗ mới, từ đó gián tiếp bảo vệ rừng xanh, duy trì đa dạng sinh học. Ngoài ra, những món đồ được sử dụng lại còn giúp tiết kiệm chi phí cho người tiêu dùng, mang lại lợi ích kinh tế và môi trường và góp phần xây dựng lối sống xanh, bền vững. “Thói quen dùng đồ gỗ không chỉ ở Nha Trang mà hầu như ở mọi vùng, miền. Cũng vì thế, những năm qua, dù đã đóng cửa rừng nhưng vẫn có những vụ phá rừng xảy ra. Chính vì vậy, khi chọn nghề này để kinh doanh, tôi tâm niệm bên cạnh lưu giữ những nét văn hóa nghề mộc của cha ông, còn góp phần bảo vệ môi trường” - anh Điệp khẳng định.
Rời những xưởng đồ gỗ cũ kỹ, trong lòng chúng tôi là tình cảm trân quý dành cho những người thợ gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống. Với họ, làm nghề không chỉ bằng đôi tay, mà còn bằng cả trái tim. Mỗi món đồ được hồi sinh sẽ lan tỏa thông điệp về sự trân trọng quá khứ, ý thức bảo vệ môi trường và giá trị văn hóa của một thời đã qua.
ĐÌNH LÂM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin